HTC: Sự sụp đổ của một ông lớn smartphone

HTC: Sự sụp đổ của một ông lớn smartphone

HTC: Sự sụp đổ của một ông lớn smartphone

"Đó là thời điểm khoảng năm 2013, khi HTC tung ra chiếc HTC One, mình đã bị hút hồn và bản thân mình có thể khẳng định đó là chiếc điện thoại đẹp nhất từng được sản xuất", một người hâm mộ HTC chia sẻ.

Hiện sở hữu một chiếc HTC U11 nhưng chính D. Anh cũng cảm nhận được sự sụp đổ của hãng điện thoại mà anh yêu thích đang đến gần. Tương lai đang rất mịt mù với ông lớn đã vùng vẫy 20 năm trong làng di động.

Xuất phát điểm khiêm tốn

Ra đời năm 1997 với cái tên tập đoàn High-tech Computer và được sáng lập bởi Cher Wang và H.T. Cho, mãi tới năm 2008, HTC mới chính thức đổi tên.

Cha của bà Wang đã kiếm được hàng tỷ USD nhờ xây dựng nên một đế chế nhựa và hóa dầu, ông mong con gái sẽ nối nghiệp và thành công trong kinh doanh.

Cùng với người bạn Peter Chou, người được bà bổ nhiệm làm CEO, bà Wang đã định hướng công ty trở thành một đơn vị gia công laptop, sau đó chuyển hướng sang các loại máy tính cầm tay PDA và các loại điện thoại di động.

HTC giai đoạn này chủ yếu gia công cho các thương hiệu lớn như Compaq, HP hay Palm. HTC nhanh chóng nắm được kỹ thuật sản xuất và xây dựng danh tiếng.

Những siêu phẩm máy tính bỏ túi thời bấy giờ như Compaq iPAQ hay những chiếc O2 thời đó đều qua bàn tay gia công của HTC, điều mà nhiều người dùng không hề biết tới.

Mãi tới năm 2006, chiếc điện thoại đầu tiên mang thương hiệu HTC mới chính thức được tung ra thị trường, biểu tượng của kinh nhiệm, trình độ kỹ thuật mà HTC đã tích lũy qua nhiều năm sản xuất thuê cho các ông lớn phương Tây.
Bước ngoặt Android

Theo Android Authority, việc chuyển hướng từ một doanh nghiệp gia công thuê sang một hãng sản xuất với thương hiệu riêng không hề dễ dàng. Tuy nhiên HTC đã có bước khởi đầu thành công nhờ nhanh nhạy trong việc áp dụng những công nghệ mới, xu thế mới mà điển hình nhất là hệ điều hành Android của Google.

Chiếc điện thoại chay hệ điều hành Android đầu tiên của HTC là chiếc HTC Dream với màn hình cảm ứng lớn so với các điện thoại thời điểm đó, thông số kỹ thuật ấn tượng. HTC Dream đã bán được 1 triệu chiếc chỉ trong 6 tháng tại thị trường Mỹ và nhận về phản hồi tích cực.

Năm 2009, chiếc điện thoại gây ấn tượng tiếp theo là HTC Hero tiếp tục được hãng sản xuất Đài Loan tung ra thị trường. Năm 2010 cũng là một năm đầy thành công của HTC với chiếc HTC Evo 4G, chiếc điện thoại Android hỗ trợ nền tảng 4G đầu tiên tại Mỹ.

Cũng trong năm 2010, HTC tiếp tục thắt chặt quan hệ với Google. Chiếc Nexus One là chiếc điện thoại đầu tiên mang thương hiệu Google. HTC cũng tự mình tung ra một mẫu điện thoại có cấu hình tương tự chiếc Nexus One, đó là HTC Desire.

"Desire chính là chiếc mang mình đến với HTC. Thời điểm đó mình còn là sinh viên và đang tìm mua chiếc điện thoại đầu tiên trong đời. Chiếc HTC Desire khi đó vừa đẹp, vừa mạnh mẽ, giá cả lại hợp lý nên đã chiếm trọn cảm tình của mình", D. Anh nhớ lại.

Quý 3/2011 chính là thời điểm cực thịnh của HTC. Hãng thông báo khoản lãi sau thuế 625 triệu USD trong khi giá trị công ty khi đó đã vượt mặt Nokia, một huyền thoại trong làng điện thoại di động.

HTC khi đó là hãng điện thoại giá trị lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Apple và Samsung. Theo số liệu của Bloomberg, năm 2011, HTC là nhà bán lẻ điện thoại lớn nhất nước Mỹ với 24% thị phần.

Lượng tiền mặt khổng lồ cùng các giải thưởng, các kỷ lục đổ dồn về HTC, đưa hãng tới một vị trí chưa từng có trong lịch sử phát triển. Đây là thành công rất ấn tượng của HTC. Tuy nhiên nó nhanh chóng bị lu mờ bởi sự phát triển của các hãng điện thoại Android khác, trong đó nổi bật nhất là Samsung.

Cũng sau năm 2011, HTC đánh mất dần thị phần và ngay trong quý IV/2011, HTC đã ghi nhận doanh thu giảm sốc từ 4,54 tỷ USD xuống còn 1,6 tỷ USD. HTC đã thua Samsung ngay ở quý mua sắm nhộn nhịp nhất, báo hiệu con đường xuống dốc của hãng điện thoại Đài Loan.

Tuột dốc không phanh

Với túi tiền vẫn rủng rỉnh, HTC lựa chọn chiến lược thâu tóm các bằng sáng chế nhằm tự bảo vệ mình trước những vụ kiện tụng từ đối thủ. Hãng vung tiền mua lại các công ty sở hữu sáng chế.

Dù đã có sự chuẩn bị và có sự hậu thuẫn từ Google khi ông lớn từ Mỹ sẵn sàng cho HTC mượn bằng sáng chế mỗi khi bị Apple kiện, phần thua vẫn thường thuộc về HTC.

Bên cạnh đó, hàng loạt các khoản đầu tư từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD của HTC đều không mang lại trái ngọt như dự tính. Điển hình là thương vụ mua lại hãng thiết bị âm thanh lừng danh Beats Electronics.

Một yếu tố khác cũng từng mang lại thành công cho HTC nay lại trở thành con dao hai lưỡi chính là sự đột phá về công nghệ. Có thể nói HTC ứng dụng công nghệ mới rất sớm, và đôi khi là quá sớm.

Còn nhớ chiếc HTC Evo 4G từng gây xôn xao thị trường Mỹ, nhưng sau đó người dùng nhanh chóng nhận ra yếu điểm của chiếc điện thoại 4G đầu tiên tại Mỹ này đó là hạ tầng 4G khi đó chưa phát triển, dẫn tới trải nghiệm người dùng không được như mong đợi.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với hai chiếc HTC Thunderbolt và HTC Vivid khi là những chiếc đầu tiên hỗ trợ nền tảng LTE tại Mỹ, khi hạ tầng LTE cũng còn rất sơ sài.

Loay hoay tìm lối thoát, trong năm 2012, HTC tung ra quá nhiều mẫu điện thoại, gần 20 mẫu trong một năm. Những chiếc điện thoại này khác biệt không quá nhiều, chiếc này là bản nâng cấp nhẹ của chiếc kia, có chiếc thì phục vụ riêng cho những nhóm khách hàng cố định khiến người dùng bối rối trong việc lựa chọn.

Việc thiếu đi một chiếc điện thoại mang tính đại diện, có thể mang ra cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc cao cấp đã khiến HTC tụt lại phía sau.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và châu Âu cũng đã khiến HTC mất hoàn toàn thị trường châu Á vào tay Samsung. Thậm chí có những sản phẩm của HTC được đánh giá cao hơn dòng Galaxy S của Samsung nhưng doanh số vẫn thấp hơn bởi Samsung đã nắm rất chắc thị phần tại đây.

Sau quý 4/2011 lần đầu tiên khi nhận kinh doanh lỗ từ năm 2002, HTC liên tục thua lỗ trong những năm sau đó. Kỷ lục về thua lỗ của HTC là vào năm 2017 khi doanh thu của hãng đạt khoảng 2,1 tỷ USD nhưng thua lỗ tới 600 triệu USD, lỗ nhiều hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Gần đây, HTC còn liên tiếp phải sa thải nhân viên để tiết kiệm chí phí. Hàng nghìn nhân viên, bao gồm cả kỹ sư, đã bị hàng cho thôi việc hoặc phải "bán" lại cho Google.

Từ một ông lớn trong ngành điện thoại, hiện HTC chỉ còn nắm 0,3% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu. Đây dường như là đoạn cuối con đường của HTC, một thương hiệu từng là niềm tự hào của Đài Loan.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận