Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn

Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn

Chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Ấn Độ

Hôm 28/7 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng giám đốc điều hành nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã có mặt tại sự kiện SemiconIndia 2023 tổ chức tại bang Gujarat.

Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn - Ảnh 1.

Sự kiện SemiconIndia 2023 tại bang Gujarat (Ấn Độ) thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu (Nguồn: Indian Express)

Với sự góp mặt của những tên tuổi lớn như Micron, Cadence, Applied Materials và AMD, sự kiện đã làm nổi bật tham vọng của Ấn Độ, là trở thành một trung tâm lớn về chất bán dẫn, bên cạnh Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Tại sự kiện, giám đốc điều hành các doanh nghiệp đã dành nhiều lời khen ngợi đối với lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ.

"Lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, địa chính trị, chính sách trong nước và năng lực của khu vực tư nhân được sắp xếp theo hướng có lợi cho Ấn Độ, thúc đẩy quốc gia này tham gia sâu hơn vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn", ông Ajit Manocha - Giám đốc điều hành cơ quan công nghiệp SEMI có trụ sở tại Mỹ nhận định. "Chúng ta sẽ nhìn lại năm 2023 như một năm quan trọng, thời điểm mọi thứ bắt đầu hình thành".

Trên thực tế, không phải cho đến bây giờ Ấn Độ mới bắt đầu chú trọng đến ngành công nghiệp bán dẫn. Thế nhưng, trong suốt nhiều thập kỷ, các nỗ lực phát triển ngành chip của Ấn Độ luôn có kết quả ảm đạm, với những cơ hội bị bỏ lỡ. Vào thập niên 1960, Ấn Độ đã phớt lờ đề xuất của Fairchild Semiconductors về việc thiết lập một cơ sở đóng gói chất bán dẫn tại nước này. Cơ hội này sau đó đã được chuyển sang Malaysia.

Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn - Ảnh 2.

Sự chần chừ trong việc đưa ra chính sách từng khiến Ấn Độ bỏ lỡ cơ hội thiết lập nhà máy sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD của Intel (Nguồn: Reuters)

Đến năm 2007, Ấn Độ từng được coi là lựa chọn hàng đầu để Intel thiết lập nhà máy sản xuất chip trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Chủ tịch Craig Barrett của Intel sau đó cho biết, kế hoạch này đã thất bại khi New Delhi trì hoãn việc đưa ra chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn.  

Dưới thời Thủ tướng Modi, tình hình đang dần được cải thiện đáng kể. Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn. Hồi tháng 12 năm ngoái, New Delhi đã "bật đèn xanh" cho kế hoạch trị giá 10 tỷ USD hỗ trợ ngành chip, đồng thời mở cửa cho các công ty nước ngoài thiết lập cơ sở sản xuất và đầu tư vào nước này.

Để đảm bảo nhu cầu về lực lượng lao động, chính phủ Ấn Độ cũng đã triển khai các chương trình phát triển và nuôi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Các kỹ sư Ấn Độ hiện chiếm khoảng 20% lực lượng lao động trong lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn trên thế giới, và đóng vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn khác nhau từ thiết kế cho tới sản xuất.

Nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực này cũng cam kết đào tạo và phát triển các tài năng tương lai trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Ấn Độ. Ví dụ như Lam Research Corporation, công ty có trụ sở tại California gần đây đã công bố chương trình đào tạo 60 nghìn kỹ sư Ấn Độ về công nghệ nano trong vòng 10 năm tới.

"Dù thành tích đạt được chưa thực sự ấn tượng nhưng chính phủ Ấn Độ đang đi đúng hướng với các chính sách tạo động lực và thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới", ông Neil Shah, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn công nghệ Counterpoint Research đánh giá.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng hướng tới việc thành lập liên minh với các quốc gia có vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn như Mỹ. Tháng 6 vừa qua, trong chuyến công du tới Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo CNBC, ông Modi đang tận dụng ảnh hưởng địa chính trị của Ấn Độ để trở thành một đối tác không thể thiếu đối với tham vọng công nghệ của Mỹ, khi Washington xung đột với Bắc Kinh trong một loạt vấn đề. "Thế giới cần một chuỗi cung ứng bán dẫn đáng tin cậy", ông Modi cho biết tại hội nghị hôm thứ Sáu ở bang Gujarat. 

"Ai có thể là đối tác tốt hơn nền dân chủ lớn nhất thế giới?".

Các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ

Tại sự kiện SemiconIndia 2023, các công ty bán dẫn đã chia sẻ về kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ. Trong đó, AMD - nhà sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp đa quốc gia có trụ sở tại bang California (Mỹ) cho biết, sẽ chi khoảng 400 triệu USD trong vòng 5 năm tới, bao gồm một cơ sở mới tại Bangalore, nơi dự kiến sẽ là trung tâm thiết kế lớn nhất của hãng.

Giám đốc công nghệ (CTO) của AMD - ông Mark Papermaster chia sẻ: "Các đội ngũ của chúng tôi tại Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ máy học Trí tuệ nhân tạo cũng như năng lực phần cứng và phần mềm".

Hồi tháng 6, Micron - nhà sản xuất bộ nhớ máy tính và lưu trữ dữ liệu máy tính của Mỹ, cũng đã công bố kế hoạch thiết lập một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn ở bang Gujarat. Khoản đầu tư của Micron dự kiến sẽ có tổng trị giá lên tới 825 triệu USD. Theo Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn độ Ashwini Vainshnaw, việc xây dựng nhà máy của Micron sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới.

Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn - Ảnh 6.

Micron sẽ đầu tư 825 triệu USD cho cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn tại bang Gujarat (Nguồn: Reuters)

Ông Sanjay Mehrotra - Giám đốc điều hành của Micron cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng khoản đầu tư này sẽ là chất xúc tác, giúp thúc đẩy các khoản đầu tư khác trong lĩnh vực bán dẫn tại Ấn độ. Đồng thời, nó sẽ góp phần làm tăng cường năng lực sản xuất bản địa, khuyến khích đổi mới và hỗ trợ tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương".

Một nhà đầu tư đáng chú ý khác là Foxconn - nhà sản xuất điện tử của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang tính toán việc đầu tư vào Ấn Độ. Nỗ lực đáng chú ý nhất đã được thực hiện vào năm ngoái, khi Foxconn đạt thỏa thuận với tập đoàn kim loại hóa dầu Vedanta của Ấn Độ để thành lập một nhà máy sản xuất chất bán dẫn và màn hình - một phần trong dự án liên doanh trị giá 19,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hồi tháng trước, Foxconn đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi liên doanh, giáng một đòn mạnh vào các nỗ lực của cả hai công ty và chính phủ Ấn Độ.

Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn - Ảnh 7.

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đang tìm cách đầu tư 2 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới (Nguồn: Reuters)

Dẫu vậy, bước lùi này không ngăn cản được tham vọng của Foxconn hay Vedanta. Sự hiện diện của Chủ tịch Foxconn Young Liu tại sự kiện SemiconIndia 2023 cho thấy, công ty này  vẫn có tham vọng đầu tư vào Ấn Độ. Ông Liu đã chia sẻ với CNBC rằng, Foxconn đang tìm cách đầu tư 2 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới.

Trong khi đó, Chủ tịch Vedanta Anil Agarwal hôm thứ Sáu tuần trước cũng cho biết, công ty của ông đã "xác định các đối tác đẳng cấp thế giới về công nghệ, và đang thảo luận phương thức hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn".

Những thách thức với tham vọng của New Delhi

Tuy nhiên, tham vọng trở thành một cường quốc bán dẫn của Ấn Độ sẽ không hề dễ dàng, bởi sản xuất chip là một lĩnh vực cực kỳ khó khăn và tốn kém. Những doanh nghiệp hàng đầu như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc đã phải mất nhiều thập kỷ để hoàn thiện các chuyên môn trong lĩnh vực này.

Ông Prabu Raja, Chủ tịch Nhóm sản phẩm bán dẫn của Applied Materials - công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu nhận định, Ấn Độ đang trên đường trở thành trung tâm lớn về đóng gói và lắp ráp chất bán dẫn. Đây sẽ là nền tảng vững chắc, trước khi chuyển sang giai đoạn sản xuất chất bán dẫn khó khăn và tốn kém hơn. "Đóng gói là bước thay đổi lớn tiếp theo sắp xảy ra, đó là cách tiếp cận đúng đắn với Ấn Độ", ông Raja cho biết.

Ấn Độ và tham vọng cường quốc bán dẫn - Ảnh 8.

Ấn Độ đang trên đường trở thành trung tâm hàng đầu về đóng góp và lắp ráp chất bán dẫn (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, với lĩnh vực xưởng đúc chip - hoạt động sản xuất chất bán dẫn thực sự, Ấn Độ hiện vẫn chưa nhận được các đề xuất đầu tư đáng chú ý. Chuyên gia Pranay Kotasthane, Phó Giám đốc Viện Takshashila thừa nhận: "Ấn Độ hiện chưa tìm kiếm được các đối tác đủ tốt về mặt công nghệ".

Bên cạnh đó, việc định giá đất đai, mạng lưới điện thiếu ổn định và mức lương của người lao động tương đối cao của Ấn Độ cũng là những yếu tố có thể khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi chọn quốc gia này là đối tác thương mại. Việc nhiều quốc gia khác cũng đang chạy đua đầu tư vào các cơ sở bán dẫn tiên tiến nhất với các gói ưu đãi hấp dẫn cũng sẽ khiến Ấn Độ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt hơn, và thậm chí là chấp nhận giảm bớt tham vọng của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận