Theo một báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia công bố ngày 26/3, 18% công việc trên toàn cầu có thể được vi tính hóa và xu hướng này ảnh hưởng đến các nền kinh tế tiên tiến sâu rộng hơn so với các thị trường mới nổi.
Các nhà phân tích đưa ra dự đoán này một phần vì những người lao động trí óc được cho là đứng trước nhiều rủi ro bị thay thế hơn những người lao động chân tay. Theo các nhà kinh tế, các luật sư và nhân viên hành chính được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngược lại, các công việc đòi hỏi thể chất hoặc hoạt động ngoài trời như xây dựng và sửa chữa sẽ ít bị tác động hơn.
Theo Goldman Sachs, khoảng 2/3 công việc hiện tại có thể được tự động hóa bằng AI ở một mức độ nào đó và có tới 1/4 tổng số công việc có thể được thực hiện hoàn toàn bởi AI ở Mỹ và châu Âu.
Theo các nhà kinh tế, "Nếu trí tuệ nhân tạo thực sự mang lại những khả năng như đã hứa hẹn, thì thị trường lao động có thể gặp gián đoạn đáng kể."
ChatGPT, phần mềm tương tác chatbot gây bão toàn cầu sau khi được công bố hồi tháng 11/2022, là một trong những công cụ thành công gần đây dựa trên AI.
ChatGPT, với khả năng trả lời các câu hỏi và viết luận, viết code và lời bài hát, đã khiến nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại cách mọi người nên làm việc hàng ngày.
GPT-4, phiên bản mới nhất của phần mềm này, đã được nhà phát triển OpenAI phát hành vào tháng 3 vừa qua. Nền tảng đã nhanh chóng gây ấn tượng với những người dùng ban đầu nhờ khả năng đơn giản hóa mã hóa, tạo một trang web từ một bản phác thảo đơn giản và vượt qua điểm số cao trong các kỳ thi của trường đại học.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận