Những điều cần biết về loại virus gây tỷ lệ tử vong 70% tại Ấn Độ

Những điều cần biết về loại virus gây tỷ lệ tử vong 70% tại Ấn Độ

Chú thích ảnh
Một nhà nghiên cứu bắt dơi để thu thập mẫu vật nghiên cứu virus Nipah ở khu vực Shuvarampur của tỉnh Faridpur, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Bang Kerala phía Nam Ấn Độ đã phải đóng cửa một số trường học và cơ quan trong tuần này khi chính quyền bang đang nỗ lực chạy đua để ngăn chặn virus Nipah chết người lây lan, sau khi ghi nhận 2 ca tử vong gần đây.

Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học lần đầu tiên xác định virus Nipah vào năm 1998 trong một đợt bùng phát dịch bệnh ở những người chăn nuôi lợn tại Malaysia và Singapore. Đợt dịch này gây ra tác động kinh tế đáng kể khi hơn một triệu con lợn bị tiêu hủy để kiểm soát dịch bệnh.

Mặc dù không có đợt bùng phát virus Nipah nào khác ở Malaysia và Singapore kể từ năm 1999, nhưng sau đó các ca bệnh đã được ghi nhận gần như hàng năm ở một số khu vực ở châu Á - chủ yếu là Bangladesh và Ấn Độ.

Trong một tuyên bố vào năm 2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) giải thích virus Nipah là một loại virus lây truyền từ động vật sang người. Vật chủ của virus Nipah là loài dơi ăn quả (chi Pteropus), còn được gọi là dơi quạ.

Virus có thể lây nhiễm trực tiếp sang người thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của dơi và lợn bị nhiễm bệnh. Một số trường hợp lây truyền khác được ghi nhận lây lan từ người.

Cho đến thời hiện tại, vẫn chưa có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị khỏi bệnh một khi nhiễm virus. Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới khoảng 70%. Phương pháp điều trị thông thường là chăm sóc hỗ trợ điều trị triệu chứng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, suy hô hấp, đau đầu và nôn mửa. Viêm não và hiện tượng co giật cũng có thể xảy ra trong trường hợp nặng, dẫn đến hôn mê trong vòng 24 - 48 giờ.

WHO xếp virus Nipah vào danh sách nghiên cứu và phát triển các mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh.

Trước khi phát hiện các ca bệnh tại Ấn Độ vào tuần này, virus Nipah đã từng bùng phát trong 3 đợt dịch. Đợt bùng phát đầu tiên năm 1998 ở Malaysia và Singapore cướp đi sinh mạng của trên 100 người và làm lây nhiễm cho gần 300 người. Kể từ đó, virus Nipah đã lây lan ra hàng nghìn kilomet, với tỷ lệ tử vong dao động từ 72 đến 86%. Dữ liệu của WHO cho thấy từ năm 1998 đến năm 205, trên 600 trường hợp nhiễm virus Nipah ở người đã được ghi nhận.

Đợt dịch thứ 2 bùng phát vào năm 2001 ở Ấn Độ và Bangladesh, giết chết 62 trong số 91 người mắc bệnh. Năm 2018, một đợt bùng phát ở Kerala đã cướp đi sinh mạng của 21 người. Một cuộc điều tra của Reuters hồi tháng 5 cho thấy Kerala nằm trong số những nơi có nguy cơ bùng phát virus dơi cao nhất trên toàn cầu.

Dựa trên kinh nghiệm trong các đợt dịch trước đây, việc vệ sinh và khử trùng trang trại lợn thường xuyên, kỹ lưỡng bằng chất tẩy rửa thích hợp có thể có hiệu quả trong ngăn ngừa mắc bệnh.

Trong trường hợp bùng dịch ở động vật, WHO đề xuất cơ sở sản xuất tiêu hủy động vật bị nhiễm virus, kiểm soát chặt việc thiêu hủy xác hoặc chôn xác động vật để giảm nguy cơ truyền sang người.

Trong bối cảnh vẫn chưa có vaccine đặc trị virus Nipah, điều ưu tiên hàng đầu là nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng tránh. Để tránh lây lan qua rau củ quả bị nhiễm dịch cơ thể của dơi, cần phải rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Quả nào có dấu hiệu bị dơi ăn cần vứt bỏ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận