Cá Tháng Tư nhạt nhẽo của các ông lớn công nghệ

Cá Tháng Tư nhạt nhẽo của các ông lớn công nghệ

Bạn có phải là người thích vui cười và giải trí bằng trò đùa từ những nhãn hàng nổi tiếng, hay từ những tập đoàn công nghệ có dấu tick xanh trên Facebook?

Bạn có nhận ra đằng sau những bức ảnh viral, những video parody được sản xuất tỉ mỉ để mỗi chi tiết đều khiến bạn bật cười, là những gã khổng lồ công nghệ đang cố gắng mỗi ngày để xâm nhập vào quyền riêng tư của bạn, cốt kiếm tiền nhanh chóng?

Ca Thang Tu nhat nheo cua cac ong lon cong nghe hinh anh 1
Những thông tin trên mạng xã hội lại đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi người. Ảnh: Poynter.

Có thể bạn không nhận ra, nhưng ngày Cá tháng Tư hàng năm chính là cuộc chiến của các nhãn hàng lớn, đang tranh nhau từng phút để giành lấy sự chú ý của bạn trên mạng truyền thông xã hội cho mục đích thương mại.Vậy, khi mất đi ý nghĩa ban đầu, ngày Cá tháng Tư có nên tồn tại?

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự thật bị đánh tráo. Thế giới hiện tại là nơi mà máy tính có khả năng chi phối những kết quả bầu cử, còn con người vẫn đang loay hoay phân biệt thông tin chính thống và tin giả mạo. Nơi mà thông tin hàn lâm bị xem nhẹ hơn tin tức giải trí, đến mức ngày càng nhiều người tin vào việc trái đất thật ra có dạng phẳng và Khá Bảnh trở thành thần tượng của giới trẻ.

Giữa một thế giới mà sự thật bị che đậy mỗi ngày, liệu chúng ta có cần thêm một ngày Cá tháng Tư để nói dối?

Nhờ vào sự hỗ trợ của Internet, ngày Quốc tế Nói dối đã biến thành một dịp hội để những nhãn hàng khoác lên mình bộ áo tiếu lâm. Thậm chí khi những trò đùa chẳng hề hài hước.

Năm 2016. Google đã hưởng ứng Cá tháng Tư bằng việc tự ý thêm vào mỗi mail mà người dùng gửi đi, ảnh GIF của một chú minion đang làm động tác “mic drop” - hành động thể hiện sự buông bỏ một cách thiếu tôn trọng.

Ca Thang Tu nhat nheo cua cac ong lon cong nghe hinh anh 2
Trò đùa Mic Drop của Google gây nhiều hậu quả cho người dùng. Ảnh: Consumerist.

Rất nhiều người dùng Gmail đã mất việc khi vô tình gửi nhầm GIF mic drop vào những mail công việc của mình. Google đã xin lỗi và tắt tính năng ngay sau khi nhận được phản hồi, nhưng một vài người vẫn còn thấy Mic Drop vài lần sau đó.

Grab, cách đây không lâu, đã giới thiệu tính năng GrabFoodCopter giúp ship đồ ăn từ Singapore sang Malaysia với lời hứa: "Những người Malay mê ẩm thực Singapore sẽ không phải xấu hổ nữa".

Hai quốc gia này từng có bất hoà do người Malay cho rằng ẩm thực Singapore là một bản sao nhạt nhẽo hơn của ẩm thực quốc gia mình. Trò đùa của Grab chẳng khác nào gai đâm vào lòng tự tôn dân tộc của Malaysia, khiến người dân nước này nhanh chóng phản ứng buộc Grab phải phân bua "đây chỉ là trò đùa" ngay sau đó.

Lúc này, cần đặt ra vấn đề rằng đâu là giới hạn của các hãng công nghệ trong việc tôn trọng quyền của khách hàng, là những người đã đặt niềm tin và chọn sử dụng sản phẩm của công ty.

Ca Thang Tu nhat nheo cua cac ong lon cong nghe hinh anh 3
Trò đùa GrabFoodCopter đã gây nên làn sóng phẫn nộ ở Malaysia khi đụng chạm đến tự tôn dân tộc. Ảnh: TheStar.

Ngoài những đụng chạm quá đà, Cá tháng Tư còn là dịp các nhà sản xuất giới thiệu những sản phẩm “dùng để giải quyết những vấn đề chẳng ai mắc phải”.

Logitech đã từng giới thiệu một chiếc webcam có khả năng quét mặt của người ngồi trước để biết họ đang tức giận đến mức nào. Năm ngoái, dịch vụ xem phim Roku có một chiếc vớ để điều khiển TV.

Năm nay, Google đã "ra mắt" hàng loạt sản phẩm cho ngày Cá tháng Tư: từ trợ lý ảo Assistant Tulip biết giao tiếp với thực vật đến bàn phím Gboard có khả năng nhập liệu qua việc bẻ cong chiếc thìa, hay ứng dụng Files kèm tính năng làm sạch mặt kính điện thoại bằng phần mềm. Thực tế, ứng dụng Files có tồn tại nhưng ít ai dùng, và nó được mang ra làm mồi câu cá để người dùng biết đến app này nhiều hơn.

Các công ty công nghệ, rõ ràng, đang đi dần từ sự vui vẻ đến ngớ ngẩn. Những trò đùa ngày Cá tháng Tư của các ông lớn công nghệ đã dần trở nên nhạt nhẽo. Nó nhạt như một người bạn mà ai trong chúng ta cũng có: luôn kể những câu chuyện cười có vẻ thú vị, rồi tự cười.

Ca Thang Tu nhat nheo cua cac ong lon cong nghe hinh anh 4
Hyper cũng hòa vào trào lưu nhạt nhẽo với đế laptop có rất nhiều cổng kết nối. Ảnh: Hyper.

Các hãng công nghệ nghĩ rằng những trò đùa "ngốc nghếch vô hại" sẽ khiến người dùng cảm thấy thoải mái, được quan tâm và được tương tác với nhãn hàng, phần nào quên đi chất lượng sản phẩm, hoặc những xâm phạm, yếu kém mà nhãn hàng đang phạm phải.

Nhưng nhìn rộng ra, thế giới công nghệ thực tế còn "điên rồ" hơn cả những trò đùa Cá tháng Tư. Những sản phẩm bồn cầu có chức năng phân tích phân, hay máy làm nước ép từ syrup thay vì trái cây tươi xuất hiện khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng sáng tạo của những người ở Thung lũng Sillicon. Công nghệ lúc này đã đủ buồn cười rồi, các hãng không cần cố gắng mỗi tháng Tư nữa đâu!

Ca Thang Tu nhat nheo cua cac ong lon cong nghe hinh anh 5
Chiếc máy ép trái cây từ sirup Juceiro từng bị xem là "nỗi thất vọng của thung lũng Sillicon". Ảnh: CNET.

Năm nay, Microsoft đã ra thông báo khuyên các nhân viên “không nên tham gia vào những trò đùa” với giải thích rõ ràng: “Cân nhắc những vấn đề là nền công nghiệp công nghệ đang đối mặt hôm nay”, ông Caposella, giám đốc Marketing Microsoft viết.

“Dù tôn trọng nhiều cá nhân đã dành thời gian cho những trò đùa, nhưng tôi tin rằng chúng ta mất nhiều hơn được, khi cố gắng trở nên hài hước trong ngày này”, ông này nói thêm.

Google ra app vệ sinh màn hình điện thoại Cá Tháng Tư năm nay, Google đã giới thiệu ứng dụng Files by Google, có thể vệ sinh điện thoại từ trong ra ngoài.


Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận