Theo các nhà khoa học tại Đại học bang Michigan, loài ong có thể sử dụng khứu giác siêu nhạy để có thể ngửi thấy ung thư phổi từ hơi thở của bệnh nhân. Tiến sĩ, Trợ lý Giáo sư Debajit Saha của trường cho biết: "Thế giới của chúng ta dựa trên thị giác, nhưng thế giới côn trùng lại hoàn toàn dựa trên khứu giác. Khứu giác của loài ong cực kỳ chính xác. Những thay đổi về mùi trong hơi thở xảy ra khi bệnh ung thư phát triển trong cơ thể".
Nghiên cứu trên chỉ ra rằng loài ong có thể phát hiện ung thư phổi và một số bệnh khác bằng cách phân biệt mùi của tế bào ung thư.
Để nghiên cứu, các nhà khoa học đã gắn điện cực vào não của ong trước khi cho chúng tiếp xúc với hợp chất tổng hợp mô phỏng hơi thở của bệnh nhân ung thư phổi. Xác suất để những con ong trong việc phân biệt giữa mùi hơi thở của bệnh nhân và hơi thở của người khỏe mạnh lên tới 93%. Bên cạnh đó, loài con côn trùng này cũng có thể phân biệt được các loại ung thư phổi khác nhau.
Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ góp phần tìm ra phương pháp mới phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Tiến sĩ Saha hy vọng có thể phát triển một hệ thống sử dụng các điện cực cấy vào não ong. Khi bệnh nhân thở ra, các cảm biến với sự kết hợp giữa não ong và công nghệ sẽ cung cấp kết quả theo thời gian thực.
Ông cho rằng việc sử dụng chẩn đoán dựa trên hơi thở có thể là một cuộc cách mạng trong việc phát hiện ung thư. Bởi vì những thay đổi về mùi hơi thở xảy ra ở giai đoạn đầu phát triển khối u, có thể góp phần chẩn đoán sớm trước khi khối u chuyển sang giai đoạn tệ hơn. Hệ thống dựa trên não ong có thể được đưa vào sử dụng trong vòng năm năm tới.
Ngoài nghiên cứu về ong, một số nhà khoa học cũng quan tâm tới loài chó để phát hiện ung thư. Theo đó, một trung tâm tại Đại học Pennsylvania đang huấn luyện chó nhận biết mùi liên quan đến ung thư.
Giám đốc điều hành của trung tâm, bà Cindy Otto cho biết chó có khứu giác rất tốt và có sự tương tác với con người theo cách quen thuộc, giúp chúng có khả năng chuyển tải thông tin một cách hiệu quả. Những chú chó tham gia chương trình sẽ sống với các gia đình nuôi dưỡng và đến trung tâm để “làm việc” hàng ngày.
Nhà nghiên cứu Clara Wilson cho rằng rằng nếu một số chú chó không hứng thú thì không thể cưỡng ép vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kết quả. Do đó cần phải khiến công việc của chúng như một trò chơi yêu thích. Mặc dù việc phát hiện ung thư có thể là một trò chơi đối với động vật nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy động vật phát hiện ung thư tốt hơn máy móc.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy khứu giác của chó tốt hơn loài người từ 10.000 đến 100.000 lần. Nhà nghiên cứu Amritha Mallikarjun cho biết độ nhạy của chó với mùi vượt trội hơn các thiết bị hiện có trên thị trường. Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu đặc tính của "mùi ung thư" để phát triển các công nghệ mô phỏng khả năng ngửi của chó, góp phần phát hiện sớm ung thư. Bà Otto nhấn mạnh tiềm năng của việc sử dụng động vật để nghiên cứu, cải thiện các phương pháp để phát hiện sớm các loại bệnh khác, không chỉ riêng bệnh ung thư.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận