Vào tháng 3, các nhà nghiên cứu của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs (Mỹ) ước tính rằng 300 triệu nhân viên toàn thời gian toàn cầu có thể bị gián đoạn bởi generative AI như ChatGPT của OpenAI. Thế nhưng, những tác động này chính xác sẽ là gì vẫn chưa chắc chắn, có thể sẽ thay đổi tùy theo ngành và vai trò của mỗi người.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Việc áp dụng AI có thể giúp một số nhân viên làm việc hiệu quả hơn, dành ít thời gian hơn cho các công việc nhàm chán, kiếm được mức lương cao hơn, tiếp tục được làm từ xa và thậm chí biến làm việc 4 ngày/tuần thành hiện thực. Tuy nhiên, những người khác có thể phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn, bị trả lương thấp hơn, thậm chí AI sẽ thay thế công việc của họ.
Trang Insider đã hỏi một số chuyên gia về AI, kinh tế và làm việc từ xa về những gì công nghệ này có thể ảnh hưởng đến công việc người Mỹ trong tương lai.
AI có thể giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn và ít nhàm chán hơn
Gần 2/3 nhân viên Mỹ có thể làm việc hiệu quả hơn khi sử dụng AI, theo Goldman Sachs. Một số người Mỹ đã sử dụng những công cụ AI tại nơi làm việc.
Mark Muro, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói với trang Insider: “Đúng là các ứng dụng AI như ChatGPT có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của người lao động. Nếu hỗ trợ người lao động thực hiện các nhiệm vụ tốn thời gian như nghiên cứu, viết và phân tích dữ liệu, thì AI có thể giúp họ có thời gian tập trung vào các lĩnh vực khác trong công việc của mình”.
“Một số phần nhàm chán hơn của công việc có thể biến mất. Chúng ta có thể tập trung nhiều hơn vào sáng tạo ý tưởng, tạo ra những câu hỏi phù hợp và những điều thú vị hơn", nhà kinh tế Carl Benedikt Frey của Đại học Oxford cho biết.
AI có thể loại bỏ một số công việc và tăng cường cạnh tranh cho những công việc còn lại
Công nghệ generative AI như ChatGPT có thể sẽ tạo ra một số công việc và thay thế những việc khác. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng tác động chính của sự bùng nổ AI sẽ khiến nhiều công việc hiện tại trở nên cạnh tranh hơn.
Vì ChatGPT giúp mọi người viết văn bản và tạo mã dễ dàng hơn, các nhà văn và lập trình viên ngày nay có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng, Carl Benedikt Frey nói.
Oded Netzer, giáo sư Trường Kinh doanh Columbia, đồng ý với quan điểm này: "Bạn có thể không bị thay thế bởi AI mà bởi người biết phải làm gì với AI. Những người biết tận dụng AI sẽ làm việc hiệu quả hơn".
AI sẽ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn
Theo Goldman Sachs, việc tăng năng suất AI có thể tăng lợi nhuận của S&P 500 lên 30% hoặc hơn. S&P 500 là chỉ số chứng khoán được dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ.
Một phần lợi nhuận này có thể đến tay người lao động dưới hình thức trả lương cao hơn, song không có gì đảm bảo.
Mark Muro nói: “Trải nghiệm của người lao động có thể phụ thuộc nhiều hơn vào bản chất công việc mà công ty áp dụng AI. Công việc đó có được áp dụng trên tinh thần cải thiện quy trình và tạo ra sản phẩm ngày càng tốt hơn không, hay chỉ đơn giản được sử dụng để loại bỏ nhân viên? Đó là sự khác biệt giữa AI tốt và AI xấu".
Lợi nhuận ra sao sẽ phụ thuộc vào cách AI được sử dụng. Khi AI làm cho một số ngành trở nên cạnh tranh hơn, Mark Muro cho biết việc này cũng có thể khiến tiền lương của một số nhân viên giảm xuống.
AI có thể giảm bớt "lo lắng về năng suất" và cho phép một số nhân viên tiếp tục được làm việc từ xa
Trong năm qua, nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng ít nhất vài ngày mỗi tuần, do lo ngại về năng suất của những người làm việc từ xa.
Mùa hè năm ngoái, 85% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ không tin rằng những nhân viên làm việc từ xa đang làm hiệu quả, theo cuộc khảo sát của Microsoft với 20.000 lãnh đạo và nhân viên ở 11 quốc gia.
Liệu những người làm việc từ xa có thực sự làm kém năng suất hơn hay không vẫn còn là điều cần tranh luận. AI sẽ giúp lãnh đạo các công ty lo lắng về điều này quên đi một phần "nỗi ám ảnh về năng suất" của làm việc từ xa. Đây là yếu tố mà trên lý thuyết có thể giúp làm việc từ xa tiếp tục tồn tại trong một số doanh nghiệp.
Chẳng hạn, một nghiên cứu của Fed (Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ) tại thành phố New York vào tháng 5 chỉ ra nhân viên trung tâm cuộc gọi làm việc từ xa "trả lời ít 12% cuộc gọi hơn so với người làm việc tại chỗ". Tuy nhiên, bài viết của Viện NBER vào tháng 4 đã phát hiện ra rằng, các nhân viên trung tâm cuộc gọi sử dụng công cụ generative AI có năng suất trung bình cao hơn 14%.
Theo nhà kinh tế Carl Benedikt Frey, có một cách khác để AI được sử dụng để giảm bớt "sự lo lắng về năng suất". Các công ty có thể áp dụng công nghệ theo dõi nhân viên làm việc từ xa.
"Tôi tin rằng AI có thể giảm bớt sự lo lắng về làm việc từ xa theo cách này, tuy nhiên điều đó có thể xảy ra bằng cách xâm phạm quyền riêng tư và không phải lúc nào cũng tốt cho lợi ích của người lao động", ông nói.
Mối lo ngại khác với những người làm việc từ xa là một số công việc của họ có thể bị thay thế bởi AI, Nick Bloom (nhà kinh tế tại Đại học Stanford và chuyên gia về làm việc từ xa) nói với Insider.
"Hãy nghĩ xem ChatGPT 6 sẽ tốt như thế nào sau hai năm nữa, có thể tốt hơn cả nhân viên trung tâm cuộc gọi thông thường. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tác động lớn nhất của AI sẽ là rất nhiều công việc làm hoàn toàn từ xa như nhập dữ liệu, tính lương,… sẽ chuyển sang cho AI", Nick Bloom nói.
Giáo sư Oded Netzer đồng ý với quan điểm này khi nói: “Nhiều công việc có khả năng bị AI thay thế là việc sẽ linh hoạt để làm từ xa như tiếp thị nội dung, trung tâm cuộc gọi, lập trình cơ bản…”.
AI có thể biến làm việc 4 ngày/tuần thành hiện thực
Nếu tuần làm việc 4 ngày/tuần trở thành hiện thực ở Mỹ, người lao động có thể biết ơn các công nghệ AI như ChatGPT.
Oded Netzer trước đây nói rằng những tiến bộ của AI có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động ở Mỹ, một bước phát triển mà ông gọi là "điều kiện cần thiết để chúng ta làm việc ít hơn".
Carl Benedikt Frey cho hay: "Bất kỳ công nghệ nào giúp tăng năng suất, gồm cả ChatGPT, đều giúp một tuần làm việc ngắn hơn trở nên khả thi hơn".
Tuy nhiên, việc tăng năng suất nhờ AI không đảm bảo làm giảm số giờ làm việc cho người Mỹ, theo Michael Chui, thành viên tại Viện McKinsey Global. Ông nói một số tổ chức có thể tận dụng lợi ích từ AI để đặt kỳ vọng người lao động sẽ tăng cường sản xuất, dẫn đến áp lực làm việc tăng lên.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận