Huawei chỉ là 'con hổ giấy' về bằng sáng chế

Huawei chỉ là 'con hổ giấy' về bằng sáng chế

Về mặt giấy tờ, Huawei có lượng bằng sáng chế nhiều hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới. Tuy nhiên, trong một cuộc nghiên cứu phân tích sâu hơn vào số bằng sáng chế của họ trong năm 2018 cho thấy, chất lượng kém xa so với các công ty Mỹ như Intel hay Qualcomm.

Theo kết luận của các nhà nghiên cứu, chỉ có 21% trong số bằng sáng chế Huawei sở hữu là có tính đột phá cao, đủ để gây lo ngại cho chính phủ Mỹ.

Huawei chi la con ho giay ve bang sang che hinh anh 1
Huawei được coi là hình mẫu anh hùng với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Thậm chí nghiên cứu còn khám phá ra, Huawei tìm mọi cách để gia tăng "kho vũ khí" của mình, bao gồm cả việc mua lại từ các công ty Mỹ và tuyển dụng nhân sự Mỹ. Nói cách khác, rất nhiều bằng sáng chế thực chất bắt nguồn từ chất xám của người Mỹ, không hoàn toàn do các hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc tạo nên.

Danh sách dẫn đầu về bằng sáng chế đã thay đổi rất nhiều từ năm 2005, vốn do Philips của Hà Lan, Panasonic của Nhật Bản và Siemens từ Đức chiếm lĩnh. Lúc ấy, cái tên Huawei vẫn còn chưa lọt nổi vào top 20. Tất nhiên những cái tên kia đều là những hãng có nền tảng công nghệ đi trước, vững vàng hơn Huawei rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một thập kỷ kể từ khi đó, công ty Trung Quốc đã thăng hạng một cách thần tốc.

Khoảng 5 năm trở lại đây, họ là cái tên hàng đầu trong việc sở hữu bằng sáng chế. Huawei đã dẫn đầu thế giới bốn lần trong năm năm thống kê gần đây. Năm 2018, Huawei đăng ký 5.405 bằng sáng chế, gấp đôi Mitsubishi của Nhật đứng ở vị trí thứ 2 và Intel của Mỹ xếp thứ 3.

Huawei chi la con ho giay ve bang sang che hinh anh 2
Huawei đã trở thành hãng công nghệ sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất năm 2018.

Tuy nhiên, đó chỉ là bảng xếp hạng mang tính lý thuyết, đào sâu hơn đã cho thấy thứ hạng cao không đồng nghĩa là công ty đó đưa ra được nhiều cải tiến đột phá.

Trong khi đếm số lượng thì Huawei là kẻ dẫn đầu, đánh giá về chất lượng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Patent Result, một công ty chuyên nghiên cứu về bằng sáng chế có trụ sở tại Tokyo, đã đánh giá và so sánh kho bằng sáng chế của Huawei với các đối thủ theo nhiều tiêu chí: tính nguyên bản, tính ứng dụng thực tiễn và tính linh hoạt. Lúc này, "con hổ giấy" Huawei mới lộ nguyên hình.

Bằng sáng chế đạt độ lệch từ 55 trở lên sẽ được xếp vào nhóm "chất lượng cao," tức là có tính đột phá đáng kể. Đáng tiếc là trong số hàng nghìn bằng sáng chế, Huawei chỉ sở hữu 21% thuộc nhóm này.

Đối với Intel và Qualcomm, con số lần lượt là 32% và 44%. Dường như chính công ty Trung Quốc cũng hiểu được điều này. Trong vài năm gần đây, họ rất tích cực thâu tóm các bằng sáng chế bên ngoài để củng cố cả chất lẫn lượng cho kho sáng chế của mình.

Huawei đã mua lại khoảng 500 bằng sáng chế từ các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó một nửa là đến từ Mỹ. Các sáng chế tập trung nhiều vào công nghệ truyền phát tín hiệu số, điều khiển biến đổi mạng. Trong số này, có đến 67% thuộc loại "chất lượng cao". Chiếm phần lớn số bằng sáng chế mang tính đột phá của Huawei, lại có nguồn gốc từ… bên ngoài Trung Quốc.

Những công ty công nghệ Mỹ như IBM hay Yahoo cũng bán rất nhiều cho Huawei, lần lượt là 40 và 37 bằng sáng chế. Thực chất việc này là rất bình thường trong ngành công nghệ, bởi thâu tóm là cách nhanh nhất để một công ty đi sau có thể thúc đẩy bản thân.

Với Huawei, họ đặc biệt hơn những người đồng hương vì là kẻ tích cực mua sắm nhất. Các công ty như Alibaba hay Tencent mua bằng sáng chế của Mỹ rất ít.

Không chỉ vậy, công ty Trung Quốc còn săn đón các nhân tài Mỹ, từ kỹ sư cho đến chuyên gia công nghệ. Bây giờ, ‘chất xám Mỹ' đã đóng vai trò nòng cốt với đội ngũ nghiên cứu và phát triển của Huawei.

Huawei chi la con ho giay ve bang sang che hinh anh 3
Rất nhiều bằng sáng chế Huawei sở hữu có nguồn gốc từ doanh nghiệp Mỹ, hoặc do người Mỹ đứng tên.

Theo nghiên cứu của Patent Result, trong nhóm 30 kỹ sư tài giỏi hàng đầu, có đến 17 người đến từ Bắc Mỹ. Chỉ riêng 17 người này đã đứng tên cho 370 bằng sáng chế "chất lượng cao" mà Huawei sở hữu. Họ là cựu nhân viên của Motorola và nhiều hãng công nghệ Mỹ khác, giờ đã trở thành động lực thúc đẩy các tiến bộ công nghệ cho công ty Trung Quốc.

Chính vì khám phá này, chúng ta lại càng hiểu hơn vì sao chính quyền Mỹ cáo buộc Huawei là một mối đe dọa. Bởi các hoạt động thâu tóm nhân lực có chuyên môn công nghệ cao và các bằng sáng chế của Huawei đã bị để mắt. Ngài Trump và nhiều nhân vật chính trị đều coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia, đứng sau các vụ rò rỉ sở hữu trí tuệ Mỹ.

Về phía công ty của ông Nhậm, họ đang cố gắng giảm lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài càng nhiều càng tốt. Nhánh bán dẫn HiSilicon đã tự phát triển SoC di động, sánh ngang với Apple hay Qualcomm, cũng như modem mạng 5G cùng nhiều con chip phức tạp khác. Vừa rồi, họ cũng hé lộ về HarmonyOS, một hệ điều hành Internet of Things. Tất cả đều là các vũ khí giúp Huawei vượt qua chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.



Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận