13 tỷ USD - Con số mà thị trường thương mại điện tử Việt Nam hướng tới trong năm 2020

13 tỷ USD - Con số mà thị trường thương mại điện tử Việt Nam hướng tới trong năm 2020

Tốc độ tăng trưởng lên đến 81%

Năm 2019, thị trường thương mại điện tử Việt Nam liên tục chứng kiến sự ra đi của những tên tuổi như: Adayroi, hay Lotte.vn nhưng không vì thế, sức hút ở lĩnh vực này kém đi. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.

Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể lên tới 13 tỷ USD.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Trong khi đó, Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành đã chỉ ra rằng, mức tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Đặc biệt, vai trò của thương mại điện tử cũng dần trở nên quan trọng hơn khi tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018.

Ngoài ra, hàng loạt các trang thương mại điện tử Việt Nam như Sendo, Tiki vừa qua cũng liên tục gọi vốn lớn và thị trường cũng ghi nhận thành tích về những chỉ số ấn tượng của các trang thương mại điện tử này.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ứng dụng internet và công nghệ có mức tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với doanh nghiệp chi dưới 10%.

Tăng trưởng "nóng" đi kèm với bảo vệ quyền lợi người dùng

Lý giải về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng, với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet như hiện nay, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ. Ngoài ra, do loại hình kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng nở rộ và được người tiêu dùng hưởng ứng cũng gây khó khăn cho các nhà quản lý.

Tăng trưởng "nóng" nhưng quyền lợi người dùng mới là trọng tâm.

Bởi, các đối tượng bán hàng chỉ thiết lập các gian trên mạng Facebook mà hoàn toàn không cần cửa hàng hay kho chứa nên khi hàng hoá không đảm bảo chất lượng hay gặp sự cố thì rất khó xác định đối tượng để xử phạt.

Không những thế, năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý còn yếu, chưa theo kịp với tốc độ và thủ đoạn của đối tượng kinh doanh online cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất cập hiện nay.

Nhằm gia tăng xúc tiến thương mại và xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tìm hiểu và kết nối với Amazon Global Selling bằng chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon.

Việc tiếp cận được 300 triệu khách hàng trên Amazon là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, tạo ra bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp Việt tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trên toàn thế giới.

Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện thể chế và triển khai các giải pháp toàn diện nhằm xây dựng hệ sinh thái cho thương mại điện tử và kinh tế số cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế tạo điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các nhóm mặt hàng nhạy cảm với sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển thương mại điện tử theo chiều sâu.

Khai thác hết tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam cần một chiến lược dài hơi.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong phát triển ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ đa dạng hóa việc tiếp nhận phản ánh, tố cáo về hàng giả, hàng nhái, nhất là phản ánh trực tuyến thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn); triển khai giải pháp tổng thể thí điểm quốc gia về quản lý, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Đặc biệt, Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và website, hỗ trợ cho các lực lượng quản lý thị trường có công cụ tra cứu và xử lý tranh chấp, phản ánh các vi phạm về hàng giả; kiểm soát được dòng lưu chuyển của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập lậu theo đường tiểu ngạch…

Theo Tạp chí Điện tử

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận