Viettel bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu từ những năm 2010, khi doanh nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với hàng chục triệu khách hàng trong nước, quốc tế và bắt đầu chuyển sang nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) - đã có những chia sẻ về hành trình đáng nhớ này.
"Nỗi đau" khi tiến hành chuyển đổi số
- Trước khi triển khai Data Lake cho khách hàng, bản thân Viettel đã phát triển hệ thống dữ liệu nội bộ ra sao?
- Chúng tôi bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu từ 2010. Trong quá trình điều hành, lãnh đạo Viettel phân tích rất sâu và có nhiều câu hỏi xoáy, ví dụ như khu vực nào đang kinh doanh tốt, kinh doanh tốt cái gì, cái gì đang không tốt, không tốt vì sao... Lãnh đạo Viettel đưa ra nhiều câu hỏi khó không thể dùng kinh nghiệm để trả lời được. Việc phát triển hệ thống dữ liệu lúc này là nhu cầu bức thiết, phải làm thế nào để thu thập dữ liệu, khai thác dữ liệu thành các thông tin có ý nghĩa để ra quyết định dựa trên thông tin đó.
Thời điểm đó, chúng tôi bắt đầu thuê các đơn vị tư vấn với câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu thập, khai thác được dữ liệu. Chúng tôi đã lựa chọn 1-2 nghiệp vụ cơ bản, các chuyên gia hỗ trợ chúng tôi xây dựng công cụ và chuyển giao toàn bộ quy trình, từ quy trình của các đơn vị kỹ thuật cho đến các đơn vị nghiệp vụ kinh doanh quản lý, quản trị ra sao, nên nhìn ở góc nhìn thế nào, đánh giá hệ thống kỹ thuật, sử dụng dữ liệu như thế nào… Quá trình đào tạo để các đơn vị hiểu và sử dụng được một cách hiệu quả dữ liệu cũng mất thời gian. Chúng tôi mất tới 2 năm cho việc này.
- Sau này, khi triển khai Data Lake cho khách hàng, Viettel nhận thấy những vấn đề trong việc vận hành, quản lý mà các doanh nghiệp thường gặp phải là gì?
- Viettel tiến hành khảo sát một số công ty và rút kinh nghiệm từ chính hiện trạng của Viettel trước khi triển khai các hệ thống dữ liệu. Vấn đề thường gặp là trong quá trình số hóa, các công ty xây dựng rất nhiều phần mềm khác nhau. Thậm chí, mỗi một phòng ban bộ phận, từ đầu tư, tài chính, nhân sự, quản lý khách hàng… đều có phần mềm quản lý riêng của họ.
Sự kết nối giữa các phần mềm này lỏng lẻo, dẫn đến việc các quy trình hoạt động, tương tác bị chồng chéo. Với một số khách hàng Viettel khảo sát, cùng một thông tin có khi lại phải nhập lên 2, thậm chí 3 phần mềm khác nhau.
Thứ hai, khi có nhu cầu tổng hợp dữ liệu liên bộ phận cũng rất vất vả. Mỗi bộ phận xuất dữ liệu từ hệ thống của mình, tổng hợp lại, gửi về một nơi, rồi mới tổng hợp phân tích. Các thao tác thủ công gây tăng tải rất nhiều bởi một việc có thể bị làm đi làm lại ở nhiều nơi.
Vấn đề tiếp theo là không chia sẻ được thông tin giữa các bộ phận với nhau. Cùng một thông tin, mỗi bộ phận lại có một nguồn số liệu khác nhau, các định nghĩa số liệu có thể khác nhau dẫn đến khi trao đổi thông tin không đồng nhất, thiếu chính xác, khó để hỗ trợ việc ra quyết định.
- Doanh nghiệp có những đặc điểm nào thì nên nghĩ đến triển khai Data Lake - hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu, báo cáo điều hành thông minh?
- Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào cũng cần dữ liệu, không doanh nghiệp nào có thể nói là không cần hệ thống dữ liệu được. Tuy nhiên trước mắt, hệ thống dữ liệu sẽ cần kíp với những đơn vị có số lượng khách hàng hoặc số lượng nhân sự lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, hay là các doanh nghiệp đa ngành.
Trong quá trình số hóa, các công ty sử dụng nhiều phần mềm khác nhau. Thậm chí, mỗi phòng ban, bộ phận lại có phần mềm quản lý riêng.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions
Việc ứng dụng dữ liệu sẽ giúp tối ưu chi phí hiệu quả. Ví dụ, những công ty có đến hàng nghìn nhân công, nếu như tối ưu được quy trình tương tác này, chi phí sẽ được tối ưu hơn nhiều. Hay đối với những đơn vị có tập khách hàng lớn, lên đến hàng chục triệu khách hàng như Viettel, việc có một hệ thống dữ liệu được quản trị khoa học, chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng hơn, nâng cao trải nghiệm cho người dùng và góp phần tăng doanh thu.
Một trường hợp mà chúng tôi mới triển khai gần đây là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - Rạng Đông. Hệ thống dữ liệu được quản trị khoa học, chuyên nghiệp giúp Rạng Đông kết nối từ khâu đầu vào nguyên liệu sản xuất đến các dây chuyền, nhà máy sản xuất khác nhau, cho đến sản phẩm, kênh phân phối và đến tay khách hàng. Với Data Lake, Rạng Đông có thể có góc toàn cảnh hơn.
Ví dụ, khi nhập nguyên liệu đầu vào, nhìn trên dữ liệu họ nhập từ đối tác này thì sản phẩm đầu ra chất lượng ra sao, tỷ lệ hỏng hóc cao hay thấp, từ đó tối ưu quá trình nhập. Hay cùng một nguyên liệu, sản phẩm đi qua nhà máy nào thì chất lượng đầu ra tốt nhất, từ đó có thể so sánh được trình độ sản xuất giữa hai nhà máy của họ.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions chia sẻ về tầm nhìn dữ liệu hóa cho doanh nghiệp. |
3 yếu tố cần chuẩn bị để hướng đến "dữ liệu hóa"
- Lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp muốn xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu khoa học và chuyên nghiệp là gì?
- Có ba yếu tố mà doanh nghiệp cần chuẩn bị: Thứ nhất là văn hóa và nhận thức của lãnh đạo, thứ hai là một chiến lược tiếp cận bài bản và thứ ba là có hệ thống số hóa quy trình để có dữ liệu sống, sạch. Rạng Đông là một trường hợp đã làm tốt những điều này.
Về văn hóa và nhận thức, trước khi triển khai, việc đầu tiên bao giờ chúng tôi làm cũng là tư vấn cho lãnh đạo cấp cao. Bởi lẽ, thay đổi văn hóa, cụ thể là tạo ra văn hóa sử dụng dữ liệu thì phải bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất, sau đó mới đi dần xuống lãnh đạo cấp trung.
Trong chuyển đổi số nói chung và trong mảng dữ liệu nói riêng, chúng tôi thường tiếp cận theo hướng chọn ra những vấn đề bức xúc nhất của doanh nghiệp để giải quyết, để doanh nghiệp thấy ngay được nếu ứng dụng chuyển đổi số vào thì công việc của họ tốt hơn thế nào. Từ đấy, họ sẽ có thiện cảm để bắt đầu thay đổi, cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi và chia sẻ với chúng tôi.
Viettel Solutions đã hỗ trợ nhiều khách hàng doanh nghiệp đẩy mạnh số hóa thành công. |
Đối với Rạng Đông, ban lãnh đạo của doanh nghiệp đã nhận thức và xây dựng được cho quản lý cấp trung, cũng như cả công ty văn hóa số tương đối ổn định, nên khi chúng tôi tham gia vào cũng tương đối thuận lợi. Việc sau đó là làm thế nào để chúng tôi có thể nắm bắt, chia sẻ được những kiến thức chuyên ngành và tạo ra giá trị từ đó.
Chuyển đổi số là quá trình tương tác hai chiều rất sâu sát giữa chúng tôi và khách hàng. Chúng tôi có thể có góc nhìn về dữ liệu, nhưng lại không có sự nhạy cảm dữ liệu với góc nhìn của người trong ngành đó.
Liên quan đến chiến lược tiếp cận, hiện nay, quá trình tin học hóa và số hóa của nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo kiểu “thiếu gì thì làm đó”. Nhưng để có thể phát triển bài bản và đồng đều, doanh nghiệp nên có một kiến trúc tổng thể. Doanh nghiệp nên có những phần mềm gì, cần những dữ liệu gì, rồi mới phát triển.
Cuối cùng, về hệ thống số hóa, thông thường đối với những đơn vị chưa bắt đầu chuyển đổi số, khi triển khai dự án, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là số hóa và chuẩn hóa lại toàn bộ quy trình để có dữ liệu. Còn với Rạng Đông, khi bắt đầu triển khai Data Lake, chúng tôi không phải xây dựng lại toàn bộ quy trình.
Tóm lại, chuyển đổi số cần bắt tay làm từ việc nhỏ, nhưng tư duy thì cần tổng thể, để sau này lắp ghép các “bức tranh” dữ liệu lại với nhau thì không bị lệch.
Chuyển đổi số cần bắt tay làm từ việc nhỏ, nhưng tư duy thì cần tổng thể.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions
Sau khi đã có dữ liệu rồi, chúng ta sẽ khai thác dữ liệu, tạo ra tri thức và những thông tin có giá trị. Ở giai đoạn này, cần có sự tham gia của các nhà khoa học dữ liệu (data scientist) và chuyên gia phân tích kinh doanh (business analyst). Triển khai hệ thống dữ liệu với bất cứ ngành nghề nào cũng cần người hiểu nghề, hiểu lĩnh vực đó.
2 lợi thế cạnh tranh của Viettel Solutions
- Đối với việc triển khai Data Lake, lợi thế của Viettel so với các nhà cung cấp khác là gì?
- Chúng tôi tự đánh giá mình có hai lợi điểm so với những đơn vị khác trên thị trường.
Thứ nhất là kinh nghiệm. Chúng tôi từng triển khai các dự án cho nội bộ tập đoàn Viettel, cũng như một số khách hàng với cách tiếp cận bài bản như các đơn vị tư vấn quốc tế hàng đầu hiện nay. Những khách hàng của chúng tôi về cơ bản có các vấn đề trong hoạt động quản trị như nhau. Ngay khi khảo sát khách hàng, chúng tôi đã hiểu được và có một số phương án xử lý rồi.
Trong tương lai, dữ liệu cũng như máu của doanh nghiệp. Các hệ thống công cụ dữ liệu cũng quan trọng như mạch máu.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions
Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp sẽ có một đặc thù quản trị riêng. Phía chúng tôi sẽ gợi ý một số cách giải quyết vấn đề và đưa ra góc nhìn tổng thể hơn. Phía khách hàng sẽ bổ sung thêm những đặc thù riêng của họ, để chúng tôi có thể ra được giải pháp phù hợp.
Thứ hai, chúng tôi cũng làm chủ được nền tảng kỹ thuật. Bản thân Viettel đã bắt đầu tiếp cận với khái niệm Data Lake (kho dữ liệu) từ năm 2010 và 2012. Với đặc thù là một doanh nghiệp đa ngành nghề, chúng tôi đã thuê các đơn vị tư vấn trong nhóm Big 4 để tư vấn một chiến lược tiếp cận đúng đắn triển khai các hệ thống. Chúng tôi cũng tổ chức các đội nghiên cứu để làm chủ những nền tảng dữ liệu đó.
Ông Nguyễn Chí Thanh nhận định dữ liệu sẽ là tương lai của doanh nghiệp trong thời đại số. |
- Trong tương lai, liệu Data Lake có trở thành xu hướng mà các doanh nghiệp cần theo đuổi hay không?
Năm 2023 sẽ là “năm dữ liệu số”, và tất cả công ty đều đang nói về chiến lược dữ liệu. Tôi cho rằng dữ liệu cũng là xu thế tương lai. Trong tương lai, dữ liệu cũng như máu của doanh nghiệp. Các hệ thống công cụ dữ liệu cũng quan trọng như các mạch máu vậy. Việc ứng dụng dữ liệu sẽ là xu thế bắt buộc của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: zingnews.vn
Tham gia bình luận