Bí quyết chọn thực phẩm Tết: càng trắng sáng càng dễ "ngậm" chất độc hại

Bí quyết chọn thực phẩm Tết: càng trắng sáng càng dễ "ngậm" chất độc hại

Bún tươi, chân gà, ngó sen, củ kiệu có màu sắc trắng tinh bắt mắt nhưng tiềm ẩn khả năng tẩm ướp hóa chất độc hại.

Trước nhu cầu chuẩn bị ẩm thực đón Tết Nguyên đán của người dân tăng cao, các bác sĩ tại TP HCM khuyến cáo các bà nội trợ cần cẩn trọng trước những loại thực phẩm có màu trắng bất thường.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP HCM, người dân thường mang tâm lý "thực phẩm trắng mới sạch", rồi chọn các loại sáng vì cho rằng càng trắng thì tươi, tuy nhiên đây lại là suy nghĩ sai lầm.

Chân gà trắng tinh ẩn chứa khả năng ngậm tẩy trắng bởi đây không phải là màu trắng của chân gà.
Chân gà trắng tinh ẩn chứa khả năng ngậm tẩy trắng bởi đây không phải là màu trắng của chân gà. (Ảnh: Thiên Chương).

"Trên thực tế nhiều loại thực phẩm vốn có màu trắng ngà như bún, chân gà, bắp chuối bào, ngó sen chúng không thể trắng tinh, nhưng khi xuất hiện trên quầy bán lại trắng đến bất thường và màu trắng này tươi nguyên dù bày bán cả ngày. Điều này cho thấy chắc chắn chúng phải được xử lý hóa chất", bà Lan cho biết.

Tại TP HCM trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện tình trạng thực phẩm ngậm hóa chất để có màu tươi tắn. Những loại thực phẩm trong nhóm trắng sáng có thể được mông má bằng hóa chất bao gồm bún tươi, bắp chuối bào (hoa chuối), củ kiệu, ngó sen, lá sách bò, lòng heo, tai heo, nấm tuyết chân gà rút xương, da heo, măng ngâm chua…

Ban An toàn thực phẩm TP HCM cũng mới phát hiện 2 tấn lòng lợn không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối ngâm trong các bồn chứa chất tẩy trắng cũng tại một cơ sở ở quận 12. Ông chủ cơ sở thừa nhận dùng các chất tẩy trắng để tẩy rửa sản phẩm bẩn và đen, sau đó bán làm thực phẩm.

Trước đó cũng tại TP HCM, một đợt khảo sát từng ghi nhận có đến 80% các mẫu ngó sen, rau muống, chân gà, nấm tuyết ở các chợ, quán ăn ngậm chất tẩy trắng là ôxy già hóa chất công nghiệp trước khi chế biến thành phẩm. Cơ quan chức năng cũng xác định hai trong số các chất bột trắng mà một số nơi ngâm thực phẩm là sodium sulphite (Na2SO3) và sodium hyposulfite (Na2S2O3) vốn có hại cho sức khỏe.

Cũng tại TP HCM, nhiều mẫu bún, bánh canh, bánh hỏi, sau khi xét nghiệm cũng phát hiện có sự hiện diện của chất làm trắng quang học. Trong đó 5 trong 9 mẫu bún, 100% mẫu bánh hỏi, bánh ướt và bánh canh, 3 trên 4 mẫu bánh phở, có chứa chất làm trắng huỳnh quang.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận