Cố vấn SwissEP: Kỹ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để nắm vững các công nghệ mới

Cố vấn SwissEP: Kỹ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để nắm vững các công nghệ mới

Nhận định nêu trên được ông Trần Trí Dũng, Cố vấn chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program, SwissEP), Thư ký mạng lưới Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam đưa ra trong tọa đàm chủ đề “Cơn lốc 4.0: Sức bật cho thị trường startup Việt” vừa được Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM và Innovatube Vietnam - Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, phối hợp tổ chức ngày 14/4/2018.

Là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình đồng hành cùng cuộc thi Khởi nghiệp Vietnam Startup Wheel 2018, ngoài chuyên gia về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Trần Trí Dũng, tọa đàm: “Cơn lốc 4.0: Sức bật cho thị trường Startup Việt” có sự tham gia của các diễn giả: bà Trương Lý Hoàng Phi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng; bà Lưu Thị San - Phó Giám đốc phụ trách mảng Đầu tư và Cộng đồng tại Innovatube Vietnam cùng các doanh quan tâm đến khởi nghiệp thời kỳ cách mạng 4.0 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cố vấn SwissEP: Kỹ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các công nghệ mới

Tọa đàm “Cơn lốc 4.0: Sức bật cho thị trường startup Việt” là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình đồng hành cùng cuộc thi khởi nghiệp Vietnam Startup Wheel 2018.

Theo chia sẻ của chuyên gia Innovatube Vietnam, cuộc cách mạng 4.0 được xem là cuộc cách mạng số, kết nối vạn vật qua Internet để tạo ra một thành phố thông minh. Theo dự đoán đến năm 2020, thế giới sẽ có hơn 50 tỷ vật thể được kết nối trên toàn cầu. Có thể thấy rõ ràng không một ai có thể ngăn cản được các bước đột phá do cơn lốc 4.0 tạo ra. Trong khi đó ở Việt Nam, cuộc cách mạng này mới chỉ bắt đầu chớm nở, nhưng các startup cũng đã sớm nhận thức và bước chân vào cuộc chơi lớn. Đỉnh điểm của năm 2017, đã có 3 thương vụ gọi vốn bạc triệu USD thành công, trong khi vẫn còn là các startup có tuổi đời tính bằng tháng, thậm chí chưa phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu: Kyber Network (52 triệu USD trong vài giờ), Học viện TEKY (2,7 triệu USD trong 3 tháng) và Bigbom (10 tỷ đồng trong 1 giờ).

“Hay câu chuyện tốn giấy mực những năm gần đây, taxi công nghệ. Mặc cho Uber đã rời khỏi thị trường Việt Nam, nhưng bài học đáng giá về cách tận dụng cách mạng 4.0 dành cho các Startup vẫn còn nguyên. Vào năm 2014, khi nghe tin công nghệ gọi xe Uber xuất hiện, các tài xế taxi và xe ôm ở Việt Nam không hề quan tâm. Nhưng trong vòng 4 năm, Uber nghiễm nhiên trở thành loại hình vận chuyển khách thu hút nhiều người dùng nhất nhì thị trường Việt Nam.

Đối với thế giới, giá trị công ty Uber thậm chí còn vượt qua cả đế chế xe hơi Ford có tuổi đời trăm năm. Dù không sở hữu bất cứ chiếc xe nào nhưng nhờ sức mạnh công nghệ, Uber vẫn có thể vượt mặt các hãng taxi truyền thống lớn sở hữu hàng ngàn xe hơi. Có thể tháy, cuộc cách mạng 4.0 ra đời chính là lúc khép lại thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, và mở ra kỷ nguyên của “cá nhanh nuốt cá chậm”. Nếu ở thời điểm mấy năm trước, doanh nghiệp cần ít nhất 10 năm để có công ty định giá cao, thì bây giờ công nghệ 4.0 đã rút ngắn quá trình này xuống còn từng giờ. Chính điều này đặt ra dấu chấm hỏi lớn cho các startup Việt phải làm gì để cưỡi lên làn sóng 4.0”, đại diện Innovatube Vietnam nhận định.

Cố vấn SwissEP: Kỹ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các công nghệ mới

Ông Trần Trí Dũng, Cố vấn chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sỹ - SwissEP khuyên các startup Việt trước khi bắt đầu khởi nghiệp, nên tìm hiểu thật kĩ sản phẩm của startup cần gì và điều gì thị trường lại đang cần.

Tại tọa đàm, nêu quan điểm về vấn đề làm thế nào tận dụng xu hướng đang lên ngôi của các công nghệ nền tảng như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain… để phát triển không chỉ Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam mà cả nền kinh tế của Việt Nam nói chung, từ kinh nghiệm của người đã có trên 10 năm tham gia điều hành, giám sát các dự án hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế, chuyên gia Trần Trí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang là một thị trường rộng mở cho các cá nhân, nhóm yêu thích khởi nghiệp. Đặc biệt trong mảng công nghệ, kĩ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển và nắm vững những công nghệ mới này. Tuy nhiên, hiện tại đối với các nước bạn, Việt Nam vẫn thuộc diện kém trong việc phát triển và áp dụng công nghệ vào thực tiễn.

Ông Trần Trí Dũng cho rằng một trong những lí do khiến thế giới có cái nhìn không tốt về Việt Nam là vì “Hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta chưa đủ mạnh, chúng ta cần những phát triển hơn nữa và các startup Việt cần những nguồn lực hỗ trợ nhiều hơn để có thể vang tiếng xa trên trường quốc tế”.

Trao đổi tại tọa đàm, bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, tuy những gì ông Dũng nói là sự thật, nhưng Việt Nam cũng đang là một trong những nước phát triển nhanh nhất tại thị trường Đông Nam Á với sức hút vô cùng lớn đối với các nguồn đầu tư tới từ nước ngoài. “Đây là một cơ hội lớn đã được Chính phủ giúp sức mở ra cho Hệ sinh thái khởi nghiệp có thể tiếp cận và phát triển”, bà Phi nói.

Trả lời câu hỏi “Dù có được nguồn hỗ trợ tại nhiều lĩnh vực, song các startup Việt thường bối rối trước nguồn lực quá lớn này, họ không biết nên bắt đầu từ đâu, cần những gì để khởi nghiệp. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?”, chuyên gia Trần Trí Dũng khuyên các startup Việt trước khi bắt đầu khởi nghiệp, nên tìm hiểu thật kĩ sản phẩm của startup cần gì, thị trường lại đang cần điều gì. Khi nhận sự hỗ trợ từ các nguồn lực, startup cũng nên thuyết phục họ để nguồn lực đó cũng cảm thấy phù hợp với sản phẩm hay dịch vụ của startup.

Có cùng quan điểm với ông Dũng, bà Trương Lý Hoàng Phi bổ sung thêm: “Chỉ khi các bên đối tác và startup đều đồng thuận trong việc hỗ trợ lẫn nhau thì khi đó khởi nghiệp mới có thể thành công”.

Cố vấn SwissEP: Kỹ sư Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các công nghệ mới

Tọa đàm “Cơn lốc 4.0: Sức bật cho thị trường startup Việt” thu hút đông đảo sự tham gia của các cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Buổi tọa đàm “Cơn lốc 4.0: Sức bật cho thị trường startup Việt” diễn ra ngày 14/4 cũng đã nhận được tương tác mạnh mẽ từ phía khán giả ngay khi các chuyên gia chia sẻ quan điểm của họ trong các vấn đề được nêu ra. Các khán giả đã đặt những câu hỏi khó, những câu hỏi thường xoay quanh chủ đề ngành nghề mà họ đang đầu tư vào và họ muốn xin lời khuyên cũng như chia sẻ từ các diễn giả của chương trình.

Đơn cử, một khán giả đã đặt ra câu hỏi “Sự kiện này nói về sức bật thị trường cho startup Việt, tuy nhiên startup bắt đầu từ việc công nghệ 4.0 phát triển thì bản thân các startup cũng đã bắt đầu từ sức bật. Vậy sức bật mà các diễn giả đề cập tới là gì?”, trả lời cho câu hỏi này, bà Lưu Thị San chia sẻ, là một người làm dịch vụ đứng giữa các startup và đầu ra của họ, bà nhận thấy rằng điều mà các startup gặp phải nhiều nhất không phải là ý tưởng cho công nghệ mà là mô hình kinh doanh. Theo bà San, dù sản phẩm hay dịch vụ có bước đột phá, xuất chúng đến đâu nhưng nếu mô hình kinh doanh không phù hợp, các startup vẫn có thể dễ dàng bị thất bại trong việc đưa sản phẩm, dịch vụ của họ ra thị trường để tiêu thụ.

Còn theo bà Phi, trong kinh doanh, không chỉ có sản phẩm/dịch vụ quan trọng mà các yêu cầu pháp lý hay hỗ trợ tài chính cũng vô cùng quan trọng. Đây cũng là lí do mà cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel được phát động để giúp đỡ các startups gặp được đúng nguồn hỗ trợ phù hợp có thể giúp họ đi qua những khó khăn trong việc bắt đầu khởi nghiệp.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận