Xu hướng công trình xanh cùng với các vật liệu xanh đang thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống. Xu hướng này đang phát triển, góp phần hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng xung quanh câu chuyện áp dụng các vật liệu xanh trong các công trình xanh tại Việt Nam.
Thưa ông, những năm gần đây Chính phủ và Bộ Xây dựng đặc biệt chú trọng và ưu tiên hàng đầu đối với việc phát triển các công trình xanh, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- PGS-TS Lê Trung Thành: Mục đích đầu tiên mà công trình xanh hướng đến là tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả. Mục tiêu thứ hai là sử dụng vật liệu xây dựng một cách phù hợp, tránh sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, cố gắng tái chế phế thải từ những ngành công nghiệp, nông nghiệp và thậm chí ngay cả nước thải sinh hoạt, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển công trình xanh theo hướng bền vững.
Một tiêu chí quan trọng đối với công trình xanh là phải đảm bảo tính tiện nghi, sức khỏe cho người sử dụng, đồng thời nâng cao năng suất lao động và hơn thế nữa là nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm được cho là công trình xanh, tuy nhiên, để đánh giá cần phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn, được kiểm tra và chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo tôi, năng lực cũng như kỹ năng của đội ngũ tư vấn, thiết kế công trình xanh rất quan trọng. Chúng ta có thể có vật liệu xây dựng, có chủ trương của Nhà nước, có sự quan tâm lớn từ các chủ đầu tư, nhưng khi đưa vào quá trình thực hiện công trình xanh thì đội ngũ tư vấn, thiết kế phải rất am hiểu từ kiến trúc đến kết cấu và đặc biệt là biết sử dụng vật liệu xây dựng. Ví dụ có nhiều loại vật liệu có hệ số dẫn nhiệt rất thấp, khi đưa vào công trình sử dụng sẽ tiết kiệm năng lượng rất nhiều.
Trên thực tế, việc thiết kế công trình hướng tới công trình xanh không chỉ đơn thuần thiết kế về mặt chịu lực. Trước đây, đội ngũ kỹ sư chủ yếu tập trung thiết kế làm sao cho công trình bền vững, tránh xảy ra các sự cố về chịu lực công trình. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề chịu lực phải đảm bảo thì còn phải rất tập trung đến yếu tố liên quan đến nhiệt và nước.
Về nhiệt có hệ số dẫn nhiệt, bức xạ nhiệt hay hấp thụ nhiệt; còn nước là các hệ số liên quan như độ hút nước, tính dẫn nước của vật liệu xây dựng. Đây là những kiến thức đòi hỏi đội ngũ tư vấn phối hợp chặt chẽ với đơn vị sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp với mục đích, như vậy công trình xanh mới có thể phát triển được.
Vậy ông đánh giá khả năng cung cấp vật liệu xây dựng xanh cho các công trình xanh từ các doanh nghiệp trong nước hiện tại như thế nào?
- Hiện nay, nói tới vật liệu xanh là nói tới vật liệu khi sử dụng có khả năng tiết kiệm năng lượng, đồng thời khi sản xuất loại vật liệu này cũng tiết kiệm năng lượng. Ở Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này.
Bên cạnh những đơn vị đi đầu với công nghệ được đầu tư bài bản, tiên tiến thì vẫn còn những đơn vị chưa cải tiến, chưa sử dụng nguồn vật liệu xanh và đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực có thể vận hành sản xuất vật liệu xanh.
Chúng ta có điểm yếu là tại các nhà máy sản xuất vật liệu hiện đang thiếu các kỹ sư am hiểu công nghệ có khả năng kết nối giữa công nghệ với tính năng sản phẩm hiện tại. Vì vậy, thị trường vật liệu xanh đang có những bước tiến khá chậm, cả về vấn đề nhân lực cũng như về đầu tư cho công nghiệp.
Đối với công trình xanh, các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường có rất nhiều lựa chọn, không chỉ đơn thuần là một loại vật liệu mà cần tổ hợp từ rất nhiều loại mới tạo nên công trình xanh.
Hiện nay, các kỹ sư tư vấn sẽ mô phỏng năng lượng toàn bộ tòa nhà trong thời gian dài, qua đó mới đánh giá toàn diện hiệu quả của công trình xanh. Theo đó, chủ đầu tư cũng như khách hàng cũng nên có tư duy sử dụng theo vòng đời của nó thay vì theo tháng hay năm.
Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức, hiện nay còn tồn tại khá nhiều vấn đề. Đặc biệt là các thách thức về nhận biết, kỹ năng và năng lực của đội ngũ tư vấn. Thêm nữa là thách thức của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong việc tiên phong áp dụng công nghệ mới.
Trong khuôn khổ chính sách của Việt Nam đã có cơ chế nào để khuyến khích sản xuất, áp dụng vật liệu xanh và quy định bắt buộc doanh nghiệp đi theo hướng đó hay chưa, thưa ông?
- Về vấn đề cơ chế chính sách, có thể thấy Chính phủ và Bộ Xây dựng rất chủ động ban hành các nghị quyết, có chiến lược vật liệu xây dựng - trong đó nhấn mạnh vấn đề vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, có thêm chiến lược phát triển nhà ở, trong đó đã có cả những kế hoạch, hành động.
Tôi cho rằng chúng ta đã có sự chủ động trong việc đưa ra các định hướng rất tốt. Tuy nhiên, Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường rất nhiều năm, cho nên với bản chất là quan hệ cung cầu, khi nhu cầu về công trình xanh tăng lên thì đòi hỏi nguồn cung cũng phải thích ứng kịp.
Trong câu chuyện cung cầu đối với công trình xanh, về mặt cầu thì nhận thức của người sử dụng cũng cần phải có sự am hiểu hơn. Còn về nguồn cung, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng áp dụng công nghệ đi đầu tuy đã chủ động nhưng chưa toàn diện. Chỉ một số doanh nghiệp nhận thức được điều này, số còn lại đang thiếu kiến thức về vật liệu có tính năng cao hơn dẫn đến rào cản.
Trong cơ chế thị trường luôn có sự cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp đưa ra quyết định có chuyển đổi hay không. Theo tôi, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đang đề cao tiêu chí kinh tế quá lớn. Nếu chỉ để ý tới yếu tố kinh tế thì tư duy rất khó để chuyển đổi, bởi công trình xanh không chỉ liên quan đến kinh tế mà còn liên quan đến xã hội, đặc biệt là về môi trường.
Ảnh hưởng đến vấn đề môi trường có thể không cảm nhận ngay được trong ngày một ngày hai, nhưng thông qua quá trình sinh sống lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến chính sức khỏe của người sử dụng, sinh sống trong công trình đó.
Xin cảm ơn ông!
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận