Những tựa sách do AI viết. Ảnh chụp màn hình trước khi sách bị Amazon gỡ.
Cuối tháng 6 vừa qua, trong danh sách sách bán chạy nhất Kindle Unlimited của Amazon xuất hiện hàng loạt những cuốn sách có tựa như "Kiến trúc mã vạch quả mơ", hay "Wait you love me". Tựa đề nghe qua có vẻ không có gì bất thường tuy nhiên khi đọc kỹ nội dung, thì người dùng báo cáo kết cấu sách rất bất thường, được ghép bởi các đoạn văn lủng củng và xếp cạnh nhau thì hoàn toàn vô nghĩa.
Cuốn "Wait you love me" có bìa là ảnh đen trắng của một chú chim hải âu, với phần tựa đề được căn lề trong một ô chữ nhật màu vàng. Trên Amazon, sách nhận được 3 đánh giá, trong đó có 2 đánh giá chấm một sao (mức rất tệ) và gọi tác phẩm là "sách giả viết bởi AI". Vice news cho biết sách đã được gỡ khỏi trang trực tuyến của Kindle Unlimited.
Vice cũng trích bình luận của nhà văn Caitlyn Lynch chia sẻ trên Twitter hôm 26/6: "Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xâm chiếm Amazon. Hãy nhìn vào bảng xếp hạng top 100 sách bán chạy trong mảng Sách truyện tình cảm tuổi teen đương đại mà xem. Tôi chỉ thấy được 19 cuốn sách là thật, số còn lại rõ ràng là hổ lốn do AI viết ra." Đi kèm bài viết của Lynch là ảnh chụp màn hình của cuốn Wait you love me, nằm trong top 100 sách bán chạy tại thời điểm cô đăng bài.
Dưới bài đăng của Lynch là những bình luận thắc mắc về nguồn gốc của các "tác phẩm" AI này. "Chắc chúng được viết bằng AI tiếng Trung, rồi mới được dịch sang tiếng Anh?", một người dùng hỏi. "Những dòng văn có thể được tạo bởi AI. Thật khó để xác định, nhưng cũng rất có thể sách được viết bằng chương trình dịch tự động. Dù là gì thì chất lượng chúng thật tệ."
Dù chưa rõ nguyên nhân tại sao sách AI lại đang áp đảo trên bảng xếp hạng Kindle Unlimited, nhiều người, trong đó có Caitlyn Lynch, cho rằng đây là sản phẩm của các trại cày view ảo tại châu Á, nơi các đầu ebook kém chất lượng được tạo và xuất bản hàng loạt để trục lợi thông qua KENP. Vì quỹ trả KENP thay đổi theo từng tháng tùy số thuê bao tổng cộng, nên khi một quyển sách AI được chia phần nhiều hơn, các tác giả chân chính sẽ mất phần vì "miếng bánh" chỉ có thế.
Sau khi truyền thông chú ý đến hiện tượng sách chất lượng thấp được AI tạo ra lại chiếm vị trí trong danh sách bán chạy của Amazon, phía Amazon đã có thông tin phản hồi chính thức. "Chúng tôi có các nguyên tắc nội dung rõ ràng quản lý những cuốn sách nào có thể được niêm yết và nhanh chóng điều tra bất kỳ cuốn sách nào khi có nghi ngờ. Chúng tôi đầu tư thời gian và nguồn lực của công ty để mang đến trải nghiệm mua sắm đáng tin cậy và cho khách hàng.", trích thông báo bằng email của Amazon gửi đến chuyên trang công nghệ Motherboard. Amazon cũng cho biết đã vào cuộc và những đầu sách bị nghi ngờ đã đồng loạt biến mất khỏi top 100 của Amazon.
Business Insider cho biết trong cuộc thi Nhiếp ảnh Thế giới Sony 2023 (SWPA 2023) vừa tổ chức hồi tháng 3, tác giả Boris Eldagsen đã mang tới tác phẩm có tên "The Electrician". Trong ảnh là hai người phụ nữ với ánh mắt nhìn về hai hướng khác nhau và có tông màu đen trắng theo phong cách những năm 1940.
Đây là tác phẩm được tạo ra hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng được Ban giám khảo trao giải nhất hạng mục Sáng tạo trong cuộc thi SWPA 2023.
Tác phẩm được xướng tên khiến tác giả Boris Eldagsen - người có 30 năm kinh nghiệm, cảm thấy ngạc nhiên. Ông còn thừa nhận: tác phẩm ‘The Electrician’ có tất cả các lỗi đặc trưng của AI. Theo Business Insider, tác phẩm trông khá chân thực nếu mới nhìn. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy nó được tạo bằng AI, như bàn tay không tự nhiên, ngón tay không có móng tay hay chiếc váy bị lẫn vào cánh tay trái của người đứng trước.
Ông Eldagsen cho biết ảnh được tạo bởi công cụ Dall-E 2 của OpenAI vào tháng 9/2022. Ngay khi nhận tin đoạt giải, ông cũng đã thông báo với ban tổ chức rằng ảnh là do AI tạo ra. Ông đăng ký tham gia cuộc thi vì SWPA cho phép sử dụng "bất kỳ thiết bị nào", nhưng sau khi giải công bố, nhiều tờ báo đã liên hệ đặt câu hỏi liệu đây có phải ảnh AI.
Theo Eldagsen, tiềm năng sáng tác ảnh nghệ thuật của AI rất lớn. Ông cũng kỳ vọng sẽ có một cuộc thi riêng cho mảng này, thay vì để ảnh AI lẫn trong các sự kiện thi ảnh do con người chụp. "Với tôi, làm việc với AI là một hoạt động sáng tạo", ông nói. "Đó không đơn giản là nhấn nút ra lệnh, mà là quá trình khám phá phức tạp, tinh chỉnh lời nhắc văn bản, kết hợp các nền tảng và kỹ thuật khác nhau để cho ra bức ảnh cuối cùng".
Tác giả Boris Eldagsen quyết định từ chối nhận giải với lý do: "AI không phải là nhiếp ảnh. Vì vậy, tôi không nhận giải thưởng này". Bức ảnh The Electrician hiện đã bị xóa khỏi Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới Sony 2023. Theo ban tổ chức, ảnh giành chiến thắng vì chương trình "chào đón nhiều cách tiếp cận và thử nghiệm nhiếp ảnh khác nhau", nhưng bị loại bỏ sau khi tác giả Eldagsen từ chối nhận giải.
Đây không phải lần đầu tác phẩm AI đoạt giải thưởng. Tháng 8 năm ngoái, bức tranh Théâtre D'opéra Spatial được một người dùng AI là Jason Allen tạo ra, mang đến triển lãm bang Colorado (Mỹ) và được trao giải nhất ở hạng mục nghệ thuật số. Trong khi các họa sĩ sử dụng bút vẽ trên máy tính, Allen tạo tranh bằng cách ra lệnh cho công cụ Midjourney thực hiện gần như toàn bộ công việc.
Vụ việc này một lần nữa phản ánh sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của AI trong ngành công nghiệp xuất bản và nhiếp ảnh dần thay thế sức lao động sáng tạo của con người ở nhiều khâu. Chỉ trong chưa đầy 1 năm, ChatGPT đã được liệt kê là tác giả hoặc đồng tác giả của trên 200 đầu sách trên Amazon, chủ yếu là các tựa sách hướng dẫn sử dụng AI và sách thiếu nhi.
Đầu năm nay, Ammar Reshi, một chuyên gia tài chính công nghệ làm việc tại San Francisco, đã thu hút sự quan tâm của báo giới khi cho ra mắt cuốn sách thiếu nhi đầu tay, thực hiện bằng ChatGPT và MidJourney chỉ trong 72 giờ mà không cần bất cứ kinh nghiệm viết sách hay hội họa nào.
Quyển "Alice and Sparkle" của anh ngay lập tức lan truyền trên Twitter, nhưng đồng thời hứng chịu nhiều chỉ trích từ các họa sĩ cho rằng tác phẩm của họ đã bị AI sử dụng mà không xin phép, hay công chúng cho rằng chất lượng bài viết quá tệ.
Việc sản xuất hàng loạt sách và ảnh AI cũng đang gây lo ngại sẽ nhấn chìm các tác phẩm do tác giả con người viết, khiến thị trường tràn ngập sách chưa qua kiểm định chất lượng và bản quyền. Thay vì chờ các tập đoàn khổng lồ để mắt đến mình, nhiều nhà văn đã tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.
Cuộc chiến sáng tác giữa AI và Con người
Hai tác giả người Mỹ Mona Awad và Paul Tremblay vừa đệ đơn lên Tòa án liên bang ở San Francisco, Mỹ cáo buộc ChatGPT sử dụng tác phẩm của mình để huấn luyện AI mà không xin phép.
Đơn khiếu nại của hai nhà văn cho rằng OpenAI - công ty chủ quản ChatGPT - đang hưởng lợi "không công bằng" từ "các đoạn viết và ý tưởng" của Awad và Tremblay, đồng thời yêu cầu OpenAI bồi thường thiệt hại cho hai nhà văn này.
Vice dẫn thông tin cho biết OpenAI đã trở nên "cực kỳ thận trọng" trong việc tiết lộ các thông tin về khối dữ liệu được dùng để huấn luyện ChatGPT, theo Joseph Saveri và Matthew Butterick, luật sư của hai nhà văn vừa đâm đơn kiện. Hiện quá trình xử lý vụ kiện vẫn đang diễn ra. Kết quả của vụ kiện này đang rất được cộng đồng tác giả chú ý vì chúng sẽ đặt nền móng cho quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý, bảo vệ quyền tác giả và sử dụng AI một có trách nhiệm trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtv.vn
Tham gia bình luận