Trong bài báo khoa học mới đây trên Tạp chí Y sinh (BioScience), nhà nghiên cứu đến từ bang Oregon, Christopher Wolf nói rằng có tới 3 đến 6 tỉ người bị đẩy dần ra khỏi các khu vực có thể sống được trên Trái đất vào cuối thế kỷ này, “có nghĩa là những người đó sẽ phải đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt, nguồn lương thực hạn chế và các thảm họa nhân đạo”.
Cần có cả giải pháp khoa học lẫn chính sách xã hội
Để giảm thiểu những tình huống xấu nhất, giới nghiên cứu tin rằng các chính sách phải giải quyết tình trạng nhu cầu của con người về tài nguyên ngày càng tăng cao. Chính nhu cầu quá mức của con người hiện giờ đã tạo ra khủng hoảng môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một nền kinh tế toàn cầu ưu tiên phúc lợi của con người, đồng thời giảm mức tiêu thụ đang lạm phát, đặc biệt là lượng khí thải quá mức của người giàu. Đây một vấn đề mà năm 2019 đã có thống kê rằng 10% nhân loại ở đỉnh thu nhập đã góp đến 48% lượng khí thải toàn cầu, còn 50% dưới đáy thu nhập chỉ thải 12%.
Giáo sư sinh thái William Ripple (Đại học bang Oregon) giải thích: “Những người giàu có nhất có xu hướng tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn, dẫn đến lượng khí thải cao hơn”, đồng thời cho biết thêm rằng những người giàu có thường sở hữu nhà lớn hơn, sử dụng nhiều carbon, tiêu thụ nhiều thịt và sữa hơn.
“Do vậy, lượng khí thải mà họ tạo ra lớn hơn xuất phát từ nhiều yếu tố liên quan đến thói quen tiêu dùng”, đồng thời lưu ý: “Ngoài ra, giới thương nhân có không ít người đầu tư đáng kể vào hoạt động sản xuất liên quan sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các công việc phát khí thải khác”, ông viết.
Loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, tăng cường bảo vệ rừng, đồng thời thông qua các hiệp ước quốc tế về loại bỏ than đá và không phổ biến nhiên liệu hóa thạch cũng được khuyến nghị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trong bài báo trên Tạp chí Y sinh cũng tin rằng việc chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật - đặc biệt là ở các nước giàu - có thể giải quyết nạn đói kinh niên mà khoảng 735 triệu người đã phải đối mặt vào năm 2022.
Ripple viết: “Từ góc độ chính sách, việc chuyển đổi sang chế độ ăn dựa trên thực vật nhiều hơn có thể thực hiện bằng nhiều hình thức, gồm giảm trợ giá thịt và sữa, tăng cường bữa ăn nhiều rau xanh trong trường học và hỗ trợ nhiều hơn cho việc phát triển các sản phẩm tương tự thịt thân thiện với môi trường”.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự công bằng xã hội phải được đặt lên hàng đầu trong hành động liên quan đến khí hậu, vì thời tiết khắc nghiệt và các tác động khác của biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất đến những nhóm người nghèo nhất, trong khi họ lại ít gây ra biến đổi khí hậu nhất.
Người giàu du lịch, người nghèo chịu hậu quả
Một thói quen của người giàu hiện nay là đi du lịch, đặc biệt là những chuyến du lịch xa bằng máy bay và điều này gây tác động xấu đến môi trường.
Theo một số ước tính, du lịch chiếm khoảng 8% lượng khí thải toàn cầu. Một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương sẽ cần một mẫu rừng để hấp thụ lượng khí thải carbon. Mặc dù ngành hàng không đang chạy đua để giảm lượng khí thải nhưng nó vẫn thua xa các ngành phát thải lớn khác, chẳng hạn như xe chở khách, trong việc tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với hành khách đi máy bay? Hoặc là họ phải bắt đầu giảm số dặm họ bay, hoặc chính phủ có thể bắt đầu áp đặt các hạn chế để giảm lượng khí thải.
Ví dụ, Pháp đã cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn nếu tuyến đó đã được phục vụ bằng đường sắt. Nghĩa là, nếu du khách có thể đến điểm du lịch trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi trên tàu, họ sẽ không thể bay trực tiếp đến đó được nữa. Những lệnh cấm tương tự có thể xuất hiện trên khắp châu Âu khi các nước ngày càng tích cực hơn trong việc chống biến đổi khí hậu.
Một số người ủng hộ thậm chí còn đề xuất áp thuế với người đi máy bay thường xuyên tùy theo số chuyến mà họ thực hiện - một nỗ lực nhằm hạn chế lượng khí thải carbon từ hoạt động hàng không.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: 1thegioi.vn
Tham gia bình luận