Điều khiển đèn trong nhà bằng smartphone và giọng nói chỉ với 4 triệu đồng

Điều khiển đèn trong nhà bằng smartphone và giọng nói chỉ với 4 triệu đồng

Không đục đẽo, kéo dây lằng nhằng

Vấn đề kiểm soát ánh sáng căn nhà và bật mở các thiết bị khác trong nhà luôn tìm ẩn trong suy nghĩ của tôi khi sửa sang lại căn nhà. Vẫn như thường lệ, tôi săn hàng trên internet để “đọ” cấu hình, giá và các tính năng. Khi tìm kiếm, quả thực thị trường này cực kỳ sôi động với rất nhiều thương hiệu, từ cao cấp cho đến bình dân, muôn hình vạn trạng.

Tuy nhiên, dựa trên nhu cầu của mình, tôi tìm đến một giải pháp với bộ kết nối trung tâm và 4 công tắc cảm ứng, có kết nối qua sóng RF (tần số vô tuyến) với giá thành vào khoảng 4,1 triệu đồng.

Bộ điều khiển trung tâm
Bộ điều khiển trung tâm

Điều quan tâm nhất của tôi đó là hệ thống điều khiển trung tâm làm sao để có thể tương thích với các thiết bị trong nhà, và có khả năng mở rộng kết nối với các thiết bị điều khiển bằng giọng nói sau này như Amazon Alexa hay Google Home mini… Hệ thống trung tâm mà tôi mua của Broadlink có giá khoảng 550 ngàn đồng, nó có khả năng kiểm soát các công tắc thông qua sóng RF, có thêm hồng ngoại để điều khiển mở máy lạnh, TV, quạt…

Sau khi có bộ điều khiển trung tâm, tôi lựa chọn thêm 4 công tắc cảm ứng kết nối qua sóng RF với giá 2,8 triệu đồng, tức một công tắc vào khoảng 700 ngàn đồng.

Công tắc cảm ứng được điều khiển qua sóng RF
Công tắc cảm ứng được điều khiển qua sóng RF

Điều tôi khá thích thú với các hệ thống điều khiển trung tâm hiện nay đó là khả năng kết nối cực nhanh và thiết kế nhỏ gọn. Chỉ cần tải về một ứng dụng kết nối trên smartphone, cấm điện vào hệ thống trung tâm và chọn kết nối, hai thiết bị tự đồng bộ trong khoảng chưa đến 5 phút. Như vậy là xong phần kết nối để điều khiển các thiết bị trong nhà.

Tiếp đến là việc lắp đặt các công tắc. Tôi tắt hết nguồn điện trong nhà, tháo công tắc cũ ra và gắn dây điện tương tự như công tắc cũ sang mới một cách dễ dàng. Việc làm này không đòi hỏi quá nhiều kiến thức về điện vì hệ thống điện cũ đã được chạy sẵn dây, người dùng chỉ cần gắn đúng dây từ hệ thống cũ sang hệ thống công tắc mới, vì chúng tương đồng nhau.

Quá trình lắp đặt 4 công tắc điều khiển vào khoảng nửa tiếng và sau hoàn tất, người dùng chuyển sang kết nối chúng lại với nhau.

Mở đèn tự động thông qua smartphone một cách dễ dàng

Như vậy, tôi không cần phải câu dây, cắt dây nên việc lắp đặt rất đơn giản. Tôi nghĩ ai cũng có thể làm được một cách dễ dàng với những hệ thống kết nối này.

Mở ứng dụng kết nối hệ thống trung tâm, người dùng chọn thêm công tắc thiết bị, thao tác ngay trên công tắc đã gắn, giữ 5 giây để thiết bị trung tâm nhận ra và bấm kết nối. Trên ứng dụng sẽ hiện ra 3 nút công tắc nếu như người dùng gắn bộ công tắc 3 gang. Ứng dụng cho phép tắt mở cùng lúc 3 đèn, tắt mở từng đèn và độ trễ mà tôi cảm nhận được chưa tới 1 giây, khá nhanh.

Mở đèn thông qua smartphone
Mở đèn thông qua smartphone

Tiếp tục với thao tác đó cho các công tắc khác, người dùng có thể đặt tên cho từng căn phòng để điều khiển đèn một cách dễ dàng.

Hệ thống trung tâm này cũng cho phép điều khiển các thiết bị ngoại vi khác như TV, máy lạnh… Nhưng yêu cầu chúng có thể nhìn thấy nhau trong phạm vi nhỏ hơn, vì hệ thống này điều khiển các thiết bị ngoại vi qua sóng hồng ngoại. Cách thiết lập cũng tương tự, chọn TV, máy lạnh và bấm kết nối chúng lại với nhau.

Lắp thêm điều khiển giọng nói

Tôi mua thêm một trợ lý ảo Google Home mini có giá 850 ngàn đồng. Đây là mẫu loa thông minh, ngoài khả năng phát nhạc còn có thể ra lệnh giọng nói để hỏi các thông tin và điều khiển ngôi nhà.

Ra lệnh mở đèn bằng giọng nói

Google hỗ trợ khá nhiều nhãn hàng để kết nối vào hệ thống smarthome của hãng, trong đó có hệ thống trung tâm mà tôi mua. Việc kết nối cũng khá đơn giản, chỉ cần chọn đúng tên nhà cung cấp, đăng nhập tài khoản và tất cả các đèn trong nhà đều hiển thị trên danh sách của Google Home.

Google Home mini
Google Home mini

Việc còn lại đó là chúng ta ra lệnh để mở đèn, tôi đặt tên đèn ngay ghế Sofa là “Sofa”. Khi ra lệnh qua thiết bị, tôi nói: “Ok Google, Turn on Sofa”, đèn này sẽ hiểu lệnh và tự sáng. Khá tiện lợi và độ trễ thấp.

Những tiện lợi

Điều tôi thấy tiện lợi nhất đó là việc tắt mở đèn từ xa. Nếu gia đình tôi đi chơi xa nhưng quên bật đèn để tránh sự dòm ngó bên ngoài. Tôi có thể bật chúng dễ dàng, lựa chọn đèn để bật thông qua smartphone có kết nối mạng. Hay chẳng hạn, trước khi về nhà, tôi có thể ra lệnh đèn tự sáng để thấy đường mở cửa, mở sẵn máy lạnh để căn phòng mát mẻ trước khi bước chân vào nhà.

Dễ dàng mở đèn ở bất cứ mọi nơi
Dễ dàng mở đèn ở bất cứ mọi nơi

Hay trong đêm khuya, lọ mọ dậy để mở đèn, người dùng có thể dùng ngay smartphone, điều khiển mở đèn dễ dàng, hoặc ra lệnh ngay cho Google Home bằng giọng nói.

Ngoài ra, thông qua hệ thống trung tâm, người dùng còn có thể gắn thêm các thiết bị khác như điều khiển rèm, camera an ninh, hệ thống báo động cửa…

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều sản phẩm, người dùng cần xem kỹ chất lượng, xuất xứ và giá cả trước khi quyết định mua sắm. Nếu tiết kiệm hơn, người dùng nên tự lựa chọn cho mình các sản phẩm và lắp đặt, sẽ tiết kiệm được kha khá chi phí.

Gia Hưng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận