Hiện nay, khi đến với TP HCM, bất cứ ai cũng dễ dàng bắt gặp những mô hình kinh doanh, bán lẻ hiện đại với nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế. Hay trong danh sách vui chơi, giải trí và biểu tượng du lịch của TP HCM luôn có tên những trung tâm thương mại, địa điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Ngành thương mại không chỉ đóng góp thiết thực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP HCM, mà còn đang từng bước xây dựng hạ tầng bán lẻ, đa dạng mô hình kinh doanh, nhất là đảm bảo yêu cầu chuyển đổi số của thị trường và thị hiếu tiêu dùng.
Chuỗi bán lẻ - Mô hình mới của chợ truyền thống
Theo nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại TP HCM, không khó để gọi tên từ một đến vài tên chuỗi cửa hàng bán lẻ quen thuộc mà họ mua sắm hàng ngày.
Tạp hoá công nghệ - Sự "thức thời" của nhà bán lẻ trong kỷ nguyên số.
Người dân cũng đánh giá những năm gần đây, ngành thương mại TP HCM đã phát triển vượt trội với những thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước như: CoopXtra, Coopmart, Satra, Satrafood, Lotte Mart, Aeon Mall, Vincom, G25, Minishop...
Chị Hồng Đức, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết, với những người tiêu dùng mua sắm hàng ngày phục vụ bữa ăn gia đình có thể đến với hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Hơn thế nữa, ở mạng lưới bán lẻ này, còn có một số thương hiệu kinh doanh tích hợp ngành hàng, nhưng cũng có thương hiệu chỉ kinh doanh chuyên ngành nên người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và tiết kiệm thời gian mua sắm,
Riêng đối với những gia đình muốn mua sắm kết hợp vui chơi, giải trí, ăn uống cuối tuần thì có thể đến với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Những trung tâm thương mại này còn có quầy hàng, cửa hàng của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước mở, nên người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất.
Thậm chí, tại một số trung tâm thương mại còn mở lớp học ngoại ngữ, trung tâm thể dục - thể thao, rạp chiếu phim, khu vui chơi dành cho thiếu nhi... để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Điều này đã đáp ứng xu hướng thị trường, nhất là khu vực thành thị, khi người dân luôn có nhu cầu tiết kiệm thời gian và ưu tiên sử dụng đa dịch vụ tại một điểm đến.
Cùng quan điểm, anh Khánh Chương, cư ngụ tại quận 10, TP HCM cho biết, nếu như trước đây, mỗi lần đi mua sắm đồ dùng gia đình hay thực phẩm rất quan ngại với vấn đề thương lượng giá cả, nên việc các đơn vị kinh doanh thực hiện niêm yết giá cả cụ thể thì rất tiện lợi cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều điểm bán lẻ tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn hàng hóa theo sở thích, mua sắm vừa đủ số lượng cần dùng, cân đo và bao gói sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... đã tạo được uy tín và từng bước xây dựng thương hiệu bền vững trên thị trường.
Tính đến nay, hạ tầng thương mại, phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP HCM đã được xây dựng và phát triển theo hướng quy hoạch và hình thành hệ thống điểm bán đa dạng mô hình kinh doanh với 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ.
Xét về mức tỷ trọng, các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỷ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố (siêu thị chiếm 80%, trung tâm thương mại chiếm 60%, cửa hàng tiện lợi chiếm 76%), đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.
Hệ thống phân phối hiện đại đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại thông qua việc lựa chọn kênh phân phối mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp... Qua đó, ngành thương mại TP HCM đã xóa bỏ các điểm - khu vực kinh doanh tự phát hoạt động trên lòng, lề đường, gây an ninh trật tự giao thông và ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị của thành phố.
Công nghệ tạo sự khác biện cho chợ truyền thống
Ghi nhận thực tế tại thị trường TP HCM cũng cho thấy, không chỉ kênh phân phối hiện đại "chạy đua" thay đổi diện mạo khang trang, hiện đại, mà kể cả mạng lưới chợ bán lẻ lẫn cửa hàng tạp hóa truyền thống cũng không ngừng đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh và giữ chân khách hàng.
Điều này, đã góp phần thay đổi hạ tầng thương mại thành phố và người dân được thụ hưởng nhiều giá trị tiện ích và đảm bảo chất lượng, nguồn cung hàng hóa hơn.
Mô hình mới được hình thành khi có sự kết hợp giữa nhà bán lẻ truyền thống với các bước tiến của công nghệ.
Trong đó, điểm sáng của những năm gần đây là cơ quan quản lý nhà nước đã đồng hành cùng ngành thương mại và doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn TP HCM xây dựng nhiều phố chuyên doanh hàng hóa.
Thông qua đó, thành phố tập trung nguồn lực quy hoạch hạ tầng thương mại, phát triển những mô hình bán lẻ hiện đại, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của các bên, nhất là đơn vị bán buôn và người tiêu dùng.
Cụ thể, tháng 8/2017, phố ẩm thực kinh doanh có thời gian tại đường Nguyễn Văn Chiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM (hay còn gọi là phố hàng rong) đã chính thức đi vào hoạt động và trở thành một trong những phố chuyên doanh đầu tiên được xây dựng trên địa bàn thành phố.
Phố hàng rong được xây dựng như một mô hình mới, nhưng được cải tiến từ nền tảng bán buôn truyền thống sang hiện đại, nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn và góp phần quy hoạch lại mạng lưới bán lẻ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Những hộ kinh doanh tại phố hàng rong phải tuân thủ mặc đồng phục do quận cung cấp, gồm: áo thun, nón, tạp dề và đeo bảng tên đúng theo quy định. Các xe hàng được sắp xếp gọn gàng theo từng ô đã được đánh số trước, người bán sử dụng bao tay khi chế biến thực phẩm...
Mô hình kinh doanh này, được đánh giá vừa giúp cải thiện hoạt động bán buôn của nhiều hộ kinh doanh, vừa mang lại không gian văn minh cho đường phố, phường, quận... trên địa bàn TP HCM.
Tiếp theo phố hàng rong, tính đến nay các quận, huyện tại TP HCM đã phát triển thêm nhiều phố chuyên doanh như phố vàng bạc; phố thời trang; phố trang trí nội thất; phố đông y; phố tranh...
Ngoài ra, Sở Công Thương, Sở Du lịch TP HCM và một số đơn vị liên ngành còn phối hợp với các quận, huyện tổ chức ra mắt Cẩm nang du lịch để gắn kết du lịch với mua sắm sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ tiện ích cho du khách.
Trong đó, đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP HCM chính thức được "hợp pháp hóa" thành phố thời trang đầu tiên từ năm 2018, với hơn 200 cơ sở kinh doanh đa dạng mặt hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, nón, mắt kính... Phố thời trang Nguyễn Trãi có chiều dài gần 2km bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Cừ đến giao lộ Trần Phú - Nguyễn Du Dương thuộc địa bàn quận 5.
Điểm hấp dẫn nhất của phố thời trang Nguyễn Trãi là không gian được thiết kế trẻ trung, không khí luôn náo nhiệt, bài trí sản phẩm đẹp mắt, đa dạng mẫu mã khi cập nhật nhanh xu hướng thời trang trên thế giới.
Hộ kinh doanh hoạt động trong phạm vi phố thời trang Nguyễn Trãi phải cam kết kinh doanh đảm bảo uy tín, chất lượng, bán đúng giá niêm yết, văn minh lịch sự, chấp hành nghiêm về vệ sinh môi trường đô thị...
Còn theo bà Hồng Thắm, chủ cửa hàng trang trí nội thất kinh doanh tại phố chuyên doanh trang trí nội thất Ngô Gia Tự, quận 10 cho biết, phố chuyên doanh trang trí nội thất này, bao gồm phường 2, 3, 4, 9, có gần 300 đơn vị kinh doanh trên toàn tuyến đường. Mặt hàng vật dụng trang trí nội thất kinh doanh trên tuyến đường khá phong phú như sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế... với thiết kế đa dạng về mẫu mã và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Nhận thấy mô hình chuyên doanh đang là xu thế hiện nay, UBND quận 10 đã triển khai những giải pháp thiết thực khi ban hành cơ chế, biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý mô hình này tại các khu vực áp dụng hình thức chuyên doanh trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng Fanpage phố chuyên doanh trang trí nội thất nhằm giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Theo Tạp chí Điện tử
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận