Công nghiệp hoá để trường tồn

Công nghiệp hoá để trường tồn

Tương lai nào cho chúng ta?

Tri thức của thời đại sẽ chảy vào những vùng như thung lũng Silicon, vì tài năng thế giới cảm nhận được IQ hỗn hợp và những cơ hội phát triển thông thoáng, một văn hoá của sáng tạo, khoan dung, và một phong cách sống thú vị. Những xã hội có ít lực cản nhất đối với các doanh nhân là những xã hội sẽ có mức sống cao nhất.

Thế giới của con cháu chúng ta sẽ rất khác với thế giới của chúng ta hôm nay. Nhiều ngành nghề cũng rất khác, chưa có mặt hôm nay. Đất đai là nguyên liệu của thời đại nông nghiệp. Sắt thép là nguyên liệu của thời đại công nghiệp. Data là nguyên liệu của thời đại thông tin. Thông tin bao gồm tri thức. Kinh tế 2.0 của sự giàu có hôm nay đặc trưng bằng đổi mới, sáng tạo, công nghệ tiến bộ, chứ không chỉ bằng đất đai, lao động và vốn liếng, như kinh tế 1.0 của sự khan hiếm của quá khứ. Con cháu chúng ta vì thế phải được cung cấp đầy đủ những kỹ năng phù hợp, như óc tò mò, sáng tạo, khai phá, óc liên tưởng, óc tưởng tượng, quan sát, đặt câu hỏi, kết nối, tư duy liên ngành, thử nghiệm, dũng cảm chấp nhận, thậm chí yêu cả rủi ro. “Sáng tạo là kết nối các sự vật”, như Steve Jobs nói. Einstein từng luôn kết nối các sự kiện để đi đến những khám phá vĩ đại của ông.

Sáng tạo là kết nối

Các nhà đổi mới sáng tạo là những người “nghĩ khác”. Giáo dục để sáng tạo, nghĩ khác, cũng như để biết kinh doanh thông minh, làm ra sản phẩm cho xã hội, hơn là để học thuộc lòng. Sáng tạo cũng không phải chỉ dựa trên công nghệ một cách thuần tuý, như vậy chưa đủ, mà còn phải kết nối với nhân văn, được Steve Jobs minh hoạ sống động khi cho ra mắt iPad 2: “Chính trong cái DNA của Apple mà một mình công nghệ thôi không đủ, chính công nghệ được kết hôn với nghệ thuật nhân văn (liberal arts), với các ngành nhân văn (humanities), mới cho chúng ta sản phẩm làm cho tim ta reo lên, và không ở đâu điều đó đúng hơn là ở các thiết bị hậu-PC này”. Vì thế con người cần phải được giáo dục toàn diện. Chỉ có nền giáo dục mang tính nhân văn cao mới đáp ứng sự thách thức mà Thomas Friedman và Michael Mandelbaum tóm tắt như sau: lấy óc tưởng tượng làm chỉ số của sự phát triển, một tính chất mà Einstein từng cho là vô cùng quan trọng trong nghiên cứu khoa học:

cong nghiep hoa de truong ton hinh anh 1

Data là nguyên liệu của thời đại thông tin. Cũng giống như đất đai là nguyên liệu của thời đại nông nghiệp và sắt thép là nguyên liệu cảu thời đại công nghiệp. Ảnh: T.L

Nhìn về phía trước, chúng ta tin chắc rằng thế giới ngày càng được phân chia giữa các quốc gia làm-cho-có-khả-năng-tưởng-tượng cao, cổ vũ và làm cho dân tộc họ có khả năng tưởng tượng và những “thứ đặc biệt” (extras) khác, và các quốc gia-làm-cho-có-khả-năng-tưởng-tượng thấp, ngăn chặn hay thất bại trong việc phát triển các năng lực sáng tạo của dân tộc họ, và phát triển các khả năng làm bật ra những ý tưởng mới, khởi nghiệp những công nghiệp mới, và nuôi dưỡng cái “đặc biệt” của riêng họ.

Trong hướng đó, cựu thủ tướng Goh Chok Tong của Singapore cũng đã tuyên bố: “Đổi mới sáng tạo và tưởng tượng đem lại cho nền kinh tế hoặc một công ty lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Ngày nay, phồn vinh được tạo ra bởi những ý tưởng mới”.

Sâu thẳm, lằn ranh giới giữa Việt Nam và các con rồng châu Á không nằm ở nơi nào khác hơn là ở cách mạng công nghiệp, và chỉ ở đó mọi năng lực trí tuệ và tay chân của một dân tộc mới được phát triển vượt bậc. Tư duy công nghiệp hoá là tư duy bứt phá “của mọi bứt phá” với cả ý chí, quyết tâm và khát vọng, trang bị cho cả dân tộc có tầm nhìn và óc tưởng tượng đi lên. Giáo dục để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá này, chuyển hoá tri thức thành giá trị kinh tế, như người Nhật đã từng làm. Nếu không, giáo dục sẽ mất đi định hướng và ý nghĩa xã hội, và đất nước vẫn sa lầy mãi trong bẫy thu nhập trung bình.

Công nghiệp hoá cũng không thể thành công nếu không có lòng yêu nước nồng nàn của con người muốn thay hiện trạng xã hội. Tạo ra thay đổi mạnh mẽ đòi hỏi “năng lượng cảm xúc” (emotional energy) mạnh mẽ và sự bền bỉ. Đó chính là lòng yêu nước, yêu con người. Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng, chính lòng yêu nước là động cơ quan trọng bậc nhất trong mọi cuộc duy tân vĩ đại. Hãy nhìn những tấm gương Đức, Nhật và Hàn Quốc!

Người Nhật đã làm thế nào để phát triển khoa học trong quá khứ? Họ được những người thầy từ phương Tây nhắc nhở rằng, không nên xem khoa học như trái cây có sẵn để mua được, và các thầy cũng không muốn mình là những người đi bán trái cây, mà phải quan niệm rằng khoa học là cái cây mà thầy và trò phải vun xới mảnh đất theo đúng các tiêu chuẩn để nó ra trái ngọt. Những năm qua, sự đơm hoa kết trái ngày càng hiện rõ hơn bao giờ hết, khi hầu như năm nào người Nhật cũng đều có giải Nobel, giống như người Đức đầu thế kỷ 20. Đó là trái mà cây khoa học đã đơm ở tầng cao nhất. Khu vườn khoa học của họ chính là mảnh đất văn hoá không ngừng được vun xới và chăm bón. Không có mảnh đất văn hoá đó, người ta phải chịu tốn kém đi mua trái của khoa học suốt đời. Các tiêu chuẩn chăm sóc mảnh vườn, và của khoa học, là phổ quát – universal. Trật đi, cây không bao giờ có trái.

“Thích nghi hay tiêu vong, mãi mãi là mệnh lệnh nghiệt ngã của tự nhiên”, đó là lời nhắc nhở của một học giả Anh nổi tiếng, H.G. Wells, trong quyển sách Một lược sử thế giới năm 1922 từng được bán ra trên 2 triệu bản. Đó là quy luật của sự sinh tồn. Việt Nam từng vượt qua những thử thách ngoại xâm nghiệt ngã. Tôi tin rằng với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí mạnh mẽ, với tinh thần cởi mở và con mắt quan sát sắc bén, không ngừng học hỏi thế giới, biết chọn những đổi mới có tính bứt phá, Việt Nam sẽ thành công như những quốc gia khác, trước thách thức vực dậy đất nước để cùng bước vào cao nguyên của các quốc gia công nghiệp hoá phồn vinh và hùng mạnh. Việt Nam phải tiến lên công nghiệp hoá để trường tồn!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận