Doanh nghiệp CNTT vẫn “ngóng” chính sách ưu đãi thuế và nhân lực

Doanh nghiệp CNTT vẫn “ngóng” chính sách ưu đãi thuế và nhân lực

Doanh nghiệp CNTT vẫn “ngóng” chính sách ưu đãi thuế phát triển ngành đi vào cuộc sống

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ưu tiên thực hiện nội dung quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao để tăng niềm tin, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ (Ảnh minh họa: Internet).

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2019 của Bộ TT&TT được tổ chức hôm qua, ngày 13/2, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VCCorp đã đề nghị Bộ TT&TT làm việc với Bộ Tài chính để quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ được áp dụng. “Nhà nước đã có chủ trương về vấn đề này nhưng chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể nên chính sách chưa được triển khai trong thực tế”, ông Nguyễn Thế Tân nói.

Kiến nghị này nhiều lần được đại diện lãnh đạo Hiệp hội nghề nghiệp về CNTT, đại diện Sở TT&TT cũng như lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đưa ra trong các diễn đàn, hội thảo của ngành thời gian vừa qua.

Cụ thể, vào cuối tháng 1/2019, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 154/2013/NĐ-CP quy định về khu CNTT tập trung và 4 năm triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Bộ TT&TT tổ chức ở Hà Nội, đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách ưu đãi thuế với doanh nghiệp, nhân lực ngành CNTT theo quy định tại Nghị quyết 41 cùng được đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Đà Nẵng và Công viên Phần mềm Quang Trung nêu ra.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch chia sẻ : “Nghị định 41/2016 của Chính phủ đã quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho người làm CNTT nhưng cho đến thời điểm  hiện tại vẫn chưa áp dụng được. Chính sách này chưa đi vào thực tế nên vì thế chưa kích cầu phát triển nhân lực CNTT được”. Theo số liệu thống kê của Sở TT&TT Đà Nẵng, hiện nay toàn Thành phố có hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực CNTT, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, gia công phần mềm; thiết kế vi mạch; tư vấn tích hợp giải pháp, đào tạo, kinh doanh dịch vụ CNTT… với tổng số trên 25.000 lao động.

 Còn với Công viên Phần mềm Quang Trung – khu CNTT tập trung thành lập đầu tiên và cũng được đánh giá thành công nhất ở Việt Nam, hiện có 160 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT và các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động, theo nhận định của Giám đốc Lâm Nguyễn Hải Long, để góp phần tạo môi trường cho công nghệ Việt sáng tạo, thu hút nhân lực cho các khu CNTT tập trung nói riêng và ngành CNTT nói chung, thì việc triển khai chính sách ưu đãi, giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực công nghệ cao làm trong lĩnh vực CNTT cũng là một yếu tố quan trọng.

“Để thu hút nguồn nhân lực và nâng cao khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác, tháng 5/2016 Chính phủ đã có Nghị quyết 41 giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho những người có trình độ, kỹ năng trong lĩnh vực CNTT nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực tế được vì nhiều nguyên nhân. Kiến nghị Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có ưu tiên thực hiện nội dung này để tăng niềm tin, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp công nghệ. Trước mắt là tập trung thí điểm cho các khu CNTT tập trung”, ông Lâm Nguyễn Hải Long đề nghị.

Trước đó, hồi cuối năm 2017, thời điểm Bộ TT&TT tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT 2006, Luật sư Lê Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) thẳng thắn chỉ rõ: “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT vẫn có một số tồn tại. Đơn cử như, chính sách ưu đãi về thuế với doanh nghiệp CNTT theo quy định tại Nghị quyết 41 của Chính phủ vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa được triển khai vào thực tiễn để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển ngành và thúc đẩy ứng dụng CNTT”.

Nghị quyết 41 về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam được Chính phủ ban hành tháng 5/2016 nhằm mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CNTT trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo Nghị quyết 41, thu nhập từ các dự án sản xuất nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm …sẽ được áp dụng mức thuế đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong vòng 15 năm đối với doanh nghiệp mới thành lập). Nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT cũng sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận