Cấm nhập ĐTDĐ cũ:  Ai mừng, ai lo?

Cấm nhập ĐTDĐ cũ: Ai mừng, ai lo?

Sự phát triển nhanh chóng của CNTT đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó, có vấn nạn về rác thải công nghiệp. Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng trong buổi hội thảo về vấn đề xuất nhập khẩu thiết bị công nghệ đã qua sử dụng vào ngày 6/11/2015 chia sẻ: “Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã tạo nên một số lượng lớn sản phẩm CNTT với vòng đời ngày càng ngắn. Điều này đã tạo nên một lượng rác thải công nghệ khổng lồ trên thế giới. Việc nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và sự phát triển của CNTT trong nước. Đây là vấn đề nghiêm trọng mà các nước đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt”.

Thông tư 31/2015/TT-BTTTT về xuất nhập khẩu các thiết bị công nghệ đã qua sử dụng cũng nêu rõ nhiều mặt hàng cũ bị cấm nhập khẩu như laptop, PC, điện thoại di động, máy in… và các linh phụ kiện kèm theo. Đây không phải lần đầu tiên Bộ TT-TT ban hành danh sách các sản phẩm cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, Thông tư này vẫn khiến nhiều doanh nghiệp phải “lao đao”.

Công ty gia công phần mềm gặp khó

Có thể nói, chịu ảnh hưởng nhiều của Thông tư cấm nhập khẩu sản phẩm công nghệ đã qua sử dụng không phải là các đơn vị bán lẻ hay người dùng mà chính là các công ty nằm trong lĩnh vực gia công phần mềm. Với việc phát triển các ứng dụng, phần mềm trên các thiết bị di động như laptop hay smartphone, các doanh nghiệp này thường xuyên phải nhập các sản phẩm mới để thử nghiệm. Điều này cũng được Chính phủ hỗ trợ khi cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu ĐTDĐ đã qua sử dụng cho mục đích nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, theo đại diện của GameLoft cho biết, do công ty thường xuyên nhập sản phẩm theo dạng chuyển phát nhanh từ các quốc gia khác nên việc kê khai, xin phép rất nhiêu khê và tốn thời gian. Bởi lẽ ĐTDĐ là sản phẩm “đặc biệt” khi được cả hai Bộ quan tâm và quản lý bao gồm Bộ Công Thương và Bộ Thông tin – Truyền thông. Vì vậy, với mỗi chiếc điện thoại cũ nhập về theo dạng nghiên cứu khoa học thì các doanh nghiệp phần mềm phải kê khai và xin giấy phép từ hai Bộ. Điều này làm ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ làm việc của các doanh nghiệp. Đại diện FPT Software cho biết: Thủ tục đăng ký nhập khẩu rắc rối, trùng lắp khiến chúng tôi rất khó để cạnh tranh với các nước khác. Khi nghe thời gian xin giấy phép cho việc nhập khẩu vài chiếc điện thoại về nghiên cứu là 2 tuần, đối tác của chúng tôi lập tức chuyển hợp đồng qua cho quốc gia khác”.

Ông Sebastien Auligny, đại diện GameLoft cũng chia sẻ: “Do khó khăn trong việc xin giấy phép nhập khẩu nên công ty đã chuyển nhiều dự án quan trọng sang các chi nhánh khác thay vì Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến GameLoft Việt Nam. Nếu tình trạng kéo dài thì Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philipines, Maylaysia…”. Ông này cho biết, tuy rằng mỗi lần chỉ nhập khoảng 2-3 sản phẩm về để nghiên cứu nhưng một tháng công ty nhận không dưới 50 bưu kiện cỡ này, tính ra là hơn 100 sản phẩm. Với mỗi sản phẩm lại phải kê khai 2-3 tờ đơn rồi chờ hai Bộ cùng Hải quan phê duyệt khiến tiến độ của đơn vị không đáp ứng kịp nhu cầu của công việc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phần mềm tha thiết yêu cầu Chính phủ hỗ trợ.

Trước những vướng mắt trên, đại diện các Bộ ngành liên quan cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm cách tháo gỡ để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, trong khi đó vẫn đảm bảo Việt Nam sẽ không trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Thị trường bán lẻ vẫn sôi nổi

Trong khi các doanh nghiệp phần mềm loay hoay tìm cách tháo gỡ vướng mắc thì các đơn vị bán lẻ vẫn “bình chân như vại”, thậm chí ngành hàng máy cũ vẫn tiếp tục phát triển tốt.

Một trong những nguyên nhân chính là do lượng máy cũ chất lượng cao đang khá dồi dào thông qua các chính sách đổi trả của các hệ thống bán lẻ lớn như: Thế Giới Di Động, FPT Shop… Với chính sách đổi trả khá thông thoáng hiện nay, người dùng không chỉ có thể đổi trả miễn phí sản phẩm khi máy bị hư hỏng, gặp sự cố do lỗi của nhà sản xuất mà thậm chí có thể đổi trả nếu không thích hay muốn đổi sản phẩm mới. Chính vì thế, một lượng máy mới 90%, thậm chí 99% luôn trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dùng. Bà Lê Thảo Trang, giám đốc marketing của Thế Giới Di Động cho biết, hiện số lượng máy đổi trả chiếm khoảng 10% số lượng máy bán ra trên toàn hệ thống. Anh Quốc Thái, Giám đốc ngành hàng máy cũ của hệ thống này cũng cho biết: “Hiện nay, doanh thu của ngành hàng máy cũ không ngừng tăng lên, tỉ lệ thuận với quy mô công ty và số lượng máy mới bán ra. Tổng doanh thu của ngành hàng máy cũ tháng vừa qua đạt 140 tỉ đồng, trong đó điện thoại di động chiếm 50% tổng doanh thu. Với 500.000 máy điện thoại di động bán ra hàng tháng tại hệ thống TGDĐ thì có 50.000 máy cũ được thu vào và bán ra lại”. Còn đại diện của FPT Shop cho biết, theo chính sách đổi trả của hệ thống này, các sản phẩm không có lỗi do nhà sản xuất khi đổi trả sẽ được hoàn trả lại 90% giá trị máy. Hầu hết các hệ thống hiện nay không thu mua máy cũ từ các nguồn bên ngoài mà chủ yếu thu mua lại từ chính khách hàng của hệ thống. Do đó, Thông tư của Bộ TT-TT hầu như không tác động nhiều đến thị trường máy cũ trong nước.

Trong khi đó, nhu cầu mua iPhone cũ vẫn còn rất cao vì mức giá sản phẩm này tại thị trường xách tay rất rẻ. Phần lớn hàng xách tay lại do du khách hoặc người dùng trực tiếp mang về thông qua đường hàng không. Một chủ cửa hàng máy cũ trên đường Trần Quang Khải cho biết, hầu hết các sản phẩm này là hàng dựng lại, chỉ một số ít là sản phẩm chính hãng được thu vào bán ra. Theo ghi nhận, hầu hết các đơn vị bán lẻ không quá quan tâm đến vấn đề này vì trước đây năm 2012 cũng đã có Thông tư cấm nhập khẩu ĐTDĐ cũ; tuy nhiên, đến hiện nay các dòng máy xách tay vẫn “sống tốt” dù không phát triển mạnh mẽ như trước.

Theo e-CHÍP Mobile

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận