Kinh tế số phải dựa trên nền tảng Internet mạnh

Kinh tế số phải dựa trên nền tảng Internet mạnh

Theo vị đại diện này của Qualcomm, một chủ đề đang được đề cập đến rất nhiều trên các diễn đàn chính sách cũng như công nghệ là việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số, đưa Việt Nam tiến lên mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Có thể thấy, để thực hiện mục tiêu đó, liên quan đến rất nhiều vấn đề, ví dụ như đẩy mạnh hạ tầng về đám mây , các công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo (AI)... "Nhưng nền tảng để thực hiện kinh tế số vẫn là hạ tầng viễn thông di động mạnh mẽ, trong đó câu chuyện 4G, 5G đang nổi lên như một vấn đề trọng yếu" - ông Thiều Phương Nam cho biết.

4G, 5G sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam

Cụ thể, ông Nam phân tích: Hiện, 4G là công nghệ rất quan trọng để thực hiện kết nối Internet vạn vật (IoT), mang Internet đến với mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang ở một thời điểm quan trọng: Chuẩn bị chuyển qua 5G. Có thể tại Việt Nam còn hơi sớm để nói về 5G, khi mà chúng ta mới chuyển qua 4G chưa được một năm. Nhưng cũng cần bắt đầu có định hướng về mặt chính sách, công nghệ cũng như hệ sinh thái cho 5G.

Trong một nghiên cứu do Qualcomm thực hiện, dự báo đến 2035, 5G sẽ tạo ra một động lực phát triển kinh tế mới, tương đương 12 nghìn tỷ USD. Đấy là giá trị mà 5G sẽ tạo ra trên thế giới dưới dạng các dịch vụ mới, tạo ra việc làm mới và giá trị mới.

5G phát triển dựa trên nền tảng 4G mạnh. Hiện nay, tốc độ của 4G trên thế giới đã đạt đến gigabit, tương đương với các công nghệ như cáp quang. 4G Gigabit, hay còn gọi là Gigabit LTE, đã được triển khai ở 24 nước với 39 nhà mạng lớn trên thế giới, ví dụ như T-Mobile, AT&T, Sprint, Verizon (Mỹ), Singtel, SAT, Delstra (Châu Á). Bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon hỗ trợ công nghệ Gigabit LTE cũng được tích hợp vào rất nhiều thiết bị đầu cuối. Hiện nay, Gigabit chỉ có trên các điện thoại Android với các công nghệ của Qualcomm. Các công nghệ khác vẫn chưa đạt được tốc độ này.

Trở lại với câu chuyện xây dựng và phát triển nền "Kinh tế số", ông Thiều Phương Nam cho rằng, trong đó tất cả các lĩnh vực đều ứng dụng công nghệ và tất cả các thiết bị đều được kết nối. Vì thế, việc đẩy mạnh hạ tầng viễn thông di động 4G, 5G sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Đối với Qualcomm, 4G và 5G sẽ thay đổi rất nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế số.

Được biết, để triển khai thành công IoT, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các nhà mạng đã bắt đầu triển khai 4G LTE. Hai công nghệ phổ biến nhất hiện nay, được thống nhất tiêu chuẩn trên thế giới là NB-IoT và Cat-M1. Các nhà mạng Việt Nam cũng đang thử nghiệm những công nghệ 4G cho IoT theo những tiêu chuẩn này. Điều này rất quan trọng trong việc triển khai những lĩnh vực như thành phố thông minh, điện kế thông minh, thực hiện các dự án kiểm soát môi trường, xây dựng tòa nhà thông minh, ứng dụng IoT vào y tế, giáo dục… Tất cả những lĩnh vực này đều cần mạng lưới hỗ trợ LTE dựa trên Cat-M1 hoặc NB-IoT.

Hiện, để thúc đẩy ngành kinh tế số và hỗ trợ các đối tác, Qualcomm không chỉ sản xuất những bộ vi xử lý, mà còn tiếp tục theo đuổi, nghiên cứu đưa ra các thiết kế tham chiếu cho rất nhiều ngành, sản phẩm. Mục đích nhằm giúp cho các OEM sản xuất sản phẩm nhanh hơn thay vì phải thiết kế lại tất cả từ đầu (Theo ông Nam, tại Việt Nam đã có 4 OEM trực tiếp đăng ký bản quyền với Qualcomm).

"Cuộc chơi" IoT mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt

 internet, công nghệ 4G, Qualcomm, Công nghệ 5G, kinh tế số, Thiều Phương Nam,

Với chiến lược phát triển là hướng đến thúc đẩy công nghệ di động tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam cho biết, Qualcomm tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ các nhà sản xuất tại Việt Nam trong xu thế IoT cũng như cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Đáng chú ý, IoT sẽ là "cuộc chơi" khác hẳn so với thị trường sản xuất các thiết bị đầu cuối trước đây, vốn chỉ có vài ba nhà sản xuất lớn trên thế giới và bán sản phẩm toàn cầu.

Theo ông Nam, IoT sẽ đi vào từng nhánh và tích hợp các dịch vụ, là yếu tố mang lại lợi thế cho Việt Nam. Ví dụ như: với lĩnh vực đô thị thông minh (smart city) khi triển khai tại Việt Nam phải có sự "tùy chỉnh" theo từng địa phương, thành phố... hay quy mô phát triển. Cho nên, năng lực thiết kế các sản phẩm IoT, kết nối với hạ tầng cloud từng nhu cầu cụ thể tại Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết. Các công ty tại Việt Nam bắt đầu nhận thấy điều này và đấy cũng là cơ hội, sứ mạng của Qualcomm trong việc chia sẻ, hỗ trợ các đối tác Việt Nam tham gia vào xu hướng IoT để sản xuất các thiết bị không chỉ "made by Vietnam" mà còn "designed by Vietnam".

"Đấy là giá trị gia tăng quan trọng dành cho công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Về xu hướng lâu dài, chúng ta không chỉ gia công mà còn hướng tới năng lực thiết kế, cần có sự đầu tư", ông Nam nhận định.

Nhịp Sống Số đã có cuộc phỏng vấn ông Thiều Phương Nam xung quanh chủ đề này.

Trong số những doanh nghiệp sẽ tích hợp 5G vào smartphone để sản xuất vào đầu năm 2019, có đối tác ODM nào của Qualcomm tại Việt Nam không?

Từ nay tới 2019 - theo dự kiến của "lộ trình 5G" - vẫn còn 2 năm. Thông thường, để thiết kế một smartphone mất trung bình rất nhiều thời gian, từ việc chọn công nghệ, bộ vi xử lý, bo mạch… cho đến khi ra mắt sản phẩm thương mại. Như vậy, cũng còn khoảng 2 năm nữa cho các sản phẩm thương mại đầu tiên ra mắt. Điều này cũng đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà sản xuất smartphone, trong đó có các nhà sản xuất Việt Nam

Internet mang đến cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp khi không chỉ "loanh quanh" ở Việt Nam mà còn có thể vươn ra thế giới. Theo ông, những doanh nghiệp trong mảng sản xuất thiết bị tại Việt Nam cần phải làm gì mới có thể tham gia vào cuộc chơi toàn cầu, có thể “sống chung” với những đối thủ lớn?

Tôi xin phép đưa ra một ví dụ thế này. Hiện nay, sản xuất smartphone là ngành công nghiệp rất lớn trên thế giới. Khoảng 4, 5 nhà sản xuất lớn trên thế giới nắm hơn một nửa thị trường toàn cầu.Chúng ta đang nghe nhiều đến những thương hiệu như Oppo, Vivo, Xiaomi, v.v.. Để Trung Quốc trở thành một nơi sản xuất nhiều thương hiệu smartphone lớn trên thế giới, đất nước này phải cần 10-15 năm.

Xu hướng chuyển dịch từ những trung tâm công nghệ đầu tiên xuất phát từ Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan đến Trung Quốc, nhưng hiện tại xu hướng là làm tại Việt Nam. Ví dụ này chứng tỏ cơ hội cho Việt Nam là rất lớn. Hiện nay Việt Nam là một trung tâm rất lớn về sản xuất, thế nhưng về thiết kế lại còn phụ thuộc rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thời gian chứ không phải chỉ năng lực.

Trong thời gian sắp tới, IoT đã là một cuộc chơi khác, đồng thời cũng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội này, dựa trên kinh nghiệm Qualcomm làm việc với các công ty Việt Nam, tôi thấy có 2 điểm các công ty Việt Nam cần chú trọng thêm: một là các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ di động, ví dụ như thiết kế antenna, camera cho di động. Chúng ta vẫn chưa có nhiều kỹ sư chuyên sâu trong lĩnh vực này, trong khi nhu cầu về anttena ngày càng khó đối với 4G, 5G vì việc thiết kế khó gấp mấy lần so với thiết kế anttena của điện thoại 2G... 

Thách thức thứ hai của Việt Nam là nguồn vốn cho những công ty công nghệ. Đầu tư vào các công ty công nghệ có rủi ro rất cao, và ở trên thế giới có một hệ thống đầu tư mạo hiểm cho những công ty công nghệ hoạt động khá tốt, mang lại hiệu quả tích cực với các công ty công nghệ. Việc sẵn sàng về nguồn vốn cho những ý tưởng tốt là vấn đề mà chính phủ Việt Nam có thể giúp.

Vậy, trong bối cảnh đó cũng như với chiến lược phát triển tại Việt Nam, Qualcomm sẽ hỗ trợ những nhà sản xuất Việt để đẩy mạnh năng lực sản xuất và đưa công nghệ mới vào như thế nào, thưa ông?

Tài sản lớn nhất của Qualcomm là công nghệ, là phát minh... Qualcomm sở hữu hàng ngàn bằng sáng chế. Hàng năm, Qualcomm đầu tư hơn 5 tỷ USD cho nghiên cứu & phát triển (R&D). Rất nhiều công nghệ được Qualcomm phát triển trong phòng lab, cả thiết kế chip, bo mạch, phần mềm. Hiện nay đầu tư vào phần mềm rất lớn để có thể chạy được phần cứng. Tất cả những tài sản của Qualcomm về công nghệ đều được Qualcomm chia sẻ cho đối tác. Đấy là đóng góp rất lớn của Qualcomm trong ngành công nghiệp. Để đảm bảo cho các công ty Việt Nam phát triển, chúng ta cần bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Hỗ trợ thứ hai chính là đào tạo, tập trung vào các lĩnh vực như thiết kế attena, sóng radio. Qualcomm có một lớp chuyên về đào tạo, đưa các đối tác Việt Nam qua phòng lab của Qualcomm để nghiên cứu, tìm hiểu.

Thứ ba, khi phát triển ra toàn cầu, mạng lưới của Qualcomm với hệ sinh thái toàn cầu rất lớn, giúp các công ty Việt Nam phát triển bên ngoài Việt Nam. Một lĩnh vực khác chưa được làm nhiều tại Việt Nam, nhưng Qualcomm có thể hỗ trợ, đó là Qualcomm vận hành một quỹ đầu tư gọi là Qualcomm Ventures, đầu tư rất nhiều vào các công nghệ lớn trên thế giới. Đấy có thể là nguồn lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thiết kế, sản xuất.

Vậy Quỹ đầu tư này có chọn các công ty Việt Nam không, thưa ông? Cơ hội nào cho những start-up của Việt Nam để tiếp cận quỹ đó?

Việc chọn công ty để đầu tư cũng có quy trình. Xu hướng hiện nay của Việt Nam là trung tâm thiết kế, sản xuất..., nên phía Qualcomm cũng đang xem xét.

Bên cạnh đó, Quỹ Qualcomm Ventures hoạt động rất mạnh trên thế giới, thường xuyên công bố đầu tư của mình vào các công ty. Quỹ vận hành dự trên việc cân bằng giữa mục tiêu của quỹ và tài chính, chứ không phải chỉ đặt nặng yếu tố tài chính, với mục tiêu là giúp cho các ý tưởng mới được phát triển. Hiện nay các lãnh vực được tập trung nhiều như trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện hình ảnh, robot... là những xu hướngmà Qualcomm nhận thấy rằng đầu tư vào đấy sẽ giúp cho ngành công nghiệp phát triển tốt hơn, công ty cũng có nhiều cơ hội hơn. Các start-up Việt Nam thuộc các lĩnh vực này có thể tìm hiểu để tìm kiếm cơ hội.

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận