Cuộc chiến của những đám mây

Cuộc chiến của những đám mây

Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu Synergy cho thấy bốn đại gia Internet là Amazon Web Services (AWS), Microsoft, IBM và Google đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất cứ ai và đã chiếm một nửa thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng điện toán đám mây toàn cầu.

So sánh các bảng xếp hạng trong quý II/2016 so với Q IV/2015 cho thấy sự tăng trưởng của Amazon và Microsoft đang có tốc độ chậm lại. Cuộc bứt phát ngoạn mục đến từ Google với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 162%. Mặc dù hồi năm 2015, Google chỉ thu được 500 triệu USD  từ mảng đám mây trên tổng doanh thu 75 tỉ USD của hãng. Còn riêng IBM có tốc độ tăng trưởng ổn định (57%) với thị trường chỉ tập trung vào phân khúc điện toán đám mây dành cho các tổ chức, doanh nghiệp. Phía sau 4 đại gia này là Alibaba và Oracle.

Amazon/AWS vẫn tạo ra khoảng cách rất lớn với các đối thủ và dường như điện toán đám mây hiện vẫn là sân nhà của họ bất chấp những nỗ lực đến từ các nhà cung cấp khác. AWS tiếp tục là người dẫn dầu ở mọi thị trường và có mặt tại hầu hết các phân khúc thị trường.

Thị trường điện toán đám mây tổng thể tăng 51% với doanh thu từ dịch vụ cung cấp cơ sở hạ tầng điện toán đám mây - bao gồm IaaS, PaaS và SaaS trong quý II/2016 này đã đạt ngưỡng 8 tỷ USD. Hãng nghiên cứu Gartner cho rằng thị trường đám mây cho doanh nghiệp trị giá 20 tỉ USD có thể tăng trưởng tới 35% trong năm tới.

Cuộc chiến 10 tỷ USD

Cột mốc 10 tỷ có thể chỉ là con số của thời điểm hiện tại nhưng nó lại mang ý nghĩa nhằm xác định đâu là người thống trị dịch vụ điện toán đám mây toàn cầu. Con số doanh thu này tưởng chừng là rất lớn nhưng so với hàng nghìn tỷ USD được đầu tư cho hạ tầng điện toán đám mây thì thị trường sẽ còn rất nhiều cuộc đua khốc liệt hơn.

Amazon Web Services (AWS) - dịch vụ điện toán đám mây tiên phong có tuổi đời 10 năm này vẫn giữ được phong độ của mình khi có những bước tăng trưởng vững chắc. Chỉ mới nửa đầu năm 2016, AWS đã đạt được doanh thu 5,5 tỷ USD và nếu không có gì thay đổi thì cột mốc 10 tỷ sẽ không có quá nhiều khó khăn với Amazon.  Nhưng xét về con số thì dường như Microsoft đang âm thầm qua mặt tất cả mọi đối thủ khi hãng này kết thúc năm tài chính 2015 với doanh thu 9,5 tỷ USD từ mảng điện toán đám mây. Tuy nhiên phần lớn doanh thu của Microsoft lại đến từ dịch vụ Office 365, còn riêng nền tảng đám mây Microsoft Azure thì vẫn còn rất khiêm tốn so với phần còn lại của thế giới.

Trước đây, mọi đối thủ đều đánh giá thấp Amazon khi cho rằng hãng không có kinh nghiệm đối với khách hàng khối doanh nghiệp khiến tất cả đều chậm chân trong xu hướng điện toán đám mây. Sự chậm trễ này đã tạo thế cho Amazon và để hãng bán hàng trực tuyến này mở rộng quy mô nền tảng đám mây, có khả năng hướng đến tất cả mọi đối tượng. Khách hàng của AWS bao gồm từ nhà thiết kế web độc lập cho đến các doanh nghiệp cỡ lớn như Apple.

Nhưng thị trường đám mây cũng đánh dấu cú lội ngược dòng ngoạn mục của Google khi hãng công nghệ này mang về “nữ hoàng điện toán” Diane Greene, cựu sáng lập VMware.

Khác với Microsoft là tránh đối đầu thì hành động đầu tiên của Google là nhắm thẳng đến dịch vụ đám mây tiên phong AWS của Amazon. Google Compute Engine được tung ra hồi năm 2012 trông rất giống với dịch vụ của Amazon. Tuy vậy, Google đã chậm chân trong việc mang tới cho các khách hàng tiềm năng. Sự xuất hiện của Diane Greene đã đánh chiếm được phân nửa bản hợp đồng sử dụng dịch vụ đám mây của Apple từ Amazon.

Google đang tập trung vào điện toán đám mây, nhưng ở cấp độ cao hơn. Công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích nền đám mây của Google vượt trội công nghệ của Amazon.com và Microsoft. Tham vọng hơn khi Google cho biết họ đang có kế hoạch mở ra 12 “vùng” đám mây mới trên khắp thế giới trong năm 2017, mỗi vùng đám mây bao gồm ít nhất là một trung tâm dữ liệu (hiện tại, Google chỉ mới có 4 vùng như vậy). Kế hoạch này sẽ giúp Google sánh ngang với kiến trúc hạ tầng của Amazon khi hãng hiện có 12 trung tâm dữ liệu trên toàn cầu và đang có kế hoạch mở thêm 5 trung tâm dữ liệu nữa.

Mua bán để đối đầu

Google đang có những những nỗ lực để cạnh tranh với những gã khổng lồ Amazon, Microsoft hay Salesfroce trong cuộc chiến điện toán đám mây. Vốn không được đánh giá cao trước các đối thủ khác nên Google đang cố thực hiện các thương vụ thâu tóm để bù đắp những điểm yếu trong nền tảng điện toán đám mây của mình. Thay vì tạo ra các thương vụ đình đám, Google tích cực thâu tóm những công ty nhỏ và startup.

Gần đây nhất là thương vụ mua lại startup 5 năm tuổi Orbitera với mức giá chỉ vào khoảng 100 triệu USD. Orbitera được biết đến như một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển nền tảng mua và bán phần mềm dựa trên đám mây.

Công ty này có hơn 60.000 khách hàng là các doanh nghiệp, trong đó xuất hiện những cái tên đình đám như Adobe, Oracle hay Metalogix. Google cho rằng thương vụ này không chỉ cải thiện dịch vụ hỗ trợ cho các nhà cung cấp phần mềm trên nền tảng Google Cloud, mà còn cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn trong thế giới đa đám mây hiện nay. Những thương vụ nhỏ lẻ như vậy sẽ mất khá nhiều thời gian để xác định được tính hiệu quả, nhưng cũng cho thấy sự quyết tâm của Google trong việc tìm kiếm nền tảng mới nhằm tránh lệ thuộc vào mảng quảng cáo và tìm kiếm của mình.

Những thương vụ mua bán sát nhập các công ty điện toán đám mây không chỉ nhằm bù đắp thiếu sót mà còn là nỗ lực thay đổi nền tảng của các cựu vương công nghệ như IBM, Cisco, HP hay Dell. Những công ty điện toán đám mây đang bắt đầu xâm nhập thị trường với dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên máy chủ, điều này cho phép khách hàng không cần phải chi tiền cho những thiết bị phần cứng tốn kém. Trong khi đó các cựu vương công nghệ lại đang bị chậm chân trong lĩnh vực điện toán thông minh dẫn đến việc sát nhập để gia cố nền tảng của mình là điều tất yếu, điển hình đó là thương vụ Dell và EMC.

Thương vụ này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Dell và EMC tăng trưởng vững chắc trong lĩnh vực chiến lược nhất của ngành công nghệ gồm chuyển đổi kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu phần mềm, hạ tầng liên kết, điện toán đám mây hỗn hợp, di động và bảo mật nhằm giành lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực lưu trữ dữ liệu trước các đối thủ. Vụ sát nhập này cũng giúp Dell thâu tóm luôn được cả Vmware mặc dù trước đây hãng vẫn chưa cung cấp dịch vụ trên nền điện toán đám mây riêng của mình. Hiện tại hiện có khoảng hơn 200 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây được xây dựng trên nền vCloud và giờ đây Vmware sẽ phải cạnh tranh với họ khi đưa ra dịch vụ riêng của mình hồi 2014.

Chủ tịch EMC Joe Tucci và CIO Michael Dell trong thương vụ sát nhập Dell - EMC
Chủ tịch EMC Joe Tucci và CIO Michael Dell trong thương vụ sát nhập Dell - EMC

Một thương vụ đình đám khác của năm 2016 này là việc Oracle đã mua lại NetSuite, công ty cung cấp dịch vụ phần mềm điện toán đám mây hàng đầu thế giới với giá 9,3 tỷ USD. Vụ sát nhập này nhằm tăng cường sức mạnh cho giải pháp nhân lực toàn cầu dựa trên nền tảng điện toán đám mây (Oracle Global HR Cloud) và quản lý nhân tài dựa trên nền tảng điện toán đám mây (Oracle Talent Management Cloud) dành cho doanh nghiệp của Oracle.

Những tên tuổi khác như HP và IBM cũng bắt chước theo mô hình của Amazon. Tuy nhiên, họ đều đang bị tụt lại phía sau khá xa và khó có thể đuổi kịp Amazon trong một sớm một chiều. Mặc dù vậy, IBM được cho là đang lặng lẽ định vị lại chính mình với các doanh nghiệp bằng các dịch vụ đám mây của riêng mình.

Tương tự như Azure, xuất phát điểm của IBM trong lĩnh vực điện toán đám mây khá chậm chạp khiên họ không có  dịch vụ nổi bật cũng như khách hàng lớn. IBM kiếm tiền chủ yếu  thông qua việc bán dịch vụ công nghệ phần mềm Middleware. Máy chủ và hệ thống lưu trữ đã từng là con bò sữa của IBM nhưng hiện nay đang có tốc độ suy giảm liên tục. IBM đã phải bán bộ phận kinh doanh máy chủ x86 của mình cho Lenovo hồi năm 2013. Những điều này chứng tỏ việc IBM đang dần tử bỏ những gì đã làm nên tên tuổi của họ. IBM tự đặt chỉ tiêu cho mình là bắt kịp Amazon và các nhà cung cấp điện toán đám mây khác, điều này đã chỉ ra rằng vị thế của hãng bây giờ chỉ là cái bóng của ông lớn ngày xưa.

Hãng công nghệ hàng đầu thế giới này cũng đang tích cực chuyển mình với sự thay đổi trong cơ cấu kinh doanh cổ điển về phần mềm và gia công phần mềm dịch vụ sang việc tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng Internet và điện thoại di động.

Nền tảng IaaS của IBM bao gồm SoftLayer, một công ty con mới được IBM mua lại vào tháng 7/2013 đã biến hãng này trở thành Top những nhà cung cấp IaaS hiệu quả nhất. IBM đang đầu tư hàng tỷ USD vào điện toán đám mây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng một danh mục các dịch vụ điện toán đám mây toàn diện nhất thế giới, từ Cơ sở hạ tầng như là dich vụ (IaaS) tới Nền tảng như là dịch vụ (PaaS – Platform as a Service) và Phần mềm như là dịch vụ (SaaS – Software as a Service).

IBM cùng với các đối tác HP và VMware, đưa ra dịch vụ "điện toán đám mây lai" cho phép khách hàng đưa dữ liệu kinh doanh quan trọng về mạng nội bộ và kết hợp với hệ thống đám mây công công nhằm cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu. Sau những nỗ lực của mình, IBM đã có nhiều giao dịch lớn với hãng hàng không Đức Lufthansa, ngân hàng Hà Lan ABN AMRO, đại gia trong lĩnh vực quảng cáo WPP, hãng sản xuất thiết bị âm thanh Woox Innovations ở Hồng Kông và chi nhánh Dow Water của Dow Chemical.

Trong mảng kinh doanh điện toán đám mây, Microsoft đang đi theo một hướng khác khi  tập trung vào dịch vụ phần mềm. Nhưng họ cũng đang đối mặt với một công ty điện toán đám mây danh tiếng khác là Salesforce  khi hãng này vừa mua lại Quip, ứng dụng được phát triển bởi cựu giám đốc công nghệ Facebook Bret Taylor, với giá trị 750 triệu USD vào hồi đầu tháng 8/2016. Đây là một nước đi đầy táo bạo có thể đe dọa tới cả nhà khổng lồ phần mềm Microsoft. Vì đơn giản Quip đã tự khẳng định rằng sẽ thay thế Office của Microsoft, không chỉ vậy ứng dụng này còn còn mang dáng dấp của Google Docs và Gmail. Mục đích của Salesforce khi mua Quip không phải chỉ để phát triển một ứng dụng văn phòng, hay cạnh tranh với Microsoft, mà mục đích chính của Salesforce là lớn hơn rất nhiều, đó là điện toán đám mây và AI. Trước đó, Salesforce đã chi hơn 1 tỷ USD để mua lại Radian6 và Buddy Media Cloud Marketing. Nhiều công ty công nghệ cũng muốn sở hữu đám mây riêng để nhằm hỗ trợ cho các dịch vụ nền tảng của mình, điển hình trong đó là việc Samsung mua lại Joyent, một công ty Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây. Việc mua lại Joyent có thể giúp Samsung độc lập điều hành các ứng dụng di động, IoT hay kho lưu trữ của riêng mình.

Sự trỗi dậy của các cựu vương

Điện toán sương mù- sự trỗi dậy của các cựu vương

Con đường nào dành cho những cựu vương như HP, Cisco, IBM, hay Dell- EMC, đó chính là điện toán phân tán hay còn gọi là điện toán sương mù (fog computing). Khác với điện toán đám mây, hệ thống sương mù bao gồm nhiều máy tính đặt khắp nơi thay vì tập trung vào một vài trung tâm dữ liệu khổng lồ. Điều đó đồng nghĩa với những mạng siêu máy tính nằm rải rác và giúp những sản phẩm cốt lõi của các cựu vương này gia tăng doanh số. Việc khởi xương điện toán sương mù cũng giống như tạo xu hướng, không có ai có thể đảm bảo điều này sẽ thành công nhưng ngành điện toán không phát triển theo đường thẳng một cách tuyệt đối. Trước đó, điện toán phân tán đã được biết đến bởi Sun Microsystem, tuy nhiên kể từ năm 2009 sau khi sát nhập Oracle thì dường như khái niệm này đã bị lãng quên. Có thể đó là một trong những lý do mà Oracle hiện vẫn còn đang nằm ở Top cuối trong cuộc đua lên đám mây.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận