Chưa dẹp yên Covid-19, quốc gia Đông Nam Á phải “đau đầu“ vì dịch bệnh khác

Chưa dẹp yên Covid-19, quốc gia Đông Nam Á phải “đau đầu“ vì dịch bệnh khác

Ngoài virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, Thái Lan còn có một loại virus khác đang lây lan nhanh chóng ở động vật, tấn công vào phổi của vật chủ, gây sốt và dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ.

Theo Thời báo châu Á, lực lượng an ninh Thái Lan hôm 10/4 đã lập các chốt kiểm soát trên đường cao tốc để ngăn việc vận chuyển ngựa trên khắp đất nước, và kiểm soát số ngựa bị nhiễm virus gây bệnh ngựa châu Phi .

Dịch AHS xuất hiện trong bối cảnh Thái Lan đang phải "căng mình" đối phó với dịch Covid-19 và áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như phong tỏa hay lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, 2 loại virus này không liên quan tới nhau. Hiện tại, thế giới chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus gây bệnh AHS liên quan tới con người.

Tuy nhiên, giới chức Thái Lan sẽ phải đau đầu đối phó với những khó khăn mới do bệnh AHS gây ra, một trong số đó liên quan tới xuất khẩu ngựa sang Liên minh châu Âu, Mỹ và một số nước khác trên thế giới.

"Cơ quan thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đang hạn chế nhập khẩu ngựa từ Thái Lan, căn cứ vào tình trạng có nhiều giống ngựa nhiễm virus gây bệnh AHS tại quốc gia Đông Nam Á này. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức và sẽ thay đổi khi có thông báo mới", Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo hôm 31/3.

Dịch bệnh mới nhắm vào ngựa khiến giới chức Thái Lan đau đầu.
Dịch bệnh mới nhắm vào ngựa khiến giới chức Thái Lan đau đầu. (Ảnh minh họa: Thời báo châu Á)

Giới chức y tế Thái Lan đã thành lập một trung tâm kiểm soát dịch bệnh và triển khai các nhóm tới kiểm tra số ngựa nhiễm bệnh, đồng thời phun thuốc khử trùng trong các chuồng ngựa.

Một đường dây nóng cũng được lập ra để người dân có thể thông báo cho giới chức về bất cứ hoạt động vận chuyển ngựa bất hợp pháp nào.

Theo Thời báo châu Á, Thái Lan hiện có ít nhất 186 con ngựa chết vì dịch bệnh AHS, trong đó, 162 con là ở tỉnh Nakhon Ratchasima ( hay còn gọi là Korat), đông bắc Thái Lan - nơi được mệnh danh là "khu vực cao bồi". Các bác sĩ thú y quốc tế thường lấy một mẫu máu từ ngựa còn sống hoặc tách một mẩu lá lách từ con ngựa đã chết để xác định xem còn vật có nhiễm virus gây bệnh AHS hay không.

Tờ Bangkok Post đưa tin, Uthen Chatphinyo, chủ một trang trại ngựa đua trong tỉnh Korat đã mất 21 trong tổng số 160 con ngựa vì dịch AHS. Trong khi đó, Nopphadon Sarobon, chủ một trang trại ngựa khác, cho biết ông cũng mất 20 con ngựa được nhân giống để bán. Mỗi con có giá từ 400.000 tới 800.000 baht (300-600 triệu đồng)

Con ngựa đầu tiên chết vì AHS được ghi nhận hồi tháng 3 tại huyện Pak Chong, tỉnh Korat, Sorawit Thanito, người đứng đầu Cục phát triển chăn nuôi Thái Lan, cho biết.

Sau đó, số ngựa chết nhiều hơn và lan ra các tỉnh Prachuap Khirikhan (13 ca), Chonburi (5 ca), Ratchaburi (3 ca), Phetchaburi (2 ca), Chaiyaphum (1 ca), hãng thông tấn Thai News đưa tin hôm 6/4.

"Dịch bệnh này vừa mới xuất hiện ở Thái Lan. Chúng tôi chưa từng gặp nó trong quá khứ. Hiện tại, chúng tôi đang điều tra về cách virus xâm nhập vào Thái Lan", Reuters dẫn lời ông Sorawit.

Thái Lan bị gạch tên khỏi danh sách các nước "không có dịch AHS" bởi Tổ chức động vật thế giới vào ngày 27/3 sau khi ông Sorawit thông báo về 42 con ngựa chết vì dịch bệnh AHS.

Dịch bệnh AHS có thể tấn công ngựa, lừa, la, ngựa vằn, lạc đà hoặc chó, theo Viện Pirbright - có trụ sở tại Anh. Hiện chưa có thuốc chữa hoặc vaccine phòng bệnh. Các loại thuốc chống viêm chỉ có thể giúp giảm đau hoặc hạ sốt.

"Bệnh AHS có thể lây qua máu, tác động đến phổi, lá lách và các mô bạch huyết khác", các nhà nghiên cứu của Viện Pirbright cho hay.

Các triệu chứng bệnh AHS ở động vật bao gồm sốt, sưng quanh mắt, môi, má, lưỡi và cổ.
Các triệu chứng bệnh AHS ở động vật bao gồm sốt, sưng quanh mắt, môi, má, lưỡi và cổ. (Ảnh minh họa: Thời báo châu Á)

Virus gây bệnh AHS có khả năng lây nhiễm nhưng không trực tiếp qua tiếp xúc giữa ngựa với ngựa, mà do loại ruồi chuyên hút máu ngựa là trung gian truyền bệnh.

Theo các nhà khoa học ở Viện Pirbright, chó cũng có thể bị lây nhiễm nếu ăn phải thịt ngựa nhiễm bệnh.

Hầu hết động vật nhiễm AHS xuất hiện ở châu Phi nhưng dịch bệnh cũng được ghi nhận ở khu vực Trung Đông, Pakistan, Ấn Độ, Ma rốc, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

"Trong nhiều thế kỷ, AHS là một tai họa tàn khốc với người nuôi ngựa. Nó có tỷ lệ tử vong là 70%", Viện y tế quốc gia (NIH), trụ sở tại bang Maryland, Mỹ, cho biết.

Vào những năm 1800, virus gây bệnh AHS đã giết gần 70.000 con ngựa trong 10 năm ở Nam Phi. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Chỉ trong 4 năm (1959-1963), AHS đã giết hơn 300.000 con ngựa ở khu vực Trung Đông và tây nam Á, theo NIH. Dịch chỉ bị hạn chế nhờ một số vaccine thử nghiệm và số ngựa chết đã quá lớn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận