Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đáp thành công xuống Mặt trăng

Tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đáp thành công xuống Mặt trăng

an-do.jpg
Mô phỏng trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan trong nhiệm vụ Mặt trăng Chandrayaan-3 - Ảnh: ISRO

Trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 đã hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực nam Mặt trăng lúc 19 giờ 34 ngày 23.8 (giờ Việt Nam). Thành công của Chandrayaan-3 đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.

Giám đốc dự án P Veeramuthuvel tuyên bố tàu Chandrayaan-3 đã "hoàn thành tất cả giai đoạn một cách hoàn hảo". Con tàu được phóng vào ngày 14.7 bằng tên lửa Launch Vehicle Mark-III (LVM-3) và mất 41 ngày để đến đích.

Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã kỷ niệm sự kiện lịch sử này bằng một bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) lúc 18 giờ 4 phút chiều 23.8 (giờ địa phương). Trong bài đăng, ISRO chúc mừng người dân cả nước vì sự thành công của sứ mệnh trên.

Theo ISRO, tàu Chandrayaan-3 mang theo 4 bộ thiết bị khoa học, gồm có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt trăng khoảng 10cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt trăng. Sau khi hạ cánh, trạm Vikram dự kiến sẽ hoạt động trên Mặt trăng trong 2 tuần, thực hiện một loạt các thí nghiệm bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của lớp bề mặt.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dù đang ở Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng gửi lời chúc mừng toàn bộ nhóm ISRO. Ông nói: "Khi chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử như vậy, chúng tôi rất tự hào. Đây là buổi bình minh của một Ấn Độ mới. Chưa quốc gia nào từng đến khu vực này. Với nỗ lực của các nhà khoa học, chúng tôi đã đến được đó".

Thủ tướng Modi đang tìm cách thúc đẩy đầu tư vào các vụ phóng vũ trụ tư nhân và các hoạt động kinh doanh liên quan đến vệ tinh. Ấn Độ mong muốn các công ty vũ trụ tư nhân của nước này tăng thị phần trên thị trường phóng quốc tế lên gấp 5 lần trong thập kỷ tới.

Trước khi bắt đầu với Chandrayaan-3, Ấn Độ đã thử sức với chương trình Chandrayaan-1 vào năm 2008, và Chandrayaan-2 vào năm 2019. Cả 2 sứ mệnh nêu trên đều thất bại khi các chuyên gia mất liên lạc với phương tiện. Trong sứ mệnh Chandrayaan-2, trạm đổ bộ và robot thậm chí bị phá hủy khi đâm xuống Mặt trăng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận