Một thông tin được quan tâm lớn với giới công nghệ Mỹ hôm nay (13/9) đó là ngày xét xử đầu tiên vụ kiện do Bộ Tư pháp Mỹ chống lại Google - công ty con của tập đoàn Alphabet, liên quan đến cáo buộc độc quyền công cụ tìm kiếm chủ lực của Google.
Đây được xem là tranh chấp pháp lý lớn nhất liên quan đến giới công nghệ tại Mỹ suốt hơn 2 thập kỷ qua. Vì sao lại như vậy?
Vụ kiện với Google được Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng cách đây 3 năm và là vụ khởi kiện đầu tiên của cơ quan này với một hãng công nghệ, kể từ sau vụ kiện tập đoàn Microsoft hồi thập niên 1990 về độc quyền xung quanh hệ điều hành Windows.
Theo giới chức Mỹ, cũng giống như Microsoft trước đây, Google đã củng cố thế độc tôn trên thị trường thông qua những biện pháp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh, như chi tiền cho các nền tảng, hay gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại Android để họ phải cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định.
Vụ kiện với Google được Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng cách đây 3 năm và là vụ khởi kiện đầu tiên của cơ quan này với một hãng công nghệ. (Ảnh: Bloomberg)
"Google rõ ràng có vị thế độc quyền trên thị trường tìm kiếm. Vụ kiện này nhằm giải quyết câu hỏi liệu vị thế này có phải do những hành vi phi pháp hay không. Thực tế là rất ít khi người dùng thay đổi công cụ tìm kiếm và Google đã chi hàng tỷ USD để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều nền tảng như điện thoại iPhone hay trình duyệt Firefox", ông Michael Liedtke, phóng viên chuyên trách lĩnh vực công nghệ, hãng tin AP, cho biết.
Phía Bộ Tư pháp Mỹ cũng lập luận rằng Google đã thao túng thị trường tìm kiếm bằng cách thay đổi trật tự kết quả nhằm tối ưu doanh thu quảng cáo, hoặc "dìm" sản phẩm của đối thủ, nhưng không mang lại hiệu quả cho người dùng.
"Nhiều người dùng phàn nàn rằng, bây giờ họ phải đào sâu xuống trang 2 hay 3 mới tìm được thông tin cần thiết mà trước đây có thể nhìn thấy ngay ở trên, bởi trang đầu bị sắp xếp toàn quảng cáo hoặc các dịch vụ khác của Google", ông Michael Liedtke cho biết thêm.
Đứng trước các cáo buộc này, Google khẳng định rằng người dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn về tìm kiếm từ nhiều đối thủ như Bing của Microsoft hay Amazon và việc hãng đạt lợi thế dẫn đầu đến từ khả năng cải tiến công cụ của mình nhờ dữ liệu cũng như thói quen tìm kiếm của khách hàng.
Siết chặt thế độc quyền của giới công nghệ
Phải tới năm sau, tòa án mới có phán quyết cho vụ kiện mang tính "bước ngoặt" này và nếu thua kiện, Google có thể phải đối diện với nguy cơ chia tách công ty, giống như Microsoft từng gặp phải cách đây hơn 20 năm. Đây không phải là tranh chấp pháp lý duy nhất với các ông lớn công nghệ trong năm nay.
Theo thống kê của trang tin công nghệ Quartz, tính tới đầu năm nay, 5 ông lớn công nghệ gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Meta đang phải đương đầu với hơn 10 vụ điều tra và kiện tụng ở nhiều nước liên quan đến độc quyền, chủ yếu là tại Mỹ và châu Âu, chưa kể những vụ kiện mới phát sinh trong năm nay
Một trong số những vụ việc mới nhất thuộc về Apple khi tập đoàn này đang bị khởi kiện tại Anh về khoản phí 30% mà Táo khuyết thu của các nhà phát triển ứng dụng để vào được nền tảng App Store của hãng, với mức bồi thường yêu cầu lên đến 1 tỷ USD.
Một tên tuổi khác cũng đang đau đầu với kiện tụng là Meta, đặc biệt là cuộc điều tra từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) xung quanh chiến thuật của tập đoàn này, thâu tóm các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn trong quá khứ như Instagram và WhatsApp.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, các tranh chấp pháp lý như trên cho thấy, dường như giới chức toàn cầu đã bắt đầu mạnh tay trở lại trong vấn đề kiểm soát thế độc quyền của các ông lớn công nghệ.
Đáng chú ý, năm 2022, Ấn Độ đã phạt Alphabet số tiền kỷ lục hơn 160 triệu USD do cáo buộc lạm dụng vị thế thống trị của hệ điều hành Android. Giới chức Mỹ gần đây cũng liên tục tìm cách ngăn chặn các thương vụ sáp nhập mang yếu tố độc quyền, như vụ Microsoft thâu tóm hãng trò chơi điện tử Activision.
Đi đầu về kiểm soát vị thế của giới công nghệ vẫn đang là Liên minh châu Âu (EU). Mới đây nhất, khối này đã thông qua 2 đạo luật lớn mang tên Dịch vụ số và Thị trường số, đưa các nền tảng công nghệ lớn vào một nhóm gọi là "người gác cổng", với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hạn chế việc lạm dụng thế thống trị của những nền tảng này, cùng mức phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vtv.vn
Tham gia bình luận