GrabFood khởi động cuộc đua mới tại Hà Nội

GrabFood khởi động cuộc đua mới tại Hà Nội

Toàn cảnh thị trường giao đồ ăn

Grab chính thức tung dịch vụ giao đồ ăn GrabFood tại Hà Nội vào ngày 2/10 sau một tháng thử nghiệm. Với việc tham gia thị trường giao thức ăn tại Thủ đô, Grab khởi động cuộc đua với hai đối thủ lớn là Now (của Foody) và Vietnammm đã có mặt tại thị trường này trước đó. Cuộc chơi cũng bao gồm sự tham gia của Lala và Loship. Đây là 5 đối thủ sẽ “chạy đua” ở mảng giao đồ ăn trên toàn Việt Nam.

GrabFood khởi động cuộc đua mới tại Hà Nội

Thị trường giao đồ ăn tại Hà Nội và trên cả nước có khá nhiều đối thủ tham gia.

Tại thời điểm viết bài này, hai đơn vị nhỏ hơn là Eat.vn và Chonmon.vn dường như rút khỏi cuộc chơi. Eat.vn thông báo trên website cho biết đang bảo trì, sẽ “quay lại sớm” còn Chonmon.vn chỉ thông báo vỏn vẹn “closed” (đóng).

Thị trường đặt món ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2018 đang được Euromonitor dự báo có giá trị 33 triệu USD, và sẽ đạt 38 triệu USD trong hai năm tới. Mảng thị trường này sẽ bị phân chia bởi những đối thủ nói trên, tuy nhiên đối với những ông lớn như Grab hay Now thì 33 triệu USD chỉ là một mảnh nhỏ trong tham vọng lớn của họ.

Cuộc đua song mã

Nổi tiếng với thế mạnh là một dịch vụ “con" của Foody - mạng xã hội về đồ ăn thức uống lớn nhất Việt Nam, Now là tên tuổi lâu đời và cũng thường được nhắc đến đầu tiên trong lĩnh vực giao đồ ăn tại cả Hà Nội và toàn quốc.

GrabFood khởi động cuộc đua mới tại Hà Nội

Một tài xế của Now (khi vẫn còn tên là Delivery Now).

Từ một mạng xã hội về hàng quán có lượng người dùng rất lớn, khá dễ hiểu khi Foody chuyển hướng thành công người dùng của họ sang dùng dịch vụ giao đồ ăn tận nơi.

Với số vốn lớn từ những nhà đầu tư như Garena, Now có nguồn kinh phí để mở thị trường, song song với việc bổ sung thêm những dịch vụ giao hàng mới, Now được đánh giá là một đối thủ khó chơi trong cuộc chiến giao thức ăn tại Việt Nam.

Cũng như Grab hướng đến “siêu ứng dụng”, Now của Foody đang mở rộng sang các dịch vụ khác và mảng giao đồ ăn có lẽ chỉ là khởi nguồn của nhiều dịch vụ khác đa dạng hơn.

Mới mở dịch vụ tại Hà Nội chưa tới một tháng nhưng chắc chắn GrabFood phải được kể đến như một đối thủ xứng tầm của Now. Tận dụng đội ngũ giao hàng phần lớn từ đối tác tài xế GrabBike, Grab có thể dễ dàng “phủ xanh” đường phố một lần nữa ở lĩnh vực giao đồ ăn.

GrabFood khởi động cuộc đua mới tại Hà Nội

Dù mới tham gia nhưng GrabFood chắc chắn là đối thủ lớn ở mảng giao thức ăn.

Grab thử nghiệm giao thức ăn tại TP.HCM đầu tháng 5/2018, công ty cho biết trong tháng 9/2018, số lượng đơn hàng GrabFood đã tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước đó. Sau một tháng thử nghiệm tại Hà Nội từ đầu tháng 9, số lượng đối tác kinh doanh GrabFood tăng gấp 8 lần.

GrabFood hiện tại cũng có mặt tại 6 quốc gia (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Việt Nam) và 33 thành phố.

Thế mạnh của Grab đến từ các dịch vụ mà họ không có đối thủ tại Việt Nam như gọi xe máy, gọi xe hơi và cả giao hàng GrabExpress. Với kinh nghiệm trung gian vận chuyển, GrabFood dễ dàng có lượng đối tác tài xế đông đảo - bài toán khó cho bất kỳ start-up nào muốn nhảy vào lĩnh vực giao đồ ăn nói riêng và vận chuyển nói chung. Đối tác tài xế GrabBike có thể nói là đang chiếm thị phần lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, nên khả năng phủ rộng và thời gian đáp ứng đơn hàng sẽ nhanh hơn. Theo Grab, thời gian giao hàng trung bình cho mỗi đơn hàng GrabFood là 25 phút.

Ngoài ra, GrabFood cũng nằm trong chuỗi kinh doanh mà Grab muốn hướng tới trở thành một “siêu ứng dụng”, phục vụ cuộc sống hàng ngày của mọi người ở Đông Nam Á.

Chờ thêm đối thủ mạnh

Không thể phủ nhận rằng thị trường đặt món trực tuyến tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là một miếng bánh “béo bở” khiến nhiều công ty công nghệ đều muốn chen chân để giành phần. Một tên tuổi khác phải kể đến là Vietnammm – nhà cung cấp lâu đời, cùng thời với Now. Có kinh nghiệm và ở thị trường khá lâu, nhưng có lẽ nền tảng này cần một cú hích mạnh hơn để nhiều người dùng biết tới. Trang này hiện chỉ giao đồ ăn, do đó khả năng mở rộng kinh doanh và đủ lực để đấu với Grab hoặc Now là khá khó khăn.

Một start-up khá đình đám của Việt Nam là Lozi cũng mở nhánh giao đồ ăn Loship. Nhắm vào kinh doanh nhiều ngành nghề trên một nền tảng nhưng hiện tại Lozi tập trung vào nhóm người trẻ ở thành phố lớn hơn là phủ rộng mọi đối tượng khách hàng. Do đó, Lozi chưa thể mở rộng thị trường trong ngày một ngày hai như những đối thủ dồi dào tiềm lực và nguồn vốn như GrabFood.

Lala - ứng dụng được chủ quản Giao Hàng Nhanh và AhaMove là Scommerce hậu thuẫn - cũng đã nhảy vào thị trường Hà Nội. Thế mạnh của nền tảng này chính là sự hỗ trợ của khoảng 6.000 tài xế Ahamove, tuy nhiên cần mở rộng thêm các đối tác hàng quán cũng như nâng cao trải nghiệm và rút ngắn thời gian chờ đợi của người dùng.

Rõ ràng, nếu nhìn vào tổng thể bức tranh, đối thủ nổi trội nhất trên thị trường đặt món trực tuyến vẫn là Now và GrabFood. Tuy cuộc đua đang có nhiều bên tham gia như vậy nhưng vẫn chưa thực sự sôi động và quá sức cạnh tranh.

GrabFood khởi động cuộc đua mới tại Hà Nội

Có lẽ đến khi Go Foods tham gia thị trường thì thế chân vạc mới được thiết lập ở mảng giao đồ ăn tại Việt Nam.

Có lẽ đến khi Go-Jek nhảy vào mảng này thì thế tay ba giữa start-up này và Now, Grab mới thực sự mang nhiều giá trị cho người dùng. Những công ty khác dù chỉ nhắm vào mảng đồ ăn hay mong muốn xa hơn đều sẽ phải e dè trước 3 tên tuổi vừa nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận