Sáng nay (25-4), Hội thảo Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP.HCM đã chính thức diễn ra tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, thu hút hơn 200 chuyên gia và các doanh nghiệp tham dự. Sự kiện nhằm mục đích giới thiệu, định hướng lĩnh vực ưu tiên và lộ trình ra mắt C4IR TP.HCM (dự kiến vào tháng 9-2024).
Đây sẽ là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia (2023) và trở thành trung tâm C4IR thứ 19 trên toàn thế giới.
Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, TP đang tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và từng bước chuyển đổi nền kinh tế theo hướng “số” và “xanh”.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng mới... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội.
Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác các cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang lại”.
Ông Jeremy Jurgens, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất, định hình quỹ đạo của công nghệ cả trong khu vực và toàn cầu. Trong đó, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ đóng vai trò là ngọn hải đăng, là chất xúc tác cho sự phát triển tăng trưởng xanh của TP.HCM.
Dự kiến Trung tâm C4IR TP.HCM sẽ đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo (AI), IOT...
Bên cạnh đó, đây còn là nơi tập trung hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực cho các lĩnh vực mà TP.HCM và Việt Nam đang quan tâm như tăng trưởng xanh hay đô thị thông minh.
“Định hình, thí điểm chính sách là vai trò chính của C4IR TP.HCM, để khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Bên cạnh đó, C4IR TP.HCM sẽ khai thác nguồn lực hiện có trong Khu Công nghệ cao để tham vấn chính sách cũng như thúc đẩy kết nối các bên liên quan với nhau”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM chia sẻ.
TP có 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ và đang đứng trước nhiều cơ hội mới. Lãnh đạo TP tin tưởng sẽ nhận được nhiều ý kiến, nhằm xác định mục tiêu chiến lược, kế hoạch hoạt động của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 TP.HCM trong thời gian tới, ông Hoan nhấn mạnh.
C4IR TP.HCM là trung tâm thứ hai được thành lập ở Đông Nam Á, sau C4IR Malaysia (2023) và đặt mục tiêu trở thành trung tâm chuyên môn về đồng xây dựng chính sách và thí điểm các khuôn khổ chính sách có tính chất kiến thiết tương lai, tạo điều kiện cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong khu vực và trên toàn cầu.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 theo Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, góp phần mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, tranh thủ nguồn ngoại lực dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bàn chuyện đào tạo cũng cần tính tới đầu ra cho nhân lực ngành bán dẫn
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: plo.vn
Tham gia bình luận