Câu chuyện trẻ em Mỹ, trẻ em Việt, và startup Việt được cam kết đầu tư triệu USD

Câu chuyện trẻ em Mỹ, trẻ em Việt, và startup Việt được cam kết đầu tư triệu USD

“Khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa, em được tham dự một chuyến đi đến mười nhà máy sản xuất giày với 90% lao động là nữ. Em được nhìn thấy các bạn trẻ giống như em mình, trong đó có nhiều lao động nữ là trẻ em. Em bị sốc và ám ảnh bởi việc này.

Mỗi ngày tỉnh dậy và nghĩ ra cảnh trẻ em Mỹ đang đi học, tung tăng nhảy múa trên những đôi giày được tạo từ máu và nước mắt của trẻ em Việt Nam như vậy khiến em muốn thay đổi điều gì đó.

Em muốn dẫn dắt và tạo một doanh nghiệp thế hệ mới có trách nhiệm xã hội hơn mà người Việt của mình bảo vệ lẫn nhau được, đi ra toàn cầu được…”, Phạm Tấn Phúc, đồng sáng lập Gcalls - ứng dụng vừa được cam kết đầu tư một triệu USD từ VinaCapital, tâm sự với giọng xúc động.

“Đó chính là động lực khiến em cảm thấy em rất bình yên mỗi ngày”, chàng trai 9x khiến nhiều người đồng cảm trong buổi họp báo sáng nay 17/12.

Câu chuyện trẻ em Mỹ, trẻ em Việt, và startup Việt được cam kết đầu tư triệu USD

Phạm Tấn Phúc (cầm micro) đang chía sẻ câu chuyện về Gcalls - Ảnh: H.Đ

Nguyễn Xuân Bằng, người bạn thời sinh viên từ bỏ việc du học và làm việc tại Đức để trở lại Việt Nam làm Gcalls với Phúc, chia sẻ: “Phúc là người có tầm nhìn và khát khao. Phúc cũng có sự kiên trì, thôi thúc biến ước mơ thành sự thật. Phúc muốn đưa công nghệ của người Việt ra toàn cầu”.

Phúc cho biết anh hay hành động tiêu cực và sống khá khép kín do ảnh hưởng từ những chuyện quá khứ, tuy nhiên Bằng lại là người lạc quan, "thánh thiện", do đó cả hai làm việc ăn ý, như hai mảnh ghép hoàn chỉnh với nhau.

Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng cùng nhau khởi nghiệp và thất bại nhiều lần, đến sản phẩm Gcalls mới nhận được các khoản đầu tư . Mới đây trong chương trình Shark Tank - gọi vốn đầu tư trên truyền hình, Gcalls đã nhận được cam kết đầu tư 1 triệu USD từ đại diện quỹ VinaCapital.

Gcalls là nền tảng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xây dựng một tổng đài chăm sóc khách hàng chỉ trong vài phút. Chỉ cần đăng ký một tài khoản trên web, doanh nghiệp có thể tạo một tổng đài nghe và nhận cuộc gọi ở bất kỳ đâu có kết nối Internet. Việc này có thể giúp các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng cài đặt tổng đại ở các chi nhánh nước ngoài, thuê nhân công địa phương nhanh gọn. Tổng đài dạng này cũng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiết kiệm chi phí so với việc xây dựng một tổng đài thông thường.

Trước khi nhận được cam kết đầu tư từ Shark Tank, Gcalls đã nhận được đầu tư từ nhà mạng Telstra (Úc). Gcalls đã thành lập công ty tại Singapore theo yêu cầu của nhà đầu tư để nhận vốn. Theo Phúc, việc được đầu tư từ Telstra như một giấy thông hành để Gcalls có những bước phát triển xa hơn.

Tuy nhiên để nhận được vốn đầu tư đầu tiên từ Telstra cùng là một quá trình khó khăn của Gcalls. Phúc cho biết thời điểm năm 2014, anh dùng một tài khoản trả phí của Linkedin gửi tin nhắn cho các nhà đầu tư. Mất 6 tháng ròng rã mỗi ngày đều đặn gửi 15 email, đến cuối cùng cũng nhận được phản hồi từ Telstra. Nhà mạng này thông qua một quỹ đầu tư đã rót vào Gcalls 40.000 đô la Singapore.

Để giữ cho Gcalls “sống sót” trước khi Telstra rót vốn, Bằng đã phải đi làm ở các tập đoàn đa quốc gia nhằm kiếm tiền duy trì nhóm, giữ cho Phúc chuyên tâm phát triển sản phẩm và điều hành.

Sau khoản đầu tư từ Telstra, công ty tiếp tục nhận được 10.000 SD (đô la Singapore) từ quỹ khác, tuy nhiên khó khăn vẫn chưa hết. Năm 2016 công ty gặp vấn đề về mặt tài chính và nhân sự, hơn một nửa nhân viên quyết định nghỉ việc. Các thành viên còn lại chấp nhận làm việc giảm 50% lương trong 4 tháng sau đó.

Tuy nhiên, Gcalls tiếp tục nhận được hai khoản đầu tư trị giá 31.000 SGD. Đại diện cho Gcalls, Phúc được cựu tổng thống Mỹ Obama mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu 2016 (GES) tại Thung lũng Silicon. Cuối năm 2016, nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) và Khu Công nghệ Phần mềm ĐHQG (ITP). Sau đó được một nhà đầu tư thiên thần đầu tư 200.000 SGD.

Đến năm 2017, Gcalls thành lập công ty pháp nhân ở Việt Nam, ướm thử thị trường với dòng sản phẩm Gcalls Softphone. 10/2017, phiên bản đầu tiên của Gcalls Webphone ra đời.

Phạm Tấn Phúc cho biết 3 thị trường trọng điểm sẽ được công ty nhắm tới là Philippines, Malaysia, Indonesia. Thị trường Philippines với rất nhiều công ty kinh doanh dịch vụ tổng đài chăm sóc khách hàng toàn cầu nên sẽ là nơi phù hợp để Gcalls tung sản phẩm. Thị trường như Thái Lan đã có nhiều công ty công nghệ mạnh tham gia nên Gcalls sẽ tiến vào sau.

Phúc cho biết sau khi nhận cam kết đầu tư từ VinaCapital, hai bên sẽ có quá trình tìm hiểu nhau, sau đó quá trình giải ngân mới diễn ra. Thông thường quá trình này sẽ mất 3-6 tháng. Với số vốn này, Gcalls sẽ mạnh dạn hơn trong việc tung sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á, tiến tới toàn cầu.

Trước khi thành lập Gcalls giai đoạn 2014-2015, cả Bằng và Phúc cùng nhóm bạn của mình đã khởi nghiệp từ năm 2011. Phúc bỏ việc lương cao tại một tập đoàn lớn để cùng với bạn bè mở startup Click Now, với ý tưởng xây dựng một game nuôi thú ảo. Người nuôi thú ảo phải đến các cửa hàng ăn uống để ăn, khi đó thú ảo sẽ cũng được ăn. Việc này nhằm gia tăng doanh thu cho các cửa hàng kinh doanh, tuy nhiên dự án thất bại sau 12 tháng.

“Tụi em 5 đứa nộp đơn xin không đóng học phí, dùng học phí để mở công ty có pháp nhân đàng hoàng. Nhưng dự án thất bại do thay vì phát triển game hay đi làm việc với các chủ quán ăn thì chúng em bận bịu với việc kê khai thuế, các việc lặt vặt khác”, Phúc chia sẻ.

Một năm sau nhóm tiếp tục làm dự án HR Key, kết nối người tìm việc với công ty tuyển dụng nhưng sau đó cũng thất bại vì không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự.

Sau đó Bằng quyết định đi du học và làm việc tại Đức, Phúc tiếp tục với dự án khởi nghiệp “Bản đồ chống hàng giả” được World Bank rót vốn 3.000 USD, tuy nhiên startup này tiếp tục dừng chân.

Năm 2014, Bằng nhận được tâm thư do Phúc gửi, và quyết định về Việt Nam để cùng Phúc khởi nghiệp với Gcalls.

Câu chuyện trẻ em Mỹ, trẻ em Việt, và startup Việt được cam kết đầu tư triệu USD

Nguyễn Xuân Bằng kể về giai đoạn khởi nghiệp của cả nhóm - Ảnh: H.Đ

“Quá tam ba bận. Lần này tụi em dốc tiền dành dụm… cưới vợ ra để làm. Thất bại thì chịu…”, Bằng chia sẻ.

“Em không đam mê khởi nghiệp nhưng bị thu hút bởi những ước mơ của Phúc. Em muốn hỗ trợ để ước mơ của Phúc thành hiện thực”, Bằng nói. “Ở Phúc có sự kiên định. Phúc giúp em hiểu khởi nghiệp không chỉ là 6 tháng hay một năm, mà nó là quá trình 3 năm, 5 năm và là một chặng đường dài chinh phục ước mơ”.

“Em nghĩ khởi nghiệp là cái nghiệp của em. Em muốn tạo một thứ gì đó mới, giúp đỡ được người lao động và doanh nghiệp địa phương phát triển. Những thứ mà em thiết kế sẽ thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu Gcalls thất bại thì một sản phẩm khác cũng sẽ hướng về người lao động và doanh nghiệp địa phương”, Phạm Tấn Phúc tâm sự.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận