Trung Quốc cho ra đời loài lai lợn - khỉ

Trung Quốc cho ra đời loài lai lợn - khỉ

Các nhà khoa học lần đầu tiên tạo thành công những con lợn cấy tế bào gốc khỉ, tiến gần đến mục tiêu nuôi nội tạng người trong cơ thể động vật.

Tế bào gốc khỉ được biến đổi để phát quang giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng theo dõi vị trí.
Tế bào gốc khỉ được biến đổi để phát quang giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng theo dõi vị trí. (Ảnh: IFL Science).

Loài lai lợn - khỉ được tạo ra từ ít nhất hai hợp tử hay tế bào sinh vật nhân chuẩn (eukaryote) hình thành trong quá trình thụ tinh, chứa ADN cơ bản. Đàn lợn chào đời ở Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh học sinh sản, có hình dáng bình thường.

Nhóm nghiên cứu lấy tế bào gốc phôi từ khỉ ăn cua hay còn gọi là khỉ đuôi dài, một loài thường được sử dụng và nhân giống cho nghiên cứu y sinh. Những tế bào này được biến đổi gene để tạo ra protein huỳnh quang gọi là GFP để các nhà nghiên cứu có thể theo dõi sau khi cấy vào phôi thai lợn.

Chỉ 2 trong số 10 con lợn chào đời là loài lai dù nhóm nghiên cứu cấy hơn 4.000 phôi thai. Tế bào khỉ lan khắp các mô ở cơ quan nội tạng quan trọng như tim, gan, lá lách, phổi và da, nhưng chỉ chiếm lượng nhỏ (khoảng 0,1 - 0,01%) trong tổng số tế bào.

Cả 10 con lợn non chết trong vòng một tuần sau sinh, nguyên nhân chưa rõ. Nhóm nghiên cứu cho rằng cái chết của chúng có thể do vấn đề ở bước thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bởi cả cá thể lai và không lai đều không thể sống sót. Họ đang hướng đến tạo ra những con lợn khỏe mạnh với tỷ lệ tế bào khỉ cao hơn. Nếu thành công, các nhà nghiên cứu dự kiến tạo ra lợn với cơ quan nội tạng chỉ gồm tế bào linh trưởng.

Tế bào gốc người có thể tự tái sinh, mở ra triển vọng nuôi cơ quan nội tạng người ở động vật có vú phục vụ cấy ghép. Các thử nghiệm ở chuột tương đối thành công trong việc sản sinh nội tạng loài lai, nhưng phương pháp này phức tạp hơn nhiều khi áp dụng ở người vì lý do sinh học và đạo đức.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận