
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quảng Nam thực hiện khảo sát và lấy mẫu phân tích ban đầu về địa điểm phát hiện di vật khu vực ven biển phường Cẩm An (gọi tắt là tàu Cẩm An) làm cơ sở để đánh giá đúng giá trị, hiện trạng, đề xuất các phương án, giải pháp cụ thể và phù hợp về tương lai con tàu Cẩm An.
Để đảm bảo công tác lấy các mẫu cho phân tích, việc xác định vị trí con tàu là cần thiết vì thời điểm thực hiện khảo sát lấy mẫu, toàn bộ con tàu đã bị chôn vùi trong lớp cát biển. Do đó, đoàn khảo sát đã tiến hành làm lộ một phần thân tàu làm cơ sở cho việc xác định các vị trí lấy mẫu.
Ở độ sâu 1 - 1,2m, xuất lộ 2 giang của cấu trúc khung xương con tàu ở rãnh thứ nhất và 1 cột gỗ dường như ở giữa lòng thuyền ở rãnh thứ hai. Ở độ sâu 1,5 - 2m, xuất lộ thêm 2 bò chèo liên kết 3 giang liền kề, đồng thời lộ rõ mặt trong ván be thân tàu liên kết chặt với các giang, sa quạ, vách ngang, vách đứng và khoang tàu. Kết cấu cụ thể các bộ phận của tàu như sau:
Giang (còn gọi là cong giang hay cây cong hoặc sườn) là kết cấu gia cường theo chiều ngang cho tàu và góp phần tạo nên khung xương, bao gồm những chi tiết chạy dọc và nằm cách đều nhau phía trong mạn tàu nhưng không kết nối với đà (còn gọi là đà ngang) song lại kết nối chặt với các ván be nằm bên ngoài tạo thành vỏ tàu.
Ván be (còn gọi là be) là ván gỗ bao bọc tạo nên vỏ thuyền và tùy vị trí mà phân loại thành ván mạn hay ván đáy, được đóng đinh vào giang và đà. Ván be có màu nâu chỗ bị vát gần đây khi xuất lộ lần đầu có màu nâu nhạt hoặc xám vàng nhạt, dày 7cm, mặt cắt ngang thân hình chữ nhật.
Sa quạ còn gọi sàn sa quạ hay boong hoặc sàn thuyền hoặc sạp thuyền. Đây là tấm đậy che phủ con thuyền hay các khoang thuyền, được cấu tạo gồm các tấm ván gỗ tựa trên các dầm ngang (còn gọi là vách ngang hoặc vách ngăn) cao ở giữa tâm thuyền rồi thấp dần về 2 bên mạn thuyền tạo thành độ cong ngang của sàn.
Vách ngang (còn gọi là vách ngăn) là chi tiết thẳng đứng trong thân thuyền, làm tăng độ cứng của vỏ thuyền, chia lòng thuyền thành nhiều khoang kín nước, giúp tàu có thể nổi ngay cả khi một số ngăn này bị ngập nước.
Quan sát trực quan bước đầu xác định con tàu cơ bản được làm từ 3 loại gỗ khác nhau. Ba mẫu gỗ gửi Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng phân tích giám định. Kết quả giám định cho thấy con tàu Cẩm An được làm từ các loại gỗ sau: Thanh giang được làm từ gỗ bằng lăng (mà khả năng cao là săng lẻ hay còn được gọi là bằng lăng núi) có tên khoa học là Lagerstroemia sp, ván be được làm từ gỗ kiền kiền có tên khoa học là Hopeasp, sàn sa quạ (boong) và vách ngăn khoang được làm từ gỗ thông có tên khoa học là Pinus sp.
Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An Phạm Phú Ngọc, đến nay, ở vùng biển Đông Nam Á, hơn 20 con tàu đắm được xác định là kiểu tàu truyền thống Biển Đông hay còn gọi là tàu lai có niên đại giữa thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Như vậy, con tàu Cẩm An có lẽ cũng không nằm ngoài khung niên đại này, nhiều khả năng có niên đại giữa thế kỷ XIV-XV đến thế kỷ XVI. Tàu Cẩm An là tàu có thiết kế truyền thống Biển Đông. Đây là kiểu tàu tích hợp kỹ thuật đóng tàu truyền thống Đông Nam Á.
Phát hiện tàu Cẩm An là một phát hiện khảo cổ học quan trọng, mở ra cơ hội để nghiên cứu về lịch sử hàng hải và thương mại của vùng biển Hội An nói riêng và vùng biển Việt Nam nói chung. Đây còn là một di sản văn hóa biển quý giá của Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa tại Hội An - Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: baotintuc.vn
Tham gia bình luận