Sự tiến hóa đáng ngạc nhiên của những loài động vật kỳ lạ nhất trên Trái Đất

Sự tiến hóa đáng ngạc nhiên của những loài động vật kỳ lạ nhất trên Trái Đất

Chú thích ảnh
Thú mỏ vịt tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát hiện dựa trên phân tích một mẫu hóa thạch xương cánh tay có niên đại hơn 100 triệu năm, được cho là thuộc về loài tổ tiên đã tuyệt chủng mang tên Kryoryctes cadburyi.

Hai loài thú đơn huyệt này - hiện chỉ còn tồn tại tại Australia và New Guinea - nổi bật bởi những đặc điểm sinh học kỳ lạ, như đẻ trứng thay vì sinh con, không có núm vú, không răng và sở hữu cấu trúc cơ thể khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của giới động vật có vú. Thú mỏ vịt có mỏ giống vịt, chân màng như loài lưỡng cư, đuôi giống hải ly và sống chủ yếu dưới nước, trong khi thú lông nhím lại sống hoàn toàn trên cạn, thân phủ đầy gai và đào hang bằng chân sau hướng ngược ra sau.

Mẫu hóa thạch được phát hiện tại khu vực Dinosaur Cove, Đông Nam Australia, vào năm 1993. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng đây là xương của một loài thú sống trên cạn. Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, nhóm cổ sinh vật học do Giáo sư Suzanne Hand thuộc Đại học New South Wales (Australia) dẫn đầu đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để phân tích cấu trúc bên trong mẫu xương. Kết quả cho thấy xương có thành dày, khoang tủy hẹp - những đặc điểm điển hình của động vật bán thủy sinh, giúp giảm lực nổi và hỗ trợ việc lặn trong nước.

Tiến sĩ Laura Wilson, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết đây là bằng chứng đầu tiên ủng hộ giả thuyết rằng tổ tiên chung của thú mỏ vịt và thú lông nhím có thể từng sống bán thủy sinh, trước khi một nhánh - thú lông nhím - chuyển hẳn sang môi trường sống trên cạn trong tiến trình tiến hóa sau này.

Chi tiết này giúp lý giải một số đặc điểm kỳ lạ của thú lông nhím, chẳng hạn như chân sau hướng ngược ra sau - có thể là dấu vết còn sót lại từ tổ tiên từng sống dưới nước, sử dụng chi sau để điều hướng khi bơi.

Giáo sư Guillermo Rougier (Đại học Louisville, Mỹ), chuyên gia về tiến hóa động vật có vú, nhận định: “Thú đơn huyệt là những mẫu vật sống từ thời tiền sử, là cánh cửa giúp ta hiểu được quá trình hình thành các loài có vú, trong đó có cả con người”. Ông cho rằng khám phá này cho thấy các loài thú đơn huyệt có thể đã thích nghi với lối sống bán thủy sinh này từ rất sớm trong lịch sử tiến hóa.

So sánh mặt cắt xương của Kryoryctes với thú mỏ vịt và thú lông nhím cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cấu trúc sinh học, phản ánh sự thích nghi theo môi trường sống. Đây là một trong số ít bằng chứng cho thấy quá trình tiến hóa ngược từ môi trường nước trở lại môi trường cạn - đòi hỏi cơ thể phải trải qua những biến đổi đáng kể về hệ cơ và bộ xương để thích nghi với điều kiện sống hoàn toàn khác biệt.

Những phát hiện mới không chỉ lý giải sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc của thú đơn huyệt, mà còn góp phần hoàn thiện bức tranh tiến hóa phức tạp của động vật có vú trên Trái Đất.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận