
Các kỹ sư tại Đại học Purdue (Mỹ) đã xây dựng một ngôi nhà mô phỏng đầy đủ các đặc điểm của một căn hộ điển hình để theo dõi tác động của các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đến chất lượng không khí trong nhà.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các sản phẩm có hương thơm như sáp thơm, nước xịt phòng, dung dịch lau sàn và chất khử mùi có thể tạo ra các hạt nano khi phản ứng với ozone, dẫn đến sự hình thành các chất ô nhiễm mới trong không khí. Những hạt này có kích thước đủ nhỏ để xâm nhập vào phổi con người.
"Một khu rừng là môi trường trong lành, nhưng nếu bạn sử dụng các sản phẩm làm sạch và liệu pháp hương thơm với mùi hương nhân tạo để tái tạo khung cảnh này trong nhà, bạn thực chất đang tạo ra một lượng lớn ô nhiễm không khí trong nhà mà bạn không nên hít vào", Tiến sĩ Nusrat Jung, trợ lý giáo sư tại Đại học Purdue, cảnh báo.
Mặc dù chưa rõ việc hít phải các hóa chất này ảnh hưởng đến sức khỏe con người ra sao, các nhà nghiên cứu tin rằng chúng có thể gây rủi ro cho hệ hô hấp.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các sản phẩm có hương thơm không chỉ đơn thuần phát tán mùi dễ chịu mà còn thay đổi đáng kể thành phần hóa học của không khí trong nhà, dẫn đến sự hình thành các hạt nano với nồng độ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe", Tiến sĩ Jung cho biết.
Theo nghiên cứu, lượng hạt nano từ các sản phẩm có hương thơm có thể ngang bằng hoặc thậm chí vượt quá lượng hạt sinh ra từ bếp gas và động cơ ôtô. Không chỉ các sản phẩm tạo mùi thơm, mà ngay cả hoạt động nấu ăn bằng bếp gas cũng có thể khiến con người hít phải lượng hạt ô nhiễm cao gấp 100 lần so với khi đứng trên một con phố đông xe cộ.
Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm về tác động của các hoạt động sinh hoạt khác, như chăm sóc tóc, đối với chất lượng không khí trong nhà. Họ hy vọng những phát hiện này sẽ giúp cải thiện cách giám sát, kiểm soát và điều chỉnh chất lượng không khí trong nhà.
"Chất lượng không khí trong nhà thường bị bỏ qua trong thiết kế và quản lý các tòa nhà nơi chúng ta sinh sống và làm việc, dù nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi ngày", Giáo sư kỹ thuật dân dụng Brandon Boor của Đại học Purdue nhận định.
Ông cho rằng dữ liệu từ phòng thí nghiệm mô phỏng ngôi nhà nhỏ của nhóm sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này, biến nghiên cứu cơ bản thành các giải pháp thực tế để cải thiện môi trường sống trong nhà cho tất cả mọi người.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận