Khách hàng được khuyên dùng SMS Banking để theo dõi tài khoản, vậy các ngân hàng đang thu phí tin nhắn tới điện thoại thế nào?

Khách hàng được khuyên dùng SMS Banking để theo dõi tài khoản, vậy các ngân hàng đang thu phí tin nhắn tới điện thoại thế nào?

Vài năm trở lại đây, khách hàng ngày càng quan tâm và "sành sỏi" hơn trong việc chọn ngân hàng để gửi tiền, vay tiền và giao dịch…. Họ không chỉ dựa trên quy mô, uy tín hay thương hiệu mà còn chú ý tới những chi phí, lợi ích mà cụ thể là lãi suất và phí dịch vụ phải trả khi giao dịch tại ngân hàng đó.

Biểu phí dịch vụ mỗi ngân hàng mỗi vẻ song có thể nhận thấy rằng, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân đang ngày càng được người dân quan tâm hơn khi miễn phí hoặc niêm yết mức phí rẻ hơn so với các ngân hàng có vốn chi phối bởi nhà nước.

Một dịch vụ rất được người dân quan tâm trong thời gian gần đây là SMS Banking sau nhiều sự cố tiền trong tài khoản của khách hàng bị "bốc hơi". Cá nhân đăng ký sử dụng dịch vụ này sẽ nhận được tin nhắn tự động của ngân hàng khi có biến động về số dư trong tài khoản, một số còn có chức năng nhắc nợ khi đến hạn.

Với chức năng này, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị khách hàng đặc biệt là những người gửi tiền tại ngân hàng cần đăng ký dịch vụ SMS Banking để theo dõi sát sao biến động số dư, tránh các sự cố mất tiền nhưng không phát hiện kịp thời.

Do là dịch vụ phổ biến và được nhiều người sử dụng, nhìn chung mức phí của dịch vụ này ở các ngân hàng không quá cao, phổ biến mức 8.000-10.000 đồng/ tháng/ thuê bao. Tuy vậy, vẫn có một số nhà băng miễn toàn bộ các loại phí liên quan đến dịch vụ này.

Mức phí dịch vụ SMS Banking của ngân hàng niêm yết trên website – chưa gồm thuế giá trị gia tăng

Theo khảo sát của chúng tôi, Maritime Bank hiện thu phí SMS 15.000 đồng/tháng/tài khoản (chưa thuế VAT). Tính cả năm, chủ tài khoản sẽ phải nộp 198 nghìn đồng phí duy trì dịch vụ này cho ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng này lại có ưu ái hơn với tài khoản của nhóm khách hàng có thu nhập từ 10 triệu/tháng trở lên, tài khoản Premier sẽ được miễn phí SMS Banking.

Tiếp theo, các ngân hàng gồm Vietcombank, VPBank, VIB, OCB, ShinhanBank,… thu phí duy trì dịch vụ SMS Banking 11.000 đồng/tháng/ thuê bao (đã có thuế). Tính cả năm, những ngân hàng này thu về mỗi tài khoản 132 nghìn đồng.

Những ngân hàng Việt còn lại có mức phí thấp hơn có Vietinbank, BIDV cùng TPBank thu 8.800 đồng/tháng cho mỗi thuê bao nhận tin nhắn.

Trong khi đó, hai ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam là HSBC và Standard Chartered Bank lại miễn phí toàn bộ các phí của dịch vụ SMS Banking. Theo đó, khách hàng thẻ Tín dụng của HSBC không cần đăng ký dịch vụ mà được cung cấp miễn phí SMS HSBC, mọi biến động số dư cũng như thông báo khoản vay đến hạn sẽ được tự động gửi tin nhắn vào thuê bao của khách hàng.

SMS Banking nói riêng hay dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung đang ngày càng phát triển và phổ biến hơn, tiềm năng mang lại nguồn thu nhập lớn, ổn định cho các nhà băng. Đồng thời, những dịch vụ này còn có liên kết chặt chẽ với hoạt động huy động và cho vay của các ngân hàng. Thế nên, sự canh tranh của các nhà băng trong công cuộc thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng gay gắt.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, ngân hàng cần cân nhắc kỹ khi niêm yết biểu phí cho các dịch vụ này, đồng thời phải không ngừng nâng cấp đảm bảo chất lượng dịch vụ, đó là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, giữ khách hàng lâu dài.

So sánh mức phí chuyển tiền internet banking, rút tiền ATM giữa các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank tận thu nhất, Techcombank, VPBank ‘chiều’ khách hàng nhất

Trí Thức Trẻ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận