![Chú thích ảnh](https://dc2.file.icomm.vn/news_cms/congnghe.vn/2025/02/10/cms.auto/1739182693nong-san-100225-1.jpg)
Không còn là những bài học trên sách vở, giờ thực hành của sinh viên Khoa Nông lâm (Trường Đại học Đà Lạt) giờ đã sát thực tế hơn. Trong phòng thí nghiệm với hệ thống trang thiết bị hiện đại, các sinh viên tỉ mẩn cắt gọt nông sản đặc trưng của phố núi như dâu tây, chuối laba, hồng giòn, cà rốt… để chuẩn bị cho buổi thực hành công nghệ sấy rau củ.
Bạn Võ Hoàng Thanh Tuyền (sinh viên năm thứ 4, Khoa Nông lâm) cho biết, qua các buổi thực hành đã giúp em có bài học bổ ích từ lý thuyết đến thực tế. Qua đó, em rút ra kinh nghiệm ngay từ công đoạn tuyển chọn nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình áp dụng công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm hoàn thiện nhất. Việc áp dụng công nghệ chế biến sâu đối với nhiều loại nông sản Đà Lạt cũng là cơ hội để người dân gia tăng giá trị cho sản phẩm. Với những buổi học bổ ích sẽ giúp em và các bạn khi ra trường, đi làm để góp phần nâng cao giá trị cho nông sản của Lâm Đồng và Tây Nguyên - sinh viên Tuyền kỳ vọng.
Phòng thí nghiệm với hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại như sấy lạnh, sấy nóng, sấy thăng hoa, sấy phun được đầu tư từ một dự án của Nhà nước cho Trường Đại học Đà Lạt từ năm 2023. Qua đó, giúp các sinh viên được trải nghiệm những công nghệ mới nhất về chế biến sâu để nông sản Đà Lạt “biến hóa” thành các loại đặc sản có giá trị cao, giữ nguyên vị tươi ngon tự nhiên.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Tịnh, giảng viên ngành Công nghệ thực phẩm (Khoa Nông lâm), phòng thí nghiệm là cơ hội để sinh viên áp dụng kiến thức từ lý thuyết vào thực hành. Từ đó, các em quan sát được mỗi công nghệ sấy đều có ưu, nhược điểm đối với mỗi loại nông sản khác nhau.
Sau những lần thử nghiệm, Khoa Nông lâm đã cho ra những sản phẩm sấy có chất lượng cao như: Bột thảo dược (đông trùng hạ thảo, tía tô), trà thảo mộc (hoa hồng, cúc), trái cây sấy khô hoặc sấy dẻo. Trong khi đó, công nghệ sấy thăng hoa được ứng dụng với nông sản có giá trị cao như dâu tây Nhật, hồng sấy, dâu tằm, sữa chua sấy thăng hoa, chuối laba sấy thăng hoa, tổ yến sấy thăng hoa…
![Chú thích ảnh](https://dc2.file.icomm.vn/news_cms/congnghe.vn/2025/02/10/cms.auto/1739182693nong-san-100225-2.jpg)
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Tịnh cho biết, các công nghệ sấy giúp thời gian bảo quản nông sản được lâu hơn cũng như nâng cao giá trị dinh dưỡng mà vẫn giữ nguyên mùi vị tự nhiên. Qua đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân khi bán các sản phẩm nông sản chế biến sâu, chế biến tinh bằng các công nghệ sấy hiện đại nhất. “Ngoài việc cho các bạn sinh viên thực hành, Khoa cũng đón một số đơn vị ở Đà Lạt đến tham quan, đặt hàng sấy thử một số loại rau củ bằng công nghệ mới để họ nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn” - Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Tịnh cho biết.
Thời gian qua, các sản phẩm rau củ quả sấy của Khoa Nông lâm đã được trưng bày, giới thiệu thông qua các chương trình hội thảo, diễn đàn trong khuôn khổ nhà trường. Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được đưa đến tay người tiêu dùng bên ngoài giảng đường và nhận được tín hiệu tích cực từ khách hàng.
Tiến sỹ Cao Thị Làn, Trưởng khoa Nông lâm (Trường Đại học Đà Lạt) thông tin, ngoài phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, đơn vị đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng của khoa, trường. Trong tương lai, Khoa phấn đấu xây dựng được 1 - 2 sản phẩm có thương hiệu riêng để thương mại hóa, nhất là các sản phẩm liên quan đến rau củ Đà Lạt, tốt cho sức khỏe con người.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận