Đi tìm lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung

Đi tìm lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung

Ngày 31/8, Vườn Ươm doanh nghiệp Đà Nẵng phối hợp với ISEV (Đề án 844 của Chính phủ) tổ chức hội thảo khoa học "Đi tìm lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung” với sự tham gia của đại diện các doanh nhân, chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp và gần 100 startup, các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc khuôn khổ nhiệm vụ 4 đề án 844 “Nâng cao năng lực cá nhân quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức đầu tư vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của Bộ Khoa học - Công nghệ.

Đi tìm lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung

Các diễn giả chía sẻ tại Hội thảo "Đi tìm lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo miền Trung"

Ông Nguyễn Phạm Hà Minh, Giám đốc Dự án SIHUB 2020 cho rằng, lợi thế cạnh tranh đem lại từ các cụm ngành, trong đó xác định vai trò quan trọng của cơ quan nhà nước. Ông Minh đơn cử trường hợp Thành phố Chun Cheon (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc). Trước 1995, Thành phố Chuncheon không có bất cứ triển vọng nào cho phát triển công nghiệp. Sau 1995, chính quyền Thành phố Chuncheon đã hoạch định chọn ngành công nghiệp sinh học là mũi nhọn phát triển cho thành phố này, thể hiện qua việc xây dựng các chính sách hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cũng như xây dựng hệ sinh thái về ngành công nghiệp sinh học. Tầm nhìn hoạch định phát triển cụm ngành công nghiệp sinh học của Chính phủ Hàn Quốc và chính quyền tỉnh Gangwon đã thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương. Từ 2011 đến nay ngành công nghiệp sinh học đã tăng trưởng thành công thể hiện qua số lượng công ty công nghiệp sinh học phát triển lên đến 100, trong đó có 3 công ty được niêm yết trên sàn KOSDAQ.

Đại diện đến từ Đại học Duy Tân đặt vấn đề, đà Nẵng vừa được Giải thưởng ASOCIO Smart City Award 2019 vinh danh, ghi nhận những nỗ lực của  Đà Nẵng trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đưa Đà Nẵng thành một trong những thành phố đáng sống nhất tại Việt Nam. Vậy CNTT có phải là lợi thế cạnh tranh của thành phố Đà Nẵng hay không?

Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã xác đinh CNTT là một trong 6 lĩnh vực mũi nhọn phát triển của thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1999, Thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết phát triển CNTT, xây dựng và phát triển hạ tầng CNTT tương đối tốt, … Hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực này cũng được các Doanh nghiệp Đà Nẵng phát huy. Tuy nhiên, đến thời điểm này Đà Nẵng vẫn chưa có sản phẩm chủ lực cũng như doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.

“Để xác định lĩnh vực nào là lợi thế cạnh tranh cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng, cần có sự vào cuộc của chính quyền Thành phố trong việc ban hành chính sách ưu tiên cho các nhóm ngành, làm cơ sở để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển nhanh và mạnh hơn nữa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi phong cách khởi nghiệp, mở rộng sự kết nối, hợp tác để khởi nghiệp thành công”, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận