Hàn Quốc: Ngân hàng truyền thống làm thế nào để tồn tại trong kỷ nguyên fintech?

Hàn Quốc: Ngân hàng truyền thống làm thế nào để tồn tại trong kỷ nguyên fintech?

Hàn Quốc: Ngân hàng truyền thống làm thế nào để tồn tại trong kỷ nguyên fintech?

Kakao Bank là ngân hàng hoạt động qua Internet với 12 triệu người dùng

Trong môi trường mới, ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thu để thoát khỏi khó khăn trên thị trường tài chính. Báo cáo công bố ngày 27/4 của Ngân hàng Hàn Quốc chỉ ra với việc số hóa kinh tế toàn cầu và thương mại điện tử mở rộng, các hãng công nghệ lớn và công ty fintech (công nghệ tài chính) nổi lên như đối thủ đáng gờm của ngân hàng truyền thống.

Đặc biệt, Big Tech trở thành mối đe dọa trực tiếp với ngân hàng truyền thống vì khả năng phát triển các sản phẩm tài chính được tùy biến thông qua phân tích dữ liệu người dùng mà họ thu thập được qua những dịch vụ và nền tảng thương mại điện tử đang sở hữu.

Big Tech và doanh nghiệp fintech lớn bắt đầu tăng cường hiện diện trên lĩnh vực tài chính trong vài tháng trở lại đây với sự hỗ trợ của nhà chức trách. Chẳng hạn, dịch vụ ngân hàng qua Internet Kakao Bank và ứng dụng tài chính Toss hợp tác với các nhà phát hành thẻ địa phương trong tháng 5 để ra mắt dịch vụ thẻ tín dụng đầu tiên. Họ nhấn mạnh đến khả năng cung cấp dịch vụ được thiết kế riêng cho người dùng nhờ dữ liệu lớn.

Dữ liệu lớn giúp Kakao Bank đơn giản hóa quy trình cấp thẻ tín dụng. Người dùng chỉ cần nhập thông tin cơ bản trong ứng dụng và nhận thẻ gần như ngay lập tức, trong khi ngân hàng truyền thống yêu cầu nhiều bước xác minh. Kakao Bank bắt tay với một số đơn vị thẻ tín dụng của Shinhan, KB Kookmin, Samsung, Citibank. Tính đến cuối tháng 3, dịch vụ có 12 triệu người dùng và mở mới 20.000 đến 30.000 tài khoản mới mỗi tháng.

Toss có khoảng 16 triệu người dùng, hợp tác với Hana Card để cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng. Công ty nhận được 200.000 đơn trong 2 tuần kể từ ngày 9/4. Với ngân hàng truyền thống, nhận được 300.000 hồ sơ mỗi năm đã được xem là thành công.

Những thương vụ như vậy có thể đánh dấu khởi đầu của mối quan hệ ảo giữa doanh nghiệp công nghệ và tổ chức truyền thống nhưng cũng nảy ra một số quan ngại. Nó phản ánh sự phụ thuộc ngày một lớn của tổ chức tài chính đối với tập đoàn công nghệ lớn. Các hãng công nghệ lại có nền tảng người dùng mạnh và ngày càng được tin tưởng.

Bên cạnh kêu gọi số hóa nhiều hơn và sáng tạo nhiều dịch vụ xoay quanh người dùng hơn, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng truyền thống. Lợi nhuận của họ tiếp tục dựa chủ yếu từ lãi suất, điều đó hạn chế tăng trưởng lợi nhuận trong môi trường lãi suất thấp, tăng trưởng chậm. Họ vấp phải hạn chế về chi phí, nguồn nhân lực và cấu trúc quản trị để có thể nhìn thấy kết quả hữu hình khi số hóa trong bối cảnh các ngân hàng toàn cầu đều đang đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý tài chính cần cân bằng hỗ trợ giữa doanh nghiệp fintech, Big Tech với các tổ chức truyền thống. Tháng trước, Ủy ban Dịch vụ tài chính cho biết đang xem xét kế hoạch cho phép tổ chức tài chính truyền thống vận hành các nền tảng trực tuyến.

Trong khi đó, Kakao và Viva Republica, công ty đứng sau Toss, tiếp tục bước tiến vào lãnh địa chưa được khám phá. Kakao được phê chuẩn tung ra dịch vụ môi giới mới, còn Viva Republica cũng được chấp thuận sơ bộ để làm điều tương tự. Toss còn lên kế hoạch ra ngân hàng Internet riêng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận