Grab và Gojek “đốt tiền” duy trì tài xế qua mùa dịch

Grab và Gojek “đốt tiền” duy trì tài xế qua mùa dịch

Grab và Gojek “đốt tiền” duy trì tài xế qua mùa dịch

Gojek đã mở quỹ cứu trợ 6,38 triệu USD. Ảnh minh họa: Reuters

Nhu cầu di chuyển giảm hai chữ số, khiến các tài xế kiếm tiền chật vật hơn. Amir, một tài xế xe ôm công nghệ của Gojek tại Indonesia, gặp khó khăn trong trả tiền thuê nhà và đang cân nhắc nên chuyển đi hay tiết kiệm thức ăn hơn. Anh tiết lộ số tiền kiếm được hàng ngày chỉ còn 30.000 rupiah (khoảng 45.000 đồng), bằng 1/3 trước khi dịch bệnh xảy ra.

Cả Singapore, nơi Grab đặt trụ sở và Malaysia đều thi hành chỉ thị ở nhà. Còn tại Indonesia, quê hương của Gojek, Tổng thống Joko Widodo hối thúc người dân không ra khỏi nhà. Thủ đô Jakarta thực hiện biện pháp hạn chế nghiêm khắc hơn, bao gồm lệnh cấm người đi xe máy.

Theo dữ liệu của Statqo Analytics, số người gọi xe Grab giảm 24% trong tuần kết thúc vào ngày 26/3, so với tuần từ 22 đến 28/2. Gojek giảm 11% trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, thay vì cắt giảm chi phí hay nhân viên, hai công ty lại hỗ trợ tài xế. Grab giảm 30% phí thuê xe cho tài xế Singapore đến ngày 4/5. Tại Đông Nam Á, hãng cấp tiền cho tài xế nhiễm Covid-19 hoặc người bị cách ly. Startup đã chi gần 40 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ tài chính như vậy.

Cuối tháng 3, Gojek lập quỹ 100 tỷ rupiah (6,38 triệu USD), phần lớn do các lãnh đạo đóng góp 1/4 lương thường niên. Quỹ tài trợ tài xế trong các lĩnh vực như chăm sóc, cung ứng y tế. Hôm 7/4, startup thông báo sẽ phát 1 triệu phiếu giảm giá mỗi tuần, trị giá 5.000 rupiah (7.500 đồng), để tài xế sử dụng tại các nhà hàng được chỉ định.

Grab và Gojek làm điều này vì tài xế hình thành nên “xương sống” cho các dịch vụ của hai startup, từ gọi xe, giao hàng tại nhà đến thanh toán điện tử. Doanh nghiệp có nguy cơ mất tài xế nếu không nhận được hỗ trợ kịp thời trong thời kỳ suy thoái. Nếu không có tài xế, họ không có triển vọng tăng trưởng.

Tại Singapore và các nước khác, Grab cho nhiều tài xế thuê phương tiện. Nếu các tài xế này không làm cho Grab nữa, chúng sẽ biến thành các tài sản không có hiệu quả.

Một nguyên nhân nữa là trách nhiệm xã hội nặng nề đè lên các startup Đông Nam Á để duy trì việc làm. Gojek tuyển dụng 2 triệu tài xế trong khu vực còn Grab có vài triệu. Cả hai đều nổi tiếng là những người tạo ra việc làm. Vận tải công nghệ vốn đã là ngành nghề không ổn định trước đại dịch, vì vậy Grab hay Gojek không thể quay lưng lại với tài xế.

Trả lời Reuters hồi cuối tháng 3, đồng Tổng Giám đốc Gojek Andre Soelistyo hi vọng công ty có thể phục hồi “trong vài tháng tới”. Hỗ trợ tài xế giúp startup ở vào thế sẵn sàng một khi nhu cầu di chuyển bật trở lại. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khiến triển vọng dài hạn trở nên không chắc chắn.

Grab và Gojek chưa tiết lộ doanh thu song các khoản đầu tư khổng lồ khó đạt tỉ suất lợi nhuận cao. Những chi phí bổ sung để đối phó với Covid-19 càng làm cho doanh thu bị ảnh hưởng.

Grab và Gojek nay đã được xếp vào loại “decacorn” (kỳ lân) với giá trị hơn 10 tỷ USD, không còn là “unicorn” (công ty tỷ đô) nữa. Năm 2019, Grab huy động thêm 2,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư như SoftBank. Gojek mang về 1,6 tỷ USD từ các ông lớn như Google. Tuy vậy, dịch bệnh làm đảo lộn cả thị trường đầu tư mạo hiểm. SoftBank quyết định dừng đầu tư mới sau khi những công ty mà tập đoàn này đầu tư trở thành “bom xịt”. Do đó, kết hợp với hoài nghi về triển vọng tăng trưởng của cả Grab và Gojek, cơ hội gọi vốn sẽ trở nên nhạt nhòa hơn nếu Covid-19 kéo dài. Tin đồn về việc sáp nhập giữa hai startup đã manh nha dù cả hai đều bác bỏ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận