Mark Zuckerberg điều trần ròng rã 6 tiếng trước Quốc hội Mỹ

Mark Zuckerberg điều trần ròng rã 6 tiếng trước Quốc hội Mỹ

Mark Zuckerberg điều trần ròng rã 6 tiếng trước Quốc hội Mỹ

Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 23/10. Ảnh: Reuters

Tại phiên điều trần, Zuckerberg thừa nhận tiền ảo Libra là “dự án mạo hiểm” nhưng tìm cách trấn an các nhà lập pháp Mỹ rằng nó sẽ làm giảm chi phí thanh toán điện tử và mở ra hệ thống tài chính cho nhiều người hơn.

CEO Facebook đối mặt với hàng loạt câu hỏi về can thiệp bầu cử, tự do ngôn luận, nhóm thù địch và tin giả từ các thành viên của Ủy ban Tài chính Hạ viện. Nghị sỹ Maxine Waters “truy” người đứng đầu Facebook về các biện pháp chống thông tin sai lệch, ngăn chặn bỏ phiếu trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Bà còn gợi ý nên “giải tán” Facebook.

Trước đây, bà Waters kêu gọi dừng dự án Libra trước khi nó ra mắt theo kế hoạch vào năm 2020 và phác thảo luật cấm các hãng công nghệ tham gia vào lĩnh vực tài chính. Bà nói với Zuckerberg rằng: Tất cả sẽ có lợi nếu Facebook tập trung xử lý nhiều vấn đề hiện có hơn là phát triển dự án Libra.

Lưỡng đảng chỉ trích

Nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tỏ ra không hài lòng vì Facebook không xử lý được vấn nạn khai thác trẻ em trên mạng, thông tin sai lệch và bảo mật dữ liệu. Một số nói họ không tin tưởng nếu Facebook hỗ trợ mang dịch vụ tài chính đến cho 2,4 tỷ người dùng sau hàng loạt bê bối trong quá khứ.

Nydia Velazquez, đại diện đến từ đảng Dân chủ, mỉa mai: “Mô hình nội bộ của Facebook từ lâu là “đi nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Ngài Zuckerberg, chúng tôi không muốn phá vỡ hệ thống tiền tệ quốc tế đâu”.

Zuckerberg khẳng định chỉ ra mắt tiền ảo Libra một khi được Mỹ thông qua. Thậm chí, Facebook có thể rời Hiệp hội Libra nếu các công ty khác trong tổ chức quyết định phát hành đồng tiền này mà không cần được Mỹ cho phép.

Các tuần gần đây, Libra chịu sức ép lớn từ các nhà lập pháp và quản lý khắp thế giới vì lo lắng nó có thể bị lợi dụng để tài trợ cho hoạt động rửa tiền, khủng bố, xáo trộn hệ thống tài chính toàn cầu. Một số đối tác như Mastercard, Visa, PayPal và eBay đã rút lui khỏi dự án. Đại diện Ann Wagner của đảng Cộng hòa tra hỏi vì sao nhiều công ty lại từ bỏ dự án Libra đến vậy.

CEO Facebook thừa nhận có việc này vì Libra là “dự án mạo hiểm” và không dám chắc nó có hiệu quả không. Trong suốt phiên điều trần, giá bitcoin – một loại tiền ảo khác - xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.

Facebook còn nhiều việc phải làm

Zuckerberg từng điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4/2018 trong tổng cộng 10 tiếng cho 2 ngày. Các vấn đề được đặt ra khi ấy là về bê bối Cambridge Analytica, trong đó hãng tư vấn đã lạm dụng dữ liệu người dùng Facebook để can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong lần điều trần này, Zuckerberg thừa nhận sai lầm của Facebook và hiểu rằng họ không phải “sứ giả lý tưởng” cho dự án Libra và công ty cần “làm nhiều việc để xây dựng lòng tin”. Dù vậy, ông cho rằng các sai lầm trong quá khứ không nên cản trở Libra. “Tầm nhìn ở đây là mọi người có thể chuyển tiền cho nhau dễ hơn, rẻ hơn, giống như cách gửi tin nhắn”.

Tuy nhiên, CEO Facebook không thể thay mặt Libra đưa ra các cam kết bởi mạng xã hội không còn nắm quyền kiểm soát dự án. Ngày 14/10, Hiệp hội Libra với 21 thành viên đã đồng ý các điều khoản về cách tổ chức hiệp hội theo quy định của Thụy Sỹ. Phần lớn quyết định đều cần được đa số phiếu, đồng nghĩa Facebook không thể tự tung tự tác.

Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa lại ủng hộ Zuckerberg và Libra. Họ tranh luận chính phủ không nên ngăn cản khu vực tư nhân đổi mới. Patrick McHenry, đại diện đảng Cộng hòa, đưa ý kiến: “Tôi cũng có mối lo riêng về Facebook và Libra cũng như các hạn chế của các hãng công nghệ lớn. Tuy nhiên, nếu lịch sử dạy cho chúng ta điều gì, đó chính là tốt hơn hết, hãy đứng về phía đổi mới”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận