Kênh CNN dẫn tuyên bố của nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, ông Andrew Meijers, cho biết tảng băng này đã từng bị mắc kẹt quanh một ngọn núi dưới biển suốt nhiều tháng trước khi bắt đầu di chuyển trở lại.
Mặc dù hiện tại nó không di chuyển thẳng về phía đảo, nhưng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tảng băng này có khả năng sẽ trôi về hướng đó. Ông Meijers nói: “Tảng băng hiện tại đang uốn theo dòng hải lưu, nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ sớm hướng về Nam Georgia”. Còn thuyền trưởng Simon Wallace, người điều hành tàu Pharos tại Nam Georgia, lo ngại: “Tảng băng trôi luôn tiềm ẩn nguy cơ. Tôi sẽ rất vui nếu nó không va vào đảo”.
Tảng băng trôi A23a, với diện tích 3.672 km² (gấp đôi diện tích London), vẫn là tảng băng lớn nhất thế giới. Từ khi tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne vào năm 1986, nó đã được các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ. Sau hơn 30 năm nằm trên đáy biển Weddell, tảng băng đã bị dòng hải lưu cuốn đi và một lần nữa bị mắc kẹt trong một vùng nước xoáy gọi là cột Taylor. Đến tháng 12, tảng băng này đã bắt đầu di chuyển tự do hơn và các nhà khoa học cho rằng nó sẽ tiếp tục di chuyển về phía vùng nước ấm ở Nam Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, tảng băng A23a vẫn chưa vỡ thành những khối nhỏ hơn, như những “siêu tảng băng trôi” mà các nhà khoa học từng dự báo. Tính đến hiện tại, nó vẫn giữ nguyên hình dạng và chưa có dấu hiệu bị phá vỡ.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu tảng băng này sẽ tiếp tục trôi về phía Nam Đại Tây Dương hay sẽ bị mắc kẹt tại thềm lục địa. Nếu tảng băng bị mắc kẹt, nó có thể gây cản trở sự di chuyển của động vật hoang dã, như hải cẩu và chim cánh cụt, vốn sinh sống và kiếm ăn ở đảo Nam Georgia.
“Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bãi kiếm ăn của chúng”, ông Meijers cho biết.
Đối với ngành thủy sản, ông Mark Belchier, giám đốc ngành thủy sản của chính quyền Nam Georgia, cũng đang theo dõi sát sao tình hình. Ông cho biết mặc dù tảng băng trôi thường xuyên xuất hiện ở Nam Georgia, nhưng chúng có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nếu có tác động đến động vật hoang dã, những tác động này sẽ chỉ mang tính chất cục bộ và tạm thời.
Quần đảo Nam Georgia và Nam Sandwich nổi bật với sự đa dạng sinh học phong phú và là nơi có một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học cho rằng tảng băng A23a có thể đã tách ra theo chu kỳ tự nhiên của thềm băng, thay vì do ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, tác động của sự nóng lên toàn cầu đang thúc đẩy những thay đổi đáng lo ngại ở Nam Cực, với nguy cơ làm gia tăng mực nước biển toàn cầu trong tương lai.
Video tảng băng trôi lớn nhất thế giới tách khỏi Nam Cực nhìn từ thiết bị bay không người lái (Nguồn The Guardian):
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận