Những hãng smartphone đặt mục tiêu cao, thậm chí muốn đánh bại Oppo, Apple tại Việt Nam nhưng chưa thành

Những hãng smartphone đặt mục tiêu cao, thậm chí muốn đánh bại Oppo, Apple tại Việt Nam nhưng chưa thành

Nhiều hãng smartphone khi vào thị trường Việt Nam thường đặt mục tiêu rất cao, chẳng hạn top 5 hoặc top 3 hãng smartphone lớn nhất thị trường. Tuy vậy miếng bánh smartphone tại Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng, cộng với các lý do khác nhau mà các hãng này chưa đạt được mục tiêu.

ZTE

Cuối năm 2015, ZTE - công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị viễn thông được biết đến trên toàn thế giới - quay trở lại thị trường Việt Nam và giới thiệu 5 smartphone mới ra thị trường. Thời điểm đó, ZTE chọn hợp tác với Phúc Hải Mobile, một nhà bán lẻ lâu năm ở TP.HCM nhưng quy mô về mảng phân phối vẫn chưa lớn.

Những hãng smartphone đặt mục tiêu cao, thậm chí muốn đánh bại Oppo, Apple tại Việt Nam nhưng chưa thành

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc kinh doanh thị trường mở ZTE Việt Nam - trong sự kiện ZTE chính thức quay lại thị trường năm 2015. Ảnh: Hải Đăng 

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc kinh doanh thị trường mở ZTE Việt Nam – tại thời điểm ra mắt cho biết ZTE đặt mục tiêu lọt vào top 5 hãng điện thoại lớn nhất Việt Nam trong vòng 3 năm sau đó, tức khoảng năm 2018. Tuy vậy, kể từ đó đến nay quan sát các số liệu thống kê, ZTE chưa từng lọt vào top 5 như hãng kỳ vọng.

Hiện một số ít smartphone của ZTE đang bán ở các cửa hàng nhỏ hoặc bán trên mạng.

Coolpad 

Có smartphone bán tại Việt Nam được vài năm, hãng Coolpad hợp tác với nhà phân phối Smartcom chính thức thành lập công ty tại đây vào tháng 9/2016. 

Những hãng smartphone đặt mục tiêu cao, thậm chí muốn đánh bại Oppo, Apple tại Việt Nam nhưng chưa thành

Coolpad và Smartcom ký hợp tác thành lập công ty Coolpad Việt Nam năm 2016. Ảnh: Hải Đăng

Cùng với việc mở công ty con, Coolpad đặt mục tiêu vào top 5 thương hiệu điện thoại thông minh tại Việt Nam trong năm 2016 và top 3 vào năm 2017. Tuy nhiên mục tiêu vào top 3 của Coolpad chưa bao giờ thành hiện thực.

Hiện điện thoại mang thương hiệu này được bán nhiều trên tất cả các kênh bán lẻ truyền thống lẫn online, tập trung vào phân khúc giá rẻ và bình dân. 

Asus

Asus là một trường hợp đáng tiếc tại Việt Nam và cả toàn cầu. Hãng Đài Loan có 14% thị phần vào quý 2/2015 , đứng thứ hai tại thị trường Việt Nam chỉ sau Samsung thời điểm đó. Vào tháng 9 năm này, Jeff Lo - CEO Asus Việt Nam - tuyên bố muốn có 20% thị phần vào năm 2016, chính thức nắm giữ vị trí số 2 toàn thị trường.

Mặc dù vậy, tuyên bố này chưa bao giờ trở thành hiện thực. Vào thời điểm đó, Oppo và Nokia có thị phần ngang ngửa Asus, cùng nhau ganh đua vị trí số 3 thị trường smartphone.

Tuy vậy, kể từ giai đoạn đó đến thời điểm này, Oppo dần bứt lên để chiếm vị trí số 2 thị trường smartphone, Nokia và Asus dần bị mất thị phần.

Hiện tại, Asus vẫn còn các smartphone dòng Zenfone bán trên thị trường, và có cả chiếc điện thoại chơi game Asus ROG một số nơi vẫn bán.

Vivo

Vivo là tên tuổi nổi bật giai đoạn gần đây. Theo số liệu của GfK, hãng này liên tục lọt vào top 5 hãng smartphone có doanh số tốt nhất những tháng cuối năm 2019. Điều này có được một phần do những thay đổi nhân sự của hãng tại Việt Nam. 

Cuối năm 2019, thị phần Vivo tăng trưởng hơn so với cùng kỳ, cá biệt vào tháng 11/2019 hãng có tới 7,6% thị phần, có lẽ là con số tốt nhất của hãng từ trước tới nay tại Việt Nam.

Cùng với Huawei, Vivo là hãng tham gia khá bài bản vào thị trường Việt Nam. Trước khi chính thức có mặt ở thị trường này vào giữa năm 2016, Vivo đã xây dựng mạng lưới, lắp đặt các bảng hiệu để tăng nhận diện ở các cửa hàng nhỏ,...

Tuy vậy, ước mơ chiếm 15-20% thị phần smartphone Việt Nam của hãng này chưa bao giờ trở thành sự thật. Vào tháng 7/2016, đại diện Vivo khi chính thức vào Việt Nam đã đặt mục tiêu tham vọng nói trên, nhưng rõ ràng cuộc chơi khó khăn ở thị trường này chưa cho phép Vivo đạt kế hoạch.

Huawei

Có tiềm lực mạnh, có sản phẩm chất lượng tốt, tuy nhiên những khó khăn vô hình khiến Huawei chưa từng cất cánh tại thị trường Việt Nam ở mảng smartphone. Vào năm 2017 khi nhậm chức CEO Nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei, ông Henry Liu từng đặt mục tiêu đưa Huawei vào top 2 hãng smartphone tại Việt Nam vào năm 2020.

Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở nếu xét trên bình diện toàn cầu, vì Huawei khi đó là nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc, cạnh tranh ngôi vị số 1 toàn cầu cùng Samsung.

Sau thời điểm tuyên bố, Huawei đã có những động thái để hiện thực hoá kế hoạch. Hãng đã tung ra các sản phẩm tầm trung giá tốt, khuấy động thị trường, đạt được một số thành công nhất định. Tuy vậy thành tích tốt nhất của hãng này là lọt vào top 5 hãng smartphone có doanh số bán tốt theo tháng, chưa từng leo lên vị trí số 3 thị trường.

Sau lệnh cấm của Mỹ với Huawei hồi giữa năm 2019 trở đi, thị phần Huawei càng giảm tại Việt Nam, còn 2,8% tính trong 11 tháng của năm 2019.

Honor

Là thương hiệu con của Huawei mới gia nhập thị trường năm 2018, Honor thời điểm đó đặt mục tiêu vào top 3 thương hiệu smartphone tại Việt Nam vào năm 2020. Tuy vậy mục tiêu này khó thành hiện thực trong bối cảnh nhãn này vẫn chỉ có khoảng trên dưới 2% thị phần như hiện nay.

Những hãng smartphone đặt mục tiêu cao, thậm chí muốn đánh bại Oppo, Apple tại Việt Nam nhưng chưa thành

Ông George Zhao, Chủ tịch Honor toàn cầu, đặt mục tiêu Honor vào top 3 hãng smartpone tại Việt Nam hồi năm 2018. Ảnh: Hải Đăng

Hồi tuần trước, nhóm phụ trách thương hiệu Honor tại Việt Nam đã giải thể, nhường việc phân phối sản phẩm và tiếp thị cho nhà phân phối. Việc này chắc chắn càng làm cho mục tiêu ban đầu của Honor khó thành hiện thực hơn nữa.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK tính đến 11 tháng đầu năm 2019, Samsung dẫn đầu thị trường smartphone Việt Nam với 42,8% thị phần; Oppo đứng vị trí số hai với 23,9%. Apple và Xiaomi chiếm các vị trí tiếp theo với 7,1% và 6,6%. Realme và Vivo chiếm hai vị trí 5, 6 với 4% và 3,5%.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận