Katalin Karikó và Drew Weissman - những chủ nhân Giải VinFuture giành Nobel Y học với công trình nghiên cứu vắc xin COVID-19

Katalin Karikó và Drew Weissman - những chủ nhân Giải VinFuture giành Nobel Y học với công trình nghiên cứu vắc xin COVID-19

Đây là một trong những giải thưởng danh giá nhất trong giới khoa học. Giải thưởng này được lựa chọn bởi Hội đồng Nobel của trường Đại học y khoa thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) với phần thưởng 11 triệu curon Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD).

Cơ quan trao giải cho biết: “Giải thưởng Nobel về Sinh lý học hoặc Y học năm 2023 đã được trao cho Katalin Karikó và Drew Weissman vì những khám phá của họ liên quan đến việc sửa đổi cơ sở nucleoside cho phép phát triển vắc xin mRNA hiệu quả chống lại COVID-19”.

Vắc xin mRNA ngừa COVID-19 được sản xuất bởi Pfizer - BioNTech và Moderna.

Katalin Karikó là Phó chủ tịch cấp cao kiêm người đứng đầu bộ phận thay thế protein RNA tại hãng BioNTech (Đức) cho đến năm 2022 và kể từ đó đóng vai trò cố vấn cho công ty này. Bà cũng là giáo sư tại Đại học Szeged (Hungary) và là giáo sư hỗ trợ tại Trường Y Perelman của Đại học Pennsylvania (Mỹ).

Drew Weissman là giáo sư nghiên cứu vắc xin tại Trường Perelman.

Katalin Karikó đã tìm ra cách ngăn hệ thống miễn dịch phát động phản ứng viêm nhiễm chống lại mRNA được sản xuất trong phòng thí nghiệm, trước đây được coi là trở ngại lớn với bất kỳ việc sử dụng mRNA nào trong điều trị.

Cùng với Drew Weissman, vào năm 2005, Katalin Karikó đã chứng minh rằng việc điều chỉnh nucleoside (các chữ cái phân tử viết mã di truyền của mRNA) có thể giữ mRNA trong tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch.

Rickard Sandberg, thành viên Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska, cho biết: “Giải Nobel năm nay công nhận khám phá khoa học cơ bản của họ đã thay đổi căn bản sự hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch và có tác động lớn đến xã hội trong đại dịch gần đây”.

katalin-kariko-drew-weissman-gianh-giai-nobel-y-hoc.jpg
Nhà khoa học Katalin Karikó (Hungary) và Drew Weissman (Mỹ) lần lượt giành được Giải Nobel Y học năm 2023 vì những khám phá cho phép phát triển vắc xin mRNA COVID-19 - Ảnh: Reuters

Trước khi Giải Nobel gọi tên TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman, Giải thưởng VinFuture năm 2021 là một trong số ít giải thưởng khoa học công nghệ quy mô toàn cầu đầu tiên tôn vinh công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học này. Việc VinFuture vinh danh TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman trước Nobel 2 năm đã thể hiện tầm vóc và tầm nhìn của Hội đồng Giải thưởng VinFuture.

Mặc dù đã được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, Giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS Katalin Karikó. Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6.2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín, vì sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Bà Karikó khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.

vin.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải Giải thưởng chính VinFuture 2021 cho các nhà khoa học giúp phát triển vắc xin phòng COVID-19

Giải Y học khởi đầu giải thưởng năm nay với 5 giải còn lại sẽ được công bố trong những ngày tới: Nobel Vật lý (ngày 3.10), Nobel Hóa học (ngày 4.10), Nobel Văn học (ngày 5.10), Nobel Hòa bình (ngày 6.10) và Nobel Kinh tế (ngày 9.10).

Giải thưởng Nobel được trao lần đầu tiên vào năm 1901, do nhà phát minh thuốc nổ người Thụy Điển và doanh nhân giàu có Alfred Nobel tạo ra, dành cho những thành tựu về khoa học, văn học và hòa bình cũng như kinh tế trong những năm sau đó.

Nhà vua Thụy Điển sẽ trao giải thưởng Nobel tại một buổi lễ ở thủ đô Stockholm vào ngày 10.12, ngày giỗ của Alfred Nobel, sau đó là bữa tiệc xa hoa tại tòa thị chính.

Giải thưởng Nobel Y học năm ngoái đã thuộc về Svante Paabo (người Thụy Điển) vì đã giải trình tự bộ gien của người Neanderthal, họ hàng đã tuyệt chủng của con người ngày nay, và vì đã khám phá ra Denisovan - họ hàng chưa từng được biết đến trước đây của con người.

Công trình nghiên cứu của nhóm Svante Paabo đã góp phần thiết lập nên ngành khoa học mới: Hệ gien học cổ đại. Đây là ngành chuyên về nghiên cứu các vật liệu di truyền thông qua việc thu thập những mầm bệnh cổ đại.

Những người đoạt giải khác trong quá khứ có Alexander Fleming năm 1945 cho việc phát hiện ra penicillin và Karl Landsteiner năm 1930 vì phát hiện ra nhóm máu ở người.

Kể từ năm 1901, đã có 113 giải Nobel Y sinh được trao, trong đó có 12 người đoạt giải là nữ. Chủ nhân giải Nobel Y sinh trẻ nhất là nhà khoa học Frederick G. Banting (Canada), nhận giải vào năm 1923 khi ông 32 tuổi, nhờ khám phá ra insulin.

Người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel thể loại này là nhà khoa học Peyton Rous (Mỹ) khi ông được trao vào năm 1966 ở tuổi 87, nhờ phát hiện ra vi rút gây ung thư.

Có 2 cha con từng nhận giải Nobel Y học là Svante Paabo nhận giải năm ngoái và cha ông là nhà khoa học Sune Bergstrom, người đã cùng 2 chuyên gia khác đoạt giải nhờ phân lập, xác định và phân tích nhiều prostaglandin - axít béo không bão hòa ở các mô.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận