Ngày nay, có rất nhiều tính toán khoa học chỉ ra chính xác chỗ đặt loa tốt nhất trong phòng dựa trên cả về nguyên tắc lẫn tính toán theo không gian ba chiều, song đó là trong điều kiện chuyên nghiệp, còn đối với những người chơi nghiệp dư, những người nghe bình thường, việc sắp xếp chỗ để loa một cách hợp lý nhất ngay trong lần đầu tiên là điều khó thực hiện.
Trên thực tế, thiết kế của các loa và phòng nghe luôn khác nhau, nên các giải pháp đưa ra cũng khác nhau. Tuy nhiên, những bối rối đó sẽ được giải quyết bởi đã có một số chỉ dẫn khá rõ ràng giúp bạn trong công việc này.
Những nguyên lý điều chỉnh căn bản
Trước tiên, hãy tìm hiểu để nắm rõ vài vấn đề cơ bản về cách truyền âm thanh khi chúng phát ra khỏi loa. Mọi bề mặt của căn phòng và đồ vật trong phòng đều là những vật phản xạ âm thanh. Con đường âm thanh được truyền dẫn trực tiếp từ loa đến tai người, tuy nhiên trong quá trình đó còn có vô số sóng âm được truyền dẫn đến tai người qua các phản xạ với các đồ vật, tường hoặc sàn của phòng nghe…
Những yếu tố khác như âm sắc hay “màu sắc” của âm thanh, tính chất của nhạc cụ, độ trong của giọng ca cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi sự kết hợp giữa âm thanh thẳng và âm thanh phản hồi. Để tránh các âm thanh phản hồi, nhiều chuyên gia chủ trương đặt các loa vào một vùng “chết” của phòng nghe, nơi mà các phản xạ âm thanh sẽ ở mức nhỏ nhất, chẳng hạn như đặt loa ở gần những bức tường có treo rèm dày. Việc xử lý âm học phòng nghe cũng nhằm mục tiêu triệt phần nào các âm thanh phản xạ này.
Một số đồ vật hấp thu âm thanh như rèm, thảm sẽ hạn chế rất tốt phản xạ âm thanh trung và cao (từ 500-20.000Hz) nhưng khi gặp tần số thấp (dưới 200Hz) thì gần như nó không tác dụng, đã vậy các tần số thấp lại luôn được căn phòng khuếch đại nhiều nhất, trong nhiều trường hợp, lên tới 12dB ở dưới 100Hz. Đặt các loa tại vùng “chết” chỉ đạt được hiệu quả đối với dải trung và cao, còn lại sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề tần số thấp.
Khi muốn nghe loa phát ra âm thanh chính xác theo phân tích kỹ thuật về đáp tuyến tần số của chúng, hãy đặt loa vào vùng không chịu phản xạ âm thanh, hay vùng “chết” của phòng nghe. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta phải sử dụng ampli có công suất lớn hơn so với khi không có tiêu âm. Vậy một căn phòng thông thường không có tiêu âm thì âm thanh sẽ như thế nào? Nhờ sự phản xạ âm từ những bức tường hậu và tường bên, âm thanh sẽ được “nhân công suất” và bạn nghe thấy to hơn hẳn khi có tiêu âm, và chỉ cần to hơn chút nữa, là sẽ có cảm giác âm thanh bị “rối”, bị dội tiếng bass…
Để khắc phục loa thiếu bass, cách dễ nhất là sử dụng các nhân tố khuếch đại tần số thấp bằng việc đặt loa gần vào tường sau, (loa bookshelf vẫn phải có chân loa). Kết quả nếu di chuyển loa gần tới bức tường phía sau sẽ làm tăng tín hiệu bass đầu ra và đồng thời cũng có thể kết hợp rất tốt với phòng nghe dựa trên kích thước của phòng đặt loa. Ngược lại, nếu bạn di chuyển loa ra xa bức tường thì tín hiệu bass đầu ra sẽ giảm và việc kết hợp với phòng nghe sẽ kém hơn. Đây chính là phương pháp đầu tiên để bạn có thể điều chỉnh chế độ bass cho loa.
Cũng có thể tránh khỏi chế độ phòng nghe không ưng ý bằng việc điều chỉnh vị trí ngồi. Theo các tính toán và thử nghiệm thực tế, với các tần số thấp khoảng dưới 50Hz, cường độ có hơi tăng cao nhưng với phần lớn người nghe vẫn không bị ảnh hưởng và trên thực tế thì những người say mê các âm trầm dịu êm sẽ vẫn cảm thấy dễ chịu. Với những mức tần số khác khoảng từ 70Hz đến 120Hz chắc chắn người nghe sẽ rất dễ “mệt”. Nếu điều đó xảy ra hãy dịch chuyển vị trí ngồi trong phòng về phía đặt loa, nơi mà bạn thấy tiếng trầm dễ chịu nhất.
Kiểu loa sử dụng
Trong nhiều trường hợp, cấu tạo loa tương tác với phòng nghe và sẽ tạo ra những hiệu ứng rất khác nhau khi nghe nhạc. Thủ phạm chính thuộc về tín hiệu trầm, tuy nhiên chúng ta không thể loại bỏ chúng ra khỏi thùng loa. Bởi nhà thiết kế đã lựa chọn để cung cấp một kiểu thùng loa trình diễn trầm “gây ấn tượng” thì rất có thể bạn sẽ gặp phải rắc rối về phần bass cho phòng nghe.
Hãy cùng xem kiểu loa phản xạ tiếng trầm (reflex). Ở đây, khi vận hành, loa bass kích thích cộng hưởng trong thùng loa do sự đàn hồi của thể tích khí và khối khí chuyển động ra ở cổng thoát khí. Kết hợp với cộng hưởng trong phòng, tín hiệu bass gây ấn tượng nhưng sau đó nhanh chóng tràn ngập cả tín hiệu trung tần của loa và đôi khi trở nên khó chịu đối với người nghe trong phòng không có thiết bị triệt tiêu tiếng bass. Kiểu tiếng bass như vậy cho thấy việc nhấn mạnh quá mức các khí cụ bass và thiếu độ rõ tách bạch trong vùng âm này.
Các loa Transmission Line là một kiểu đặc biệt của thiết kế một phần tư bước sóng, với cột loa được kéo dài. Với một đường truyền phát dài của tiếng trầm, chế độ phát âm mạnh nhất thường ở một tần số khá thấp làm cho người nghe không cảm thấy dễ chịu và luôn bị ấn tượng cường độ tại các tần số đó. Loa Transmission Line nhỏ hơn thường sẽ nghẹt trầm trọng khi có các vấn đề dội âm. Tuy nhiên, có một dòng loa khác khắc phục được đa phần phiền toái này và có khả năng hòa nhập với phòng nghe theo cách tốt hơn.
Đó là những loa panel kiểu tĩnh điện. Điển hình là loa mành lưỡng cực của Quad, MartinLogan… song thực tế, bất cứ loa lưỡng cực nào cũng có những nhược điểm khác của nó, chẳng hạn tiếng trầm không sâu bằng loa thùng. Với các loại loa mành lưỡng cực nói trên, bạn có thể thu được những kết quả tốt nhất bằng việc đặt nó ở khoảng một phần ba căn phòng kể từ tường hậu. Cách sắp xếp này đưa lại cho các loa panel tiếng bass sáng sủa và chế độ nghe tạm chính xác trong phòng nghe.
Theo Tạp chí Điện tử
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận