Gismasys: Chuyển đổi số không đến từ việc doanh nghiệp triển khai thêm phần mềm

Gismasys: Chuyển đổi số không đến từ việc doanh nghiệp triển khai thêm phần mềm

“Tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp với Chuyển đổi số” / Gismasys: Chuyển đổi số không đến từ việc doanh nghiệp triển khai thêm phần mềm

Hội thảo chủ đề “Tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp với Chuyển đổi số” vừa được Gismasys phối hợp cùng Google Cloud và Oracle Netsuite tổ chức tại TP.HCM (Ảnh Gismasys cung cấp)

Chia sẻ trên được chuyên gia Gismasys - đối tác về Cloud của Google tại Việt Nam cho biết tại hội thảo “Tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp với Chuyển đổi số” mới được đơn vị này phối hợp cùng Google Cloud và Oracle Netsuite tổ chức cuối tháng 9/2018 vừa qua tại TP.HCM.

Theo nhận định của các chuyên gia, sức ép của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng như những thay đổi không ngừng trong môi trường kinh doanh đã và đang tác động rất lớn tới mỗi doanh nghiệp. Môi trường cạnh tranh bất biến khó lường, khách hàng ngày càng chủ động và nắm nhiều quyền lực, uy tín thương hiệu không còn là "bùa hộ mệnh" cho chất lượng, vị trí địa lí không còn là rào cản đối với giao dịch. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp có thể củng cố và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình?

Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định, chắc chắn không có một mẫu số chung cho tất cả, nhưng trước khi nghĩ đến việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng hay tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới, doanh nghiệp cần tự nhìn vào bên trong và thay đổi chính mình. Năng lực vận hành xuất sắc chính là nguồn lợi thế cạnh tranh đặc biệt và là điều kiện tiên quyết để bắt đầu bất kì chiến lược chuyển đổi nào.

Khi chưa có được một khái niệm rõ ràng, chuyển đổi số thường được đánh đồng với việc triển khai thêm phần mềm nhằm cải thiện phương thức, tính hiệu quả trong quy trình vận hành. Tuy nhiên, những nỗ lực này thường mang tính chất số hóa (Digitalization) hơn là chuyển đổi số (Digital transformation). Mặc dù có những điểm cải thiện, nhưng về cơ bản chúng không hề thay đổi quy trình vận hành và không mang lại lợi ích bền vững. Thêm vào đó, khi phát triển và phát sinh nhiều yêu cầu, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng ứng dụng công nghệ theo kiểu “chắp vá”, không kết hợp chặt chẽ về mặt chiến lược và cũng khó tận dụng được lợi ích của việc tích hợp giữa những lớp ứng dụng.

Cũng trong chia sẻ tại hội thảo “Tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp với Chuyển đổi số”, chuyên gia Gismasys nhận định, trên thực tế, chuyển đổi số thực sự không đến từ việc triển khai thêm phần mềm, mà từ cách doanh nghiệp thay đổi vận hành để nắm bắt được những cơ hội và lợi ích đến từ những đổi mới công nghệ này.

Ông Trần Việt Dũng - Trưởng bộ phận kĩ thuật Google của Gimasys cho rằng: “Trong kỉ nguyên số, chắc chắn mỗi doanh nghiệp sẽ đều tìm kiếm cho mình những giải pháp công nghệ nhất định. Để cạnh tranh hiệu quả, doanh nghiệp cần chú trọng không chỉ phần “core business” (tức phần lõi mang đến sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng) mà cả phần “software layer” - những nền tảng công nghệ mà qua đó khách hàng tương tác với doanh nghiệp, như API, email, ứng dụng trên điện thoại... ”.

Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Phạm Ánh Dương - Trưởng phòng Giải pháp Oracle NetSuite cho hay: “Doanh nghiệp cần xác định được đâu là thời điểm cần chuyển đổi để tối ưu hóa quy trình vận hành của mình. Khi doanh nghiệp buộc phải thay đổi, hay nói cách khác, khi sự thay đổi của các yếu tố bên ngoài nhanh hơn sự thay đổi nội tại, lúc đó đã quá muộn”.

Cụ thể, đối với quy trình vận hành, doanh nghiệp có thể tích hợp và ứng dụng các nền tảng công nghệ một cách chiến lược để tạo nên một quy trình tự động hóa. Dựa vào sức mạnh của AI và Machine Learning, các phần mềm dịch vụ CRM, ERP, Financial Planning,... đã và đang tái định nghĩa và phân bổ lại nguồn lực trong công ty. Với khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn, cung cấp thông tin trong thời gian thực, cùng tốc độ và tính chính xác cao,... các ứng dụng này sẽ giúp tinh giản quy trình vận hành, hỗ trợ người dùng đưa ra quyết định chính xác và tập trung thời gian vào các nhiệm vụ chiến lược.

Bên cạnh đó, chuyên gia Gismasys lưu ý, doanh nghiệp không được phép xem nhẹ yếu tố con người. Dù có áp dụng giải pháp nào thì chính nhân viên mới là đối tượng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Khi công nghệ được triển khai, vấn đề đặt ra đối với nhân viên không còn là “Làm cái gì?” mà sẽ là “Làm như thế nào và làm ở đâu”. Khi có thể tự động hóa các công việc và quy trình, yếu tố con người càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn trong việc giám sát, đưa ra kết luận, quyết định và thực hiện chiến lược. Doanh nghiệp cần chuẩn bị một nền tảng và công cụ để việc cộng tác và trao đổi, quản lý thông tin có thể hỗ trợ nhân viên của mình.

“Không có một nền tảng công nghệ nào có thể giải quyết được tất cả yêu cầu mà bài toán chuyển đổi đưa ra. Nhiệm vụ của các CIO, CEO sẽ không chỉ giới hạn trong việc tìm hiểu các giải pháp công nghệ mà còn phải giải bài toán tích hợp các nền tảng này để mang lại kết quả như mong đợi”, chuyên gia Gismasys nhấn mạnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận