Tranh kiếng: Hồn xưa giữa lòng đô thị Sài Gòn

Tranh kiếng: Hồn xưa giữa lòng đô thị Sài Gòn

Tranh kiếng từ lâu đã trở thành nét đẹp mang sắc màu tín ngưỡng hoặc đơn thuần là trang trí, tăng vẻ đẹp mỹ thuật cho nhà cửa, đình chùa, miếu mạo… Hiện nay, dòng tranh này đã không còn phổ biến trong đời sống văn hóa tại Sài Gòn nhưng đâu đó vẫn còn nơi treo tranh kiếng như một tập tục truyền thống hoặc sưu tầm.

“Của gia bảo” không bao giờ bán

Gia đình bà Huỳnh Thị Đạt (xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) là một trong những hộ hiếm hoi tại TP.HCM còn giữ truyền thống thờ tranh kiếng trong nhà từ xưa đến nay.

Một bộ tranh kiếng khổ lớn, dùng để bày trên bàn thờ bình thường nếu vẽ tay thì sẽ tốn hơn 10 triệu đồng. Trong khi đó, vẽ bằng máy thì chỉ hơn 2 triệu đồng nên người ta chuộng cái nào rẻ tiền mà dùng.

ông Tạ Cẩm Thành, ngụ phường 12, quận 5, TP.HCM

Bà cho biết bộ tranh kiếng thờ tại nhà mua từ một người lái buôn chở bằng ghe lên Sài Gòn năm 1990. Trước bộ tranh kiếng hiện tại, nhà bà đã từng có nhiều bộ khác, mỗi lần hư hỏng bộ này thì bà đều mua bộ mới thay vào chứ không từ bỏ việc treo tranh kiếng.

“Nhà tui treo tranh kiếng từ thời còn cất nhà lá, tới nay xây lên nhà tường mấy lần rồi nhưng cũng không thể bỏ được bộ tranh kiếng” - bà Đạt nói.

Bà Đạt tâm sự khi bà nhìn bộ tranh kiếng có cảm giác như nhìn thấy ông bà mình. Mỗi dịp trong nhà có đám tiệc, bộ tranh kiếng là biểu tượng chứng kiến tất cả. Bà còn nói: “Bảy đứa con của tui làm đám cưới tại nhà này đều phải đứng trước bàn thờ tranh kiếng để xá lạy”.

Tranh kiếng: Hồn xưa giữa lòng đô thị Sài Gòn ảnh 1
Anh Nguyễn Đức Huy sưu tầm tranh kiếng nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Hiện nay, nhà bà Đạt là một trong những hộ ít ỏi còn lại giữ việc thờ tranh kiếng trong nhà. Bà cho biết sở dĩ người dân đã ít mua tranh kiếng về treo là vì nhà cửa hiện nay xây cất chật hẹp hơn ngày trước, một bộ tranh kiếng rất to không thể nào bố trí được nếu nhà quá nhỏ. Bà nói thêm mua tranh kiếng rồi còn phải mua tủ thờ, bộ lư hương, chân đèn… như thế phức tạp quá nên người ta ngán.

Treo bộ tranh kiếng trong nhà, bà cho biết có người còn đến gạ hỏi mua bức tranh vì thấy đẹp quá, vả lại bức tranh này được sản xuất từ lâu đời nên giá trị cao. Tuy nhiên, trước những lời đề nghị như vậy, bà xua tay không bán với lý do bộ tranh đã gắn liền với gia đình mấy mươi năm. Bộ tranh kiếng đã theo gia đình bà từ hồi còn khổ cực. Có thể nói bộ tranh như món đồ gia bảo của gia đình bà, chỉ để lại cho con cháu mai sau, tuyệt nhiên không bán.

Hoàng hôn của dòng tranh kiếng Chợ Lớn

Dọc con đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn gần giao với đường Phó Cơ Điều, quận 5), có thể bắt gặp nhiều cửa hàng bán khí cụ, đồ thờ cúng với đa dạng mẫu mã.

Chừng chục năm trước, nơi đây nhộn nhịp với những cửa hiệu bày bán tranh kiếng, mang danh dòng tranh Chợ Lớn được vẽ thủ công bằng tay. Nhưng thời đó đã qua, thay vào đó chỉ còn vài hộ dân giữ nghề vẽ tranh kiếng. Ông Tạ Cẩm Thành (66 tuổi, ngụ phường 12, quận 5) cho biết: “Lúc trước tranh kiếng bán đắt lắm, tiệm của tôi từng có hai thợ phụ, vẽ ngày, vẽ đêm nhưng vẫn không kịp giao cho khách”.

Theo ông Thành, sở dĩ dòng tranh kiếng Chợ Lớn được khách thập phương ưa chuộng bởi kỹ thuật tráng thủy tranh kiếng nơi đây hết sức độc đáo. Để tạo ra một bức tranh kiếng, đầu tiên người thợ sẽ khắc họa tiết lên tấm kiếng. Sau đó sẽ bôi một lớp sáp lỏng lên mặt đã khắc của tấm kiếng, chờ sáp khô rồi đem đi tráng thủy lên.

Theo nghề từ năm 16 tuổi đến 29 tuổi, ông đã ra tiệm riêng. Ai ai ở khu vực quận 5 đều biết đến cửa hàng tranh kiếng của ông. Tuy nhiên, sau 39 năm miệt mài theo nghề, ông đã nghỉ hẳn vì lớn tuổi. Hiện ông nhập những dòng tranh kiếng có sẵn về bán, ai có đặt thì ông mới làm. Vì dòng tranh vẽ tay đã không còn được người dân ưa chuộng, vả lại giá thành một bộ tranh quá đắt đỏ nên ít ai chịu bỏ tiền mua.

Ông Thành cho biết các con ông không ai theo nghề vì công việc này cực quá, đòi hỏi nhiều thời gian làm việc. Vì làm nghề này phải có đam mê, phải có sở thích thì mới làm được. Hai người thợ của ông cũng nghỉ hết vì không ai theo nghề được.

Lưu giữ tranh kiếng như một món quà cho thế hệ mai sau

Anh Nguyễn Đức Huy (25 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) có sở thích sưu tầm những món đồ xưa, đồ cũ. Một dịp tình cờ, anh gặp người dân đem bỏ những tấm tranh kiếng trong lúc dọn nhà. Tò mò, anh nhặt về rửa và nghiên cứu những hình thù, họa tiết trên tấm tranh kiếng, dần dà anh thích thú với thể loại tranh này và sưu tầm từ đó đến nay.

Anh cho biết gần 10 năm sưu tầm, lúc cao điểm anh sở hữu hơn 200 tấm tranh kiếng với đủ màu sắc, họa tiết, thể loại. Bên cạnh đó, anh Huy còn học hỏi kỹ thuật làm tranh từ nghệ nhân đi trước để có thể tự phục chế những tấm tranh đã hỏng và vẽ thêm những bức tranh mới.

“Tôi sưu tầm tranh kiếng cốt yếu để lưu giữ lại một nét văn hóa cho thế hệ mai sau. Mình phải tranh thủ sưu tầm và học hỏi thêm kinh nghiệm vì những người nghệ nhân hiện tại đã cao tuổi, nếu họ mất đi thì kể như dòng tranh này cũng thất truyền. Bây giờ người trẻ chưa nhìn nhận dòng tranh này, tuy nhiên ai biết được trong năm năm, 10 năm nữa người ta sẽ chú ý đến” - anh Huy cho biết.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận