Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông báo từ nay đến 31/12, khách hàng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (doanh thu dưới 40 tỉ đồng/năm) sẽ được VPBank cấp hạn mức và giải ngân khoản vay không tài sản đảm bảo từ 500 triệu đồng hoặc khoản có tài sản đảm bảo từ 1,5 tỉ đồng.
Đặc biệt, khách hàng tham gia chương trình sẽ được VPBank giảm thêm 0,5% lãi suất so với lãi suất công bố của ngân hàng.
Theo đại diện VPBank, gói ưu đãi này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nắm bắt cơ hội phục hồi tăng trưởng nhanh chóng, bổ sung vốn lưu động để tái cơ cấu, sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh dịp cuối năm khi tình hình COVID-19 đã được kiểm soát tốt.
Trong đợt dịch trước đó, VPBank cũng áp dụng chính sách giảm 1,5% lãi suất, thiết kế các phương án tái cấu trúc, giãn thời gian trả nợ cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Trước đó, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) cũng công bố chương trình "SME – Tiếp vốn đầu tư", với thời gian triển khai kéo dài đến 30/6/2021 và lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm, nhằm mang đến giải pháp tài chính hiệu quả, phục vụ đa dạng nhu cầu vốn trung dài hạn cho đối tượng doanh nghiệp SME.
Ngoài ra, với những khách hàng SME thuộc nhóm khách hàng ưu tiên của ABBANK có nhu cầu vay ngắn hạn còn được tham gia chương trình ưu đãi lãi suất “Tiếp vốn nhanh – Tăng trưởng kinh doanh” áp dụng đến 31/12 với mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm và nhóm khách hàng thông thường mức lãi suất vay ưu đãi từ 6,9%/năm.
Bên cạnh đó, ABBANK cũng hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ qua 2 gói sản phẩm chuyên biệt với mức cấp tín dụng lên đến 10 tỉ đồng, tỷ lệ cho vay lên đến 99% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn cấp tín dụng tối đa lên đến 120 tháng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng thông báo tiếp tục giảm sâu lãi suất xuống còn 6,2%/năm trong gói SWIFT SME trị giá 5.000 tỉ đồng, dành cho doanh nghiệp SME có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong mùa cao điểm cuối năm, với mức lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp SME giảm còn từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ ngày 13/10.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, dư địa tín dụng dành cho các doanh nghiệp hiện khá dồi dào. Riêng tại địa bàn Tp.Hồ Chí Minh, tính đến giữ tháng 10/2020, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 6% trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 là 14%.
Để tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp chỉ cần có phương án kinh doanh khả thi, minh bạch tài chính hoặc có tài sản đảm bảo. Riêng đối tượng doanh nghiệp SME không có tài sản bảo đảm thì chỉ cần cho ngân hàng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp và có phương án kinh doanh khả thi. Đây được xem là cơ sở để các ngân hàng cho vay cũng như đảm bảo phương án thu hồi nợ.
Đối với các doanh nghiệp vừa và lớn, tài sản đảm bảo có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau như bất động sản, dây chuyền sản xuất, các khoản phải thu trong tương lai thông qua nghiệp vụ bao thanh toán, tài sản hình thành trong tương lai.
Đại diện một ngân hàng thương mại ở TP HCM cho biết, mặc dù lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất so với những năm gần đây, song khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp lại không cao. Bởi đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, thị trường tiêu thụ gặp khó khiến nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay mới.
Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 sẽ đạt 9-10% trong bối cảnh nền kinh tế hiện đang hồi phục tốt. Một số ngân hàng hiện đang xin thêm hạn mức tín dụng và nhiều khả năng NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm quý IV/2020.
Theo Tạp chí Điện tử
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: dientungaynay.vn
Tham gia bình luận