Giải mã sức hút để VinaPhone nhảy vào “chảo lửa” OTT bằng thương hiệu Karo

Giải mã sức hút để VinaPhone nhảy vào “chảo lửa” OTT bằng thương hiệu Karo

Giải mã sức hút để VinaPhone nhảy vào “chảo lửa” OTT bằng thương hiệu Karo

thị trường "khốc liệt" với nhiều OTT

Năm 2013 đã chứng kiến sự bùng nổ của các ứng dụng OTT chat trên smartphone ở Việt Nam với sự tham chiến từ Line, Viber, Kakao Talk, Zalo… khi tràn ngập quảng cáo các ứng dụng này trên mạng xã hội, xe bus, sân bay hay thậm chí trên TVC quảng cáo giờ vàng của VTV. Sau thời điểm này, năm 2014 cũng chứng kiến sự gia nhập thị trường của một số tên tuổi mới như Beetalk hay Btalk. Kết quả trên trang thống kê ứng dụng Appannie đã cho thấy rõ điều này khi các ứng dụng OTT như Line, Kakao Talk , Viber, Zalo… đều có vị trí cao trong bảng xếp hạng ứng dụng Việt Nam và lên xuống giữa các vị trí top đầu khi có sự cạnh tranh cao độ giữa các ứng dụng.

Đã có thời kỳ, Kakao Talk bắt đầu lọt vào top 10 ứng dụng tải nhiều nhất ở Việt Nam vào cuối tháng 1/2013 sau sự cố “đường lưỡi bò” của WeChat nhưng sau đó “rớt đài” khi liên tục vấp phải sự cạnh tranh của những đối thủ khác như Line, Zalo, Viber… Sau đó là quãng thời gian “tụt dốc” nhất là khi mối lương duyên giữa Kakao Talk và VTC Online đã chấm dứt vào cuối năm 2013. Đến tháng 11/2016, Kakao Talk nằm ngoài Top 500 ứng dụng tải nhiều nhất ở Việt Nam trên Android và Top 300 ứng dụng trên iOS.

Tương tự như Kakao Talk, quãng thời gian hoành tráng nhất của Line là khoảng tháng 2-3/2013 khi nằm trong Top 5 kho ứng dụng Android và Top 10 ứng dụng iOS. Sau đó, ứng dụng này cũng thoái trào và đến nay thì Line thường xuyên là “khách quen” trong vị trí Top 50 của cả 2 kho tải Android và iOS.

Biểu đồ lượt tải của trang thống kê ứng dụng Appnnie cho thấy, sau năm 2013 đầy sôi động của thị trường OTT chat nước ngoài, các ứng dụng bắt đầu có xu hướng “đuối dần”, khi năm 2014 chỉ còn Viber tiếp tục cuộc đua. Minh chứng cho việc này là KakaoTalk đã chấm dứt mối lương duyên với VTC Online cuối năm 2013 hay Viber đóng cửa văn phòng đại diện ở Việt Nam vào tháng 7/2015.

Cuối năm 2014, VinaPhone đã chính thức ra mắt ứng dụng VietTalk và trở thành mạng di động đầu tiên đưa OTT ra thị trường. Theo đó, ứng dụng hoạt động giống như một SIM ảo cho phép người dùng nhắn tin gọi điện miễn phí trong ứng dụng và nhắn tin với mức phí thấp hơn đáng kể với các thuê bao không sử dụng ứng dụng. Tháng 4/2015, Viettel cũng ra mắt ứng dụng chat Mocha với các tính năng như chuyển tiền, SMS Out cho phép nhắn tin khi ngoại mạng, cùng nghe nhạc… MobiFone là nhà mạng “chậm chân” nhất khi phải đến cuối năm 2015 mới chính thức cung cấp tới khách hàng ứng dụng gọi điện thoại, nhắn tin qua sóng Wi-Fi với tên gọi WiTalk.

Như vậy, dù vẫn có các ứng dụng xuyên biên giới như Viber, Line, Kakao Talk hay ứng dụng của nhà mạng như Mocha, VietTalk hay WiTalk thì dường như cuộc chiến OTT chat hiện giờ chỉ còn là cuộc đua chính giữa Zalo và Facebook Messenger. Mới đây, Zalo đã công bố có 80 triệu thành viên. Bên cạnh việc trở thành công cụ liên lạc hằng ngày của người Việt, Zalo hiện là một phương thức hiệu quả trong cải cách hành chính, là kênh tương tác và tiếp cận khách hàng thuận tiện của doanh nghiệp và là nền tảng kinh doanh giàu tiềm năng trên di động.

Vì sao VinaPhone nhảy vào chảo lửa OTT?

Bình luận về vấn đề này, đại diện VinaPhone khẳng định họ không đi theo hướng các OTT truyền thống như Viber, Zalo mà sẽ đi theo hướng xây dựng OTT cho doanh nghiệp. Theo khảo sát, ứng dụng OTT cũng có khuyết điểm như kết nối không ổn định, độ bảo mật, riêng tư kém, quá nhiều quảng cáo và chưa hiệu chỉnh theo đúng nhu cầu của người dùng. Do đó, việc một ứng dụng vừa mang hình thức OTT, vừa giúp cho doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ truyền thông và giải trí cộng thêm theo mô hình mạng xã hội doanh nghiệp riêng biệt, linh hoạt và an toàn là điều cần thiết.

Một cách quen thuộc nhất, chúng ta có thể nhìn thấy các ứng dụng khá phổ biến với người dùng Việt Nam như Zalo, Viber, LINE, Skype, Mocha… Với quyền truy cập sâu vào danh bạ, bộ nhớ thiết bị, các ứng dụng này cho phép người dùng có thể “nhận diện” được những người quen, bạn bè dùng chung ứng dụng để liên hệ với nhau, giúp tiết giảm chi phí liên lạc. Bên cạnh đó, các ứng dụng này cho phép chạy song hành trên điện thoại, máy tính bảng/PC, laptop/smart TV… nên người dùng có thể dễ dàng gửi – nhận file mọi lúc mọi nơi một cách rất thuận tiện. Chính vì thế, không chỉ thu hút lượng người dùng cá nhân, hiện nay trong khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng phổ biến hiện tượng “send file” hết sức vô tư qua các ứng dụng OTT thông thường này.

Thực tế cho thấy, vì là ứng dụng “miễn phí” nên các app OTT này vẫn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, theo khảo sát người dùng không hài lòng về các ứng dụng OTT ở những điểm như: Kết nối không ổn định, độ bảo mật và riêng tư kém, quá nhiều quảng cáo, không phù hợp với người dùng… Tuy nhiên, để giữ liên lạc với cộng đồng hoặc cho rằng đây là sự tất yếu của việc “miễn phí” nên nhiều người sẵn sàng chấp nhận sử dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thông tin cá nhân như tiết lộ vị trí theo thời gian thực, bị thu thập thông tin hành vi người dùng cùng danh bạ, các liên hệ thường xuyên… Đây cũng có thể để cho các đối tượng xấu bị lợi dụng để phát tán virus hoặc để phát tán các thông tin về doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nơi họ làm việc.

“Hiện nay, mảng ứng dụng OTT cho doanh nghiệp không có doanh nghiệp Việt Nam nào cung cấp dịch vụ. Nếu chúng tôi nhảy vào lĩnh vực này sẽ tạo ra sự khác biệt. Hơn nữa, VNPT VinaPhone có kinh nghiệm xây dựng những tính năng ứng dụng cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp. VNPT cũng đã cung cấp dịch vụ tổng đài ảo, dịch vụ bảo mật nội dung, xác thực OTP, truyền hình hội nghị… Đây là những tính năng khác biệt với các OTT đang cung cấp mà cũng là thế mạnh của VNPT” đại diện VNPT VinaPhone nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận