Có đúng thực là "Apple đang khủng hoảng, khó khăn và bước vào suy thoái"?

Có đúng thực là "Apple đang khủng hoảng, khó khăn và bước vào suy thoái"?

Tính đến thời điểm hiện tại, 7 năm kể từ ngày Steve Jobs ra đời, "Apple gặp khó" là thông điệp được báo giới và antifan lặp lại ít nhất là một năm một lần. Năm nay, thông điệp này thực sự bùng nổ sau khi Apple công bố kết quả kinh doanh cho quý 3/2018. Không chỉ trượt mất kỳ vọng cho quý này, Apple còn công bố những con số dự đoán đáng thất vọng cho quý sau, vốn là mùa kinh doanh màu mỡ nhất của Táo.

Đáng chú ý nhất, Tim Cook còn gây lo lắng khi tuyên bố sẽ ngừng hé lộ doanh số từ quý tiếp theo. Chỉ vài ngày sau, thông tin iPhone XR bán không chạy như mong đợi được "chuỗi cung ứng" hé lộ, và cổ phiếu Apple chính thức sụt dưới mốc nghìn tỷ.

Apple đang chìm vào khó khăn? Không, câu trả lời chưa chắc đã là vậy.

Giá được như Apple

Có đúng thực là Apple đang khủng hoảng, khó khăn và bước vào suy thoái? - Ảnh 1.

Tại sao phải "khóc mướn" cho một công ty vẫn đang bán ra 46,89 triệu smartphone cao cấp mỗi quý?

Trước hết, hãy cùng nhìn lại vào những con số của Apple. Quý 3 vừa qua, Apple đạt doanh thu 62,9 tỷ USD. Tổng số iPhone bán ra đạt 46,89 triệu đơn vị ở mức giá trung bình là 793 USD.

Nói cách khác, trong quý vừa qua, iPhone mang về cho Apple khoảng 37 tỷ USD. Khoản tiền Samsung thu về từ mảng di động là 22 tỷ USD, bao gồm cả smartphone, tablet, phụ kiện VÀ thiết bị hạ tầng mạng. Ngay cả đối thủ vừa vượt mặt Apple để chiếm vị trí số 2 về doanh số smartphone là Huawei cũng chỉ có thể kiếm về 48 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Huawei cũng không chỉ sống bằng smartphone mà còn là một thế lực viễn thông tại Trung Quốc.

Lợi nhuận thì sao? Nếu tính tỷ suất lợi nhuận ở mức khiêm tốn là 35%, iPhone mang về cho Apple khoảng 7,7 tỷ USD lãi ròng trong quý vừa rồi. Cùng kỳ, toàn bộ khối IT & Di động của Samsung mang về cho Samsung chưa đến 2 tỷ USD lợi nhuận. Riêng Huawei còn đáng chán hơn: gã khổng lồ Trung Quốc chẳng mấy khi dám khoe lời lãi, gần đây nhất chỉ khoe "tỷ suất lợi nhuận hoạt động (không phải là lợi nhuận ròng) tăng 14%".

Sự thật vẫn là, cho dù có vượt mặt về doanh số thì iPhone vẫn là "con ngỗng đẻ trứng vàng" có 1 không 2 của thị trường di động. Tất cả các hãng smartphone khác, bao gồm cả những kẻ đã vượt mặt iPhone về thị phần, vẫn chỉ muốn tạo ra những chiếc smartphone có tỷ suất lợi nhuận cao như iPhone mà thôi.

Đằng sau sự thất vọng

Có đúng thực là Apple đang khủng hoảng, khó khăn và bước vào suy thoái? - Ảnh 2.

Apple chỉ đơn giản là không đáp ứng được kỳ vọng vô lý của Phố Wall.

Rõ ràng là không có một chỉ số kinh doanh nào của Apple đáng lo cả. Trong lúc các nhà sản xuất khác lỗ "chỏng vó" mà tìm mọi cách để chống chế, Apple đơn giản là vẫn mang về lợi nhuận và doanh thu "khủng". iPhone vẫn bán được 46,89 triệu máy trong một quý, tuy có kém đối thủ nhưng cũng chẳng hề thấp.

Vậy lý do gì khiến giá cổ phiếu Apple bay hơi? Hãy nhớ rằng giá cổ phiếu chỉ đại diện cho kỳ vọng của giới đầu tư về tình hình tương lai của Apple. Việc giá cổ phiếu giảm đơn giản chỉ có nghĩa rằng Apple không đáp ứng được kỳ vọng này, nhưng một lần nữa, Apple vẫn sống tốt, iPhone vẫn là "ngỗng đẻ trứng vàng".

Để nhận thấy vì sao Phố Wall lại vẽ lên những bức tranh thiếu thực tế (và để rồi thất vọng) về iPhone, hãy nhìn lại thành công của iPhone X. Trong suốt vòng đời, chiếc iPhone X nghìn đô này đã liên tục giữ vững vị thế là smartphone bán chạy nhất thế giới. Giá iPhone đến tay người dùng trong quý iPhone X lên kệ (quý 4/2017) là 796 USD, sau đó giảm còn khoảng trên 700 USD. Đây đều là những con số mà các đối thủ chỉ có thể... mơ ước.

Năm nay là năm S

Có đúng thực là Apple đang khủng hoảng, khó khăn và bước vào suy thoái? - Ảnh 3.

Apple đã làm được điều không thể: Đưa một chiếc smartphone nghìn đô lên đỉnh cao doanh số.

Dựa vào những thành tựu khổng lồ này, đặt ra những con số không tưởng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thế nhưng, năm nay lại là năm S của Apple. Công ty của Tim Cook không có thiết kế mới, và những tính năng mới trên mảng AI chắc chắn sẽ không thể tạo ra sức hút như khi Apple lần đầu tiên ra mắt màn hình OLED "tai thỏ" hay Face ID.

Chính bản thân iPhone 6s và iPhone 7 đã là những tín hiệu cho thấy iPhone XS không thể gây sốt. Khi ra mắt vào năm 2015, bộ đôi iPhone 6s đã không thể thu hút những hàng dài người chờ đợi như iPhone 6. Quý 4 năm 2015 doanh số iPhone gần như không đổi và đến quý 1/2016 thì bắt đầu suy giảm.

iPhone 7, chiếc iPhone về bản chất là "iPhone 6s II", thậm chí còn thê thảm hơn. Trong quý đầu tiên ra mắt và lên kệ, iPhone 7 khiến cho doanh số iPhone sụt giảm hẳn 2,5 triệu đơn vị so với quý cùng kỳ năm 2015.

Nhìn lại Apple

OK, vậy lỗi của Apple là ra mắt iPhone "S" thay vì liên tục đi tìm những cái mới. Nhưng sự thật là không gian sáng tạo trên smartphone đang dần hẹp lại, doanh số của cả thị trường sụt giảm . Mù quáng chạy theo sáng tạo để tăng doanh số sẽ là bất khả thi và không hợp lý. Thay vì đua tranh lấy thị phần theo kiểu Xiaomi , "đổ bê tông" vào phân khúc cao cấp mới là hợp lý.

Bởi cuối cùng thì vẫn chẳng có hãng nào đẩy giá smartphone lên nghìn đô mà lại giữ vững được doanh số như Apple. Chẳng có hãng nào thu vài chục tỷ USD lợi nhuận từ smartphone như Apple. Dựa vào sự thất vọng của các nhà đầu tư mà khẳng định "Apple gặp khó" thì quả thật là bất công cho các antifan của Táo, bởi trái với những gì họ đọc được, Apple vẫn chưa đến lúc gặp khó.

Trí thức trẻ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận