CEO 46 tuổi cố trẻ lại như tuổi 18, uống hơn 100 viên thuốc/ngày, ngủ trong phòng chỉ có 3 thứ

CEO 46 tuổi cố trẻ lại như tuổi 18, uống hơn 100 viên thuốc/ngày, ngủ trong phòng chỉ có 3 thứ

Doanh nhân công nghệ 46 tuổi dành cả đêm trong một căn phòng ngủ gần như trống rỗng, chỉ có ba thứ ngoại lệ.

Ba đồ vật trong phòng ngủ của Bryan Johnson là chiếc giường, mặt nạ bảo vệ khuôn mặt bằng laser để giảm nếp nhăn và thiết bị gắn vào bộ phận sinh dục của anh ấy để đo khả năng cương cứng vào ban đêm của ông, theo bài viết trên Time Magazine.

Bryan Johnson giải thích rằng sự cương cứng vào ban đêm đóng vai trò như một chỉ số cho tuổi của cơ thể.

Tôi chỉ ngủ ở đây. Không làm việc, không đọc sách”, Bryan Johnson nói với Time Magazine.

Về thói quen ban đêm, Bryan Johnson đi ngủ lúc 20 giờ 30 tối và bắt đầu vào ngày mới trước 6 giờ sáng. Thói quen buổi tối của Bryan Johnson gồm sử dụng các sản phẩm làm đẹp của hãng CeraVe và đi chơi với con trai trước khi đi ngủ, theo một video mà ông đăng trên kênh YouTube cá nhân vào tháng 5.

Phần còn lại ngôi nhà của Bryan Johnson không thưa thớt như phòng ngủ. Nó bao gồm cả một phòng tập thể dục tại nhà với giấy dán tường cao từ trần đến sàn như khu rừng, các giá sách chứa đầy tiểu sử (gồm cả Napoléon và Ben Franklin) và một chiếc đèn trị liệu hồng ngoại mà ông sử dụng để mô phỏng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, nỗ lực thử nghiệm của Bryan Johnson nhằm biến cơ thể 46 tuổi thành 18 tuổi không chỉ liên quan đến việc sắp xếp chỗ ngủ kỳ dị. Project Blueprint, chương trình tối ưu hóa sức khỏe của Bryan Johnson, tiêu tốn tới 2 triệu USD mỗi năm.

Thói quen của Bryan Johnson gồm uống hơn 100 viên thuốc mỗi ngày, đội mũ lưỡi trai để chiếu ánh sáng đỏ vào da đầu, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục cường độ cao và tích cực đo tuổi cơ thể thông qua các phương tiện như xét nghiệm máu, siêu âm, MRI (chụp cộng hưởng từ), nội soi.

Cách tiếp cận của Bryan Johnson nhằm đảo ngược quá trình lão hóa đã gây ra nhiều tranh cãi. Các nhà khoa học nói với trang Insider rằng nhiều khía cạnh trong thói quen của Bryan Johnson mang lại những lợi ích sức khỏe không rõ ràng.

Vào tháng 7, Bryan Johnson cho biết ông đã tạm dừng một phần gây tranh cãi trong thói quen của mình – truyền huyết tương từ cậu con trai tuổi teen – vì thấy “không có lợi ích gì” từ việc đó.

Chắc chắn Bryan Johnson không đơn độc trong việc tìm kiếm bí quyết sống lâu.

ceo-46-tuoi-co-tre-lai-nhu-tuoi-18.jpg
Bryan Johnson chi rất nhiều tiền để cố gắng đảo ngược quá trình lão hóa - Ảnh: Getty Images

Ngày càng có nhiều doanh nhân giàu có nhất thế giới đang đầu tư tiền vào việc kéo dài tuổi thọ của con người. Trong đó có Sam Altman – Giám đốc điều hành OpenAI (đầu tư 180 triệu USD vào một hãng công nghệ sinh học nhằm tăng thêm 10 năm tuổi thọ của con người khỏe mạnh) và Peter Thiel - đồng sáng lập PayPal (đầu tư 3,5 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận để biến người 90 tuổi thành 50 vào năm 2030".

Dân công nghệ bạo chi để chăm sóc sức khỏe

Ngày nay, các tỷ phú công nghệ đang khá coi trọng sức khỏe và thể chất của mình. Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) mới đây khoe cơ bụng săn chắc trên cầu thang du thuyền của mình. Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) rất nghiêm túc với jiu jitsu để hiện có cơ bắp săn chắc và thậm chí sẵn sàng đấu võ với Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX).

Jiu jitsu là nhu thuật, dùng sự khéo léo, uyển chuyển của cơ thể để chế ngự sức mạnh của đối thủ. Jiu jitsu không phải là một môn võ riêng lẻ mà tổng hợp các kỹ năng đỉnh cao trong nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật Bản.

Trang The Information gần đây đã tiến hành một cuộc thăm dò ẩn danh về thói quen chăm sóc sức khỏe và thể chất của 500 người đăng ký. Trang The Information có khoảng 45.000 người đăng ký trả phí với giá khoảng 450 USD một năm.

Mát xa, xông hơi và thực phẩm bổ sung được xếp hạng trong số những khoản chi tiêu chăm sóc sức khỏe hàng đầu với những người trả lời khảo sát, một người nói với The Information rằng đã mua một chiếc giường trị liệu bằng ánh sáng đỏ mang tên NovoThor.

Theo trang web của NovoThor, chiếc giường này sử dụng "ánh sáng đỏ và gần hồng ngoại để giảm đau, thư giãn cơ/khớp và tăng cường lưu thông máu".

James Carroll, người sáng lập và Giám đốc điều hành hãng Thor Photomedicine (Anh), nói với trang Insider rằng một chiếc giường dài 7 foot (2,1336 m) có giá khoảng 150.000 USD (3,6 tỉ đồng). Ông cho biết Thor Photomedicine đã bán được khoảng 100 chiếc NovoThor cho việc sử dụng cá nhân kể từ khi bắt đầu sản xuất giường này vào năm 2016.

Đây cũng là loại thiết bị y tế mà người dân cũng có thể đặt lịch hẹn tại spa hoặc trung tâm y tế để sử dụng. Tại Next Level Therapeutics, trung tâm chăm sóc sức khỏe ở thành phố New York (Mỹ), một buổi trị liệu bằng ánh sáng đỏ toàn thân với NovoThor kéo dài 15 phút có giá khoảng 55 USD, theo trang đặt phòng của trung tâm này.

James Carroll nói thêm rằng: “Chúng tôi đã lắp đặt thêm 250 chiếc giường nữa tại các trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, các đội thể thao NFL (Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ), MLB (Tổ chức thể thao chuyên nghiệp của môn bóng chày), NHL (Giải khúc côn cầu trên băng ở Bắc Mỹ), MLS (Giải bóng đá Nhà nghề Mỹ), Navy Seal (đơn vị đặc biệt thuộc Hải quân Mỹ) và các lực lượng đặc biệt”.

Theo Bệnh viện Mayo Clinic, những người trả lời khảo sát của The Information cũng chi tiền nhiều hơn cho một buồng oxy cao áp trị giá 70.000 USD (1,68 tỉ đồng) - thiết bị điều áp giúp phổi thu thập nhiều oxy hơn mức có thể ở áp suất không khí bình thường.

Theo Mayo Clinic, buồng này được sử dụng cho liệu pháp oxy cao áp có thể giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bong bóng khí trong mạch máu, vết thương do bệnh tiểu đường hoặc phơi nhiễm tia X, đồng thời cũng có thể giúp giải phóng protein và tế bào gốc giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Gần 1/3 số người trả lời cuộc khảo sát của The Information cho biết họ dành hơn 1 giờ mỗi tuần cho một số hình thức thực hành chăm sóc sức khỏe như liệu pháp hồng ngoại, truyền tĩnh mạch hoặc áp lạnh. Áp lạnh liên quan đến việc để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ rất lạnh, được cho là giúp phục hồi chấn thương và giảm cân.

Một số người trả lời cuộc khảo sát của The Information chấp nhận nêu danh tính. Nhà đầu tư mạo hiểm Keith Rabois, thành viên quỹ Founders Fund (Mỹ), cho biết ông dành một giờ mỗi tuần cho liệu pháp áp lạnh. Song theo FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), không có bằng chứng nào cho thấy liệu pháp áp lạnh mang lại bất kỳ lợi ích nào, thậm chí có thể gây ra một số rủi ro.

Keith Rabois cũng nói với The Information rằng ông luyện tập khoảng 90 phút mỗi ngày, thường bằng cách tham gia các lớp Bootcamp (chương trình rèn luyện thể chất kiểu quân đội) của hãng Barry (Mỹ).

ceo-46-tuoi-co-tre-lai-nhu-tuoi-181.jpg
Nhà đầu tư mạo hiểm Keith Rabois là một người thích liệu pháp áp lạnh - Ảnh: Insider

Các giao dịch mua thiết bị khác được người trả lời đề cập gồm cả chiếc xe đạp Colnago C68 trị giá 19.000 USD với bánh xe carbon Enve đắt tiền.

Trong dân chúng nói chung, các xu hướng chăm sóc sức khỏe như ngâm nước lạnh và liệu pháp ánh sáng đỏ đang trở nên phổ biến khi ngày càng nhiều người có nhu cầu sống lâu hơn.

Có vẻ như những người ở Thung lũng Silicon (Mỹ) cũng muốn trông đẹp hơn. Một số trong 500 người được hỏi nói với The Information rằng họ chi từ 400 đến 1.000 USD mỗi lần tiêm Botox.

Tiêm Botox là liệu pháp làm đẹp trong chuyên ngành thẩm mỹ đến điều trị như tăng tiết mồ hôi bàn tay, vùng nách, các nếp nhăn trên trán mày, tiêm thon gọn hàm, vai, bắp chân. Ở lĩnh vực thẩm mỹ, bác sĩ sử dụng chủ yếu Botulinum toxin type A.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận