POPS đã từng khuyến cáo Truyền hình FPT vi phạm bản quyền từ năm 2017

POPS đã từng khuyến cáo Truyền hình FPT vi phạm bản quyền từ năm 2017

POPS đã từng khuyến cáo Truyền hình FPT vi phạm bản quyền từ năm 2017

Một trong những hình ảnh chứng cứ vi phạm bản quyền mà POPS cung cấp cho ICTnews mới đây.

Như ICTnews đã có loạt bài phản ánh, vào tháng 4 vừa qua, POPS đã nộp hồ sơ khởi kiện FPT tại Tòa án Nhân dân Quận 10 với cáo buộc Truyền hình FPT có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả đối với 1.800 nội dung thuộc quyền sở hữu và quyền khai thác của POPS trên nền tảng đầu thu FPT.

Theo đại diện của POPS: "Tòa án đã có quyết định thụ lý vụ kiện".

Để rộng đường dư luận, ICTnews đề nghị POPS cung cấp tài liệu, chứng cứ mà POPS thu thập được để chứng minh Truyền hình FPT vi phạm bản quyền các nội dung của POPS. Theo tài liệu mà POPS cung cấp cho ICTnews, POPS đã phát hiện Truyền hình FPT vi phạm bản quyền từ năm 2017 tới tận tháng 4/2019.

Cụ thể, vào năm 2017, POPS phát hiện FPT Play đăng tải trái phép nhiều nội dung thuộc quyền sở hữu của POPS và đối tác. Ngày 19/12/2017, POPS gửi Thư khuyến cáo cho FPT và yêu cầu FPT chấm dứt hành vi xâm phạm. FPT sau đó xác nhận đã tháo gỡ các nội dung này trên hệ thống FPT Play.

POPS đã từng khuyến cáo Truyền hình FPT vi phạm bản quyền từ năm 2017

Tiếp đó vào tháng 9/2018, FPT lại tiếp tục đăng tải loạt phim “Cô Gái Đến Từ Bên Kia” do POPS sản xuất và là chủ sở hữu bản quyền. Ngày 14/9/2018, POPS đã gửi email cảnh báo hành vi xâm phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm. Ngày 5/10/2018, POPS mới nhận được email trả lời từ FPT Telecom là đã thực hiện các yêu cầu chấm dứt của POPS.

Tháng 1/2019, POPS phát hiện một số sản phẩm thuộc sở hữu và thuộc độc quyền của POPS bị đăng tải trái phép trên truyền hình Internet FPT. Ngày 23/1/2019, POPS đã gửi Thư khuyến cáo đến FPT Telecom yêu cầu chấm dứt và bồi thường thiệt hại cho POPS. Tuy nhiên, FPT chỉ chấm dứt sử dụng mà không bồi thường bất cứ thiệt hại nào cho POPS.

Đầu tháng 4/2019, POPS lại phát hiện khoảng 303 nội dung do POPS sản xuất và thuộc quyền sở hữu của POPS cùng hơn 1.500 nội dung của đối tác nước ngoài mà POPS được cấp quyền sử dụng bị khai thác trái phép.

Cũng theo nguồn tin từ POPS, ngày 9/5/2019, đại diện của FPT Telecom đã có cuộc họp với đại diện của POPS tại văn phòng công ty POPS. Trong cuộc họp, POPS trình bày rất rõ quan điểm của mình là việc xâm phạm và hợp tác là hai vấn đề riêng biệt, cần phải được giải quyết riêng. Trong cuộc họp, POPS cũng đưa ra các yêu cầu để giải quyết hành vi xâm phạm của FPT. Đại diện Truyền hình FPT ghi nhận sẽ trao đổi nội bộ và trả lời POPS vào ngày 16/5/2019. Tuy nhiên, ngày 16/5/2019, FPT Telecom, thông qua đại diện của mình là Bross & Partners, gửi công văn phản hồi cho POPS nhưng chỉ đề xuất hợp tác mà không nhắc đến bất cứ lời nào về việc giải quyết hành vi xâm phạm.  

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Esther Nguyễn, CEO của POPS cho biết: Truyền hình FPT đã liên lạc với POPS đề nghị mua lại nội dung của POPS để kinh doanh trên các nền tảng của FPT. Tuy nhiên, POPS đang trong quá trình cân nhắc để hợp tác thì FPT đã chiếm đoạt nội dung thuộc sở hữu của POPS và khai thác một cách trái phép. Hành vi này không những bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của POPS mà còn bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với POPS vì các nhãn hiệu, logo, hình tượng được bảo hộ là các chỉ dẫn thương mại của POPS. 

Việc FPT xóa nhãn hiệu, tên thương mại POPS khỏi các Logo được gắn trên các nội dung này như “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay vào đó là nhãn hiệu FPT là hành vi cố tình thực hiện, đồng thời sẽ làm cho người sử dụng dịch vụ hoặc các bên liên quan bị nhầm lẫn mà tin rằng giữa POPS và FPT có mối liên hệ nào đó, trong khi thực tế không phải như vậy. Điều này dẫn đến thiệt hại cho POPS, cũng như uy tín của POPS đối với các đối tác. 

“Đối với người tiêu dùng Việt Nam, đây là thiệt hại to lớn, thay vì có thể xem các nội dung này trên kênh YouTube POPS Kids hay trên App của POPS miễn phí thì họ phải trả cho FPT một khoản tiền phí không nhỏ mỗi tháng để xem được những nội dung đó”, bà Esther Nguyễn cho biết.

Thế nhưng, sau những cáo buộc của POPS, Truyền hình FPT một mực phủ nhận và không thừa nhận vi phạm bản quyền nội dung như POPS đã cung cấp cho báo chí trong mấy ngày qua.

Phía Truyền hình FPT cho ICTnews biết: “Đã chuẩn bị sẵn sàng để theo kiện đến cùng, Tòa án sẽ quyết định ai đúng ai sai”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận