Gặp khó khăn chồng chất, Tổng công ty VTC chậm cổ phần hóa

Gặp khó khăn chồng chất, Tổng công ty VTC chậm cổ phần hóa

Gặp khó khăn chồng chất, Tổng công ty VTC chậm cổ phần hóa

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng. Ảnh VTC cung cấp.

Theo nguồn tin từ Tổng công ty VTC, ngày 12/7/2019 Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tham dự hội nghị.

Lép vế với các đối thủ nước ngoài, doanh thu giảm 46%

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng giám đốc Đàm Mỹ Nghiệp cho biết, Tổng công ty VTC tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lép vế trước các đơn vị có yếu tố nước ngoài, các đơn vị này đã liên tục đưa ra chính sách mạnh tay nhằm cạnh tranh và thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Không những cạnh tranh về khách hàng, về doanh số, các doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh về chi phí, trong đó có chi phí về bản quyền nội dung quảng cáo... Trong khi họ có nguồn sản phẩm và nền tảng kỹ thuật tốt, các đơn vị này đang nắm quyền chủ động, chi phối thị trường. Thực trạng trên đẩy các đơn vị vừa và nhỏ như Tổng công ty VTC đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Gặp khó khăn chồng chất, Tổng công ty VTC chậm cổ phần hóa

Tổng giám đốc Đàm Mỹ Nghiệp báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2019.

Trong khi đó, Tổng công ty VTC với nguồn lực hạn chế đã gặp không ít khó khăn trong việc nâng cấp, cải thiện chất lượng dịch vụ, cũng như tiếp cận và triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng. Dẫn đến tình hình kinh doanh đi xuống, trong khi các định hướng kinh doanh mới chưa rõ ràng, khiến Tổng công ty gặp khó trong việc giữ chân các nhân sự có chất lượng.  

Một khó khăn khác là công tác bàn giao Đài VTC kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc chưa được phê duyệt cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền đã dẫn đến các chỉ tiêu tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổng công ty VTC không thể thực hiện và có diễn biến không tốt. Nguồn lực giảm sút, quy mô nhỏ lại, tài chính thu hẹp, dòng tiền hạn chế khiến Tổng công ty VTC gặp nhiều trở ngại trong việc tìm đường hướng phát triển. Sự biến động của thị trường kinh doanh ngày càng khó lường, rủi ro tăng lên, trong khi đó VTC lại không có vốn chủ sở hữu nên phải cắt giảm nhiều loại chi phí trong đó có chi phí đầu tư, chi phí nhân sự...

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, về doanh thu công ty mẹ đạt 694 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch năm, giảm 39% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 6,6 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2018. Nộp ngân sách nhà nước đạt 86 tỷ đồng, hoàn thành 51% kế hoạch năm và giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018.

Chậm cổ phần hóa doanh nghiệp

Cũng theo Tổng giám đốc VTC, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục chậm, nguyên nhân là Đài VTC chưa có phương án trả nợ, nhiều tồn tại chưa được giải quyết, các chỉ tiêu tài chính ngày một xấu dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, một công đoạn quan trọng để cổ phần hóa. Bên cạnh đó, việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước của Tổng công ty VTC từ Bộ TT&TT sang Tổng công ty SCIC chậm so với dự kiến.

Một số sản phẩm, dịch vụ truyền thống như game Audition, VTC Pay, quảng cáo trực tuyến, dịch vụ truyền hình trả tiền, truyền dẫn vệ tinh của VTC tiếp tục duy trì hoạt động có doanh thu và tập khách hàng tốt. Hệ thống phân phối và hệ thống thanh toán của VTC  phát huy tốt hiệu quả hoạt động, qua đó hạn chế mức độ ảnh hưởng của việc dừng kênh gạch thẻ Telcos. Một số sản phẩm game mới ra mắt có tín hiệu kinh doanh tốt, như cầu kết nối dịch vụ của các đối tác trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán và dịch vụ game đang mở ra cơ hội kinh doanh mới cho VTC.

Tìm cách ngăn chặn đà suy giảm

Về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm: Tổng công ty VTC sẽ đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm, cũng như tiết kiệm tối đa chi phí, duy trì hiệu quả. vượt qua chu kỳ kinh doanh hiện tại. Nghiên cứu thử nghiệm và chuẩn bị các sản phẩm dịch vụ mới, sẵn sàng triển khai kinh doanh khi có cơ hội. Hoàn thiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2019 - 2025 tập trung đánh giá các nguồn lực hiện tại, các cơ hội kinh doanh trong tương lai, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro trong công tác bàn giao tài chính với Đài VTC. Giải quyết dứt điểm việc chia tách Đài VTC, cũng như làm các thủ tục chuyển quyền đại diện vốn về SCIC, tiếp tục thực hiện các bước để cổ phần hóa.

Một số giải pháp cụ thể về nội dung số là đàm phán, gia hạn các sản phẩm game kinh doanh có hiệu quả; tìm kiếm sản phẩm có chất lượng, hợp tác phát hành với các đối tác lớn; tăng độ phủ và tối ưu chi phí đầu vào của thẻ Vcoin, Scoin; phát triển và tạo ưu thế nội dung để kinh doanh trên nền tảng Facebook, YouTube. Duy trì phát triển thuê bao dịch vụ truyền hình vệ tinh, phát triển thuê bao truyền hình giá rẻ, phát triển thị trường ở các địa bàn huyện, xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Hợp tác với các đài, đối tác xã hội hóa phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng vệ tinh. Đồng thời, cung cấp thêm các giải pháp giá trị gia tăng trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Cải thiện chất lượng, tạo sức hút của dịch vụ truyền hình đối ngoại...

Đối với lĩnh vực viễn thông, duy trì tập khách hàng, ổn định doanh thu, phát triển dịch vụ truyền dẫn, đảm bảo chất lượng PTTH trên mạng Internet giai đoạn 2018 - 2020 và các phương án khai thác sau năm 2020. Phát triển khách hàng doanh nghiệp đối với dịch vụ thoại cố định, xây dựng kênh phân phối bán hàng đến người tiêu dùng, phát triển mở rộng hạ tầng, thúc đẩy kinh doanh các sản phẩm mới như iProtect... Cũng như tối ưu hóa nhân sự, chi phí tài chính hợp lý, quản lý và khai thác tài sản hiện có nhằm tăng thêm nguồn thu... 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận